‘Bình dân học vụ’ thời công nghệ

(DNTO) - ‘Xoá mù’ công nghệ giờ đây đã trở thành yêu cầu đối với các lao động tương lai nếu không muốn bị thay thế bởi các đối thủ hay chính các công nghệ.

Từ nhân viên nội dung, ngân hàng, du lịch... đều đang tìm đến các lớp học công nghệ để tăng thêm kỹ năng số phục vụ công việc. Ảnh minh hoạ.
Sau 5 năm mở các lớp phân tích dữ liệu ở Việt Nam, số lượng học viên của Datapot tăng gấp 30 lần. Ông Tô Mạnh Hoàng, CEO Datapot, chuyên gia giải pháp và đào tạo được chứng nhận bởi Microsoft cho biết, các doanh nghiệp hiện đều nhận ra rằng dữ liệu là tài nguyên, vì vậy, nhu cầu về nhân sự phân tích dữ liệu bao gồm cả nhân sự chuyên môn hóa trong lĩnh vực dữ liệu và nhân sự ở bất cứ vị trí nào cũng đều cần có kỹ năng và khả năng phân tích để đáp ứng được sự thay đổi mạnh mẽ của tình hình kinh doanh cũng như sở thích, nhu cầu của khách hàng.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) cho biết khi công nghệ số thâm nhập vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội, nó ngày càng đòi hỏi người lao động phải có năng lực kép: cả kỹ năng số và kỹ năng chuyên môn.
“Do vậy, việc đòi hỏi có năng lực số trở thành một nhân tố quan trọng để trở thành một người lao động giỏi trong kỷ nguyên số. Người tiêu dùng cũng vậy, nếu không có năng lực số tốt, cũng sẽ trở thành một “kẻ mù mờ” trong kỷ nguyên số khi không có khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả các công nghệ số và dữ liệu số để ra quyết định chọn lựa và bảo vệ các quyền cơ bản của mình trong quá trình tiêu dùng và sử dụng các sản phẩm-dịch vụ”, ông Giang nhấn mạnh.
Kĩ năng công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu khi các doanh nghiệp đều mong muốn tuyển dụng người lao động có kỹ năng sử dụng công nghệ, ngoài năng lực chuyên môn. Ông Vũ Đắc Linh, Trưởng phòng Quản lý Dự án và chuyển đổi, Ngân hàng Public Bank, cho biết mặc dù việc tuyển dụng nhân sự phân tích dữ liệu khó khăn và chi phí cao hơn mặt bằng chung nhưng doanh nghiệp hoàn toàn chấp nhận chi trả. “Đây là công cụ đắc lực để doanh nghiệp mài sắc lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay”, ông Linh nói.


Hay với AI (trí tuệ nhân tạo), một trong những công nghệ được coi là trợ thủ đắc lực trong công việc khi có thể hỗ trợ con người viết code, viết nhạc, vẽ tranh, chăm sóc khách hàng, viết nội dung... Nghiên cứu của Gartner cho biết đến năm 2026, 5% lao động sẽ thường xuyên sử dụng AI để hoàn thành, đối phó với nhiệm vụ được giao. Đó là lý do 1,4 tỉ người lao động thế giới (40%) cần học điều khiển AI (trí tuệ nhân tạo) trong 3 năm tới, theo IBM.
Vì vậy, theo ông Lê Công Thành, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần Công nghệ chọn lọc thông tin (InfoRe), trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải tiến hành phong trào “Bình dân học AI” để xoá mù công nghệ, giống như phong trào “Bình dân học vụ” để xoá mù chữ trước đây.
“Năm 1945, 95% dân ta không biết chữ. Hiện nay, đa phần người dân chưa biết dùng AI hiện đại. Nếu 20% - 50% người dân dùng AI hằng ngày trong 3 - 5 năm tới, nền kinh tế số sẽ vô cùng mạnh mẽ. Vì vậy, cần noi gương “Bình dân học vụ”, tổ chức các lớp học online - offline để mọi người dạy AI cho nhau. Người biết ít dạy người biết nhiều. Người dạy được thưởng token (tiền số), tạo thành một phong trào rộng”, ông Thành kiến nghị.
Theo vị Chủ tịch của InfoRE, AI đang biến đổi rất nhanh, vì thế người dạy cũng là người học, cả xã hội phải cùng cập nhật và tiến bộ. Sử dụng AI giúp phá tan rào cản ngôn ngữ, kiếm tiền từ thị trường nước ngoài chỉ sau vài buổi học. Việt Nam có thể phát huy lợi thế về dân số và độ lớn của xã hội số, nắm lấy thời cơ xuất phát cùng lúc với nước ngoài. Bởi người Việt vốn có truyền thống hiếu học, cộng thêm sự thông minh, nhanh nhạy sẽ giúp chúng ta xuất khẩu lượng lớn tri thức.
Định nghĩa kỹ năng số là “khả năng tìm kiếm, đánh giá, sử dụng, chia sẻ và tạo nội dung bằng công nghệ thông tin và Internet”, ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng Ban Chuyển đổi số tại MobiFone, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chính Phủ số Vinasa, nhấn mạnh bất kỳ kỹ năng nào cần thiết để hoạt động hiệu quả trong môi trường số sẽ ngày càng phát triển. Do vậy, việc đào tạo kỹ năng số phải bắt đầu ngay từ trường học.
“Tất cả người dân đều cần nâng cao kỹ năng tin học, sử dụng internet hay kỹ năng mềm, vì vậy, các khóa học đều phải thiết kế chất lượng và mở rộng cho đông đảo người dân, thay vì chỉ có những khoá học chuyên ngành. Vì vậy ngoài đào tạo về chuyển đổi số, còn cung cấp các khóa học chi tiết từ các chuyên gia để giúp quá trình chuyển đổi số đi vào đời sống thường nhật”, ông Huy nói.
Bản chất của công nghệ là liên tục thay đổi, vì vậy với các đơn vị đào tạo như Datapot cũng phải không ngừng nghiên cứu, nâng cấp và tuỳ chỉnh theo yêu cầu của học viên và thị trường.
“Chúng tôi phải không ngừng nghiên cứu và phát triển lộ trình học để có thể giúp học viên thu hẹp khoảng cách giữa những gì mình đang có và yêu cầu gắt gao của nhà tuyển dụng cho các vị trí công việc liên quan”, CEO Datapot nói.