Vì sao Việt Nam phải làm chủ AI tạo sinh?
(DNTO) - Việt Nam có nhiều tiềm năng ngay cả trong công nghệ mới như AI, nhưng cần nhanh hơn để không bị xâm chiếm bởi các ứng dụng ngoại.
Cuộc chạy đua với AI tạo sinh
Là một nhánh của AI (trí tuệ nhân tạo), AI tạo sinh bùng nổ sau sự ra đời của chatGPT, với khả năng tạo ra nội dung và ý tưởng mới ở nhiều dạng như văn bản, hình ảnh, âm nhạc, video… Nhờ vậy, AI tạo sinh có thể thay thế nhiều công việc của con người như viết nội dung, vẽ tranh, sáng tác nhạc, làm đồ họa, lập trình…
Nghiên cứu của McKinsey nhận định AI tạo sinh có thể đóng góp 4,4 nghìn tỉ USD cho kinh tế toàn cầu, với khoảng 60.000 ứng dụng cho các ngành nghề khác nhau. Đó là lý do các gã khổng lồ công nghệ đang lao vào cuộc đua với AI tạo sinh, bất chấp phải đổ hàng tỷ USD cho nó.
Ngoài chatGPT của OpenAI, ‘ông lớn’ Google cũng tung ra mô hình AI tạo sinh Bard, Amazon cũng không kém cạnh với Titan. Các tay chơi ở Trung Quốc cũng không kém cạnh như Baidu với Earnie Bot, Sense Time với SenseChat hay Hunyan đến từ Tencent. Ở Hàn Quốc, công ty công nghệ lớn nhất nước này là Naver cũng tung ra HyperClova X...
Hiện trên thế giới có khoảng 60 quốc gia có chính sách phát triển AI, trong đó có Việt Nam, theo Oxford Insights. Điều này cho thấy các quốc gia đã nhìn nhận trí tuệ nhân tạo là công nghệ cốt lõi cần tập trung phát triển để nâng cao lợi thế cạnh tranh. Ở Việt Nam cũng nhiều “ông lớn” cho đến startup cũng nhảy vào lĩnh vực này.
GS. TS Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Câu lạc bộ Khoa -Trường - Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam (FISU) cho biết hiện có 7 doanh nghiệp lớn, gần 100 startup phát triển AI. Ngoài ra, khoảng 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng công nghệ này. Đây là điểm hấp dẫn của thị trường Việt Nam.
Nhưng ông Thủy cũng băn khoăn khi Việt Nam các doanh nghiệp phát triển AI nội địa đang phải “đấu” với các gã khổng lồ ngoại quốc. “Muốn có những sản phẩm AI mạnh thì phải có kho dữ liệu lớn và phải dán nhãn đặc thù Việt Nam. Việc này không dễ, cần sự hỗ trợ của nhà nước và nhiều ban ngành”, ông Thủy chia sẻ tại diễn đàn AI Summit.
Việt Nam phải làm chủ AI tạo sinh
Hiện các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên thế giới đều dựa trên nền tảng mô hình ngôn ngữ lớn có sẵn như tiếng Anh. Điều này khiến các quốc gia như Việt Nam sẽ rất rủi ro nếu dùng các ứng dụng AI tạo sinh này. TS Đào Đức Minh, Tổng giám đốc VinBigdata, cho biết ngôn ngữ khác biệt sẽ ảnh hưởng đến tính chính xác, bảo mật dữ liệu, sự tương thích với người dùng, doanh nghiệp, tổ chức...
“Các mô hình ngôn ngữ lớn của nước ngoài có hàng trăm tỉ tham số, đòi hỏi hạ tầng tính toán rất lớn khi chạy thực tế. Nhưng AI cũng có thể trả lời sai, đặc biệt các kiến thức lịch sử, văn hóa, những vấn đề đặc trưng của mỗi quốc gia. Vì vậy, cần có sản phẩm AI tạo sinh do người Việt phát triển để đảm bảo an toàn dữ liệu quốc gia, làm chủ nội dung, đưa thông tin chính xác và phục vụ tốt nhất chính quyền, xã hội”, ông Minh nói.
Cụ thể, VinBigdata đang xây dựng mô hình AI tạo sinh có số lượng tham số nhỏ hơn chatGPT hàng trăm lần, nhưng dựa trên dữ liệu của người Việt. Kết quả, câu trả lời mang tính đặc thù địa phương có độ chính xác cao hơn rất nhiều. Ví dụ, khi hỏi về luật với 2 vi phạm khác nhau, trong khi chatGPT chỉ có thể trả lời chung chung thì mô hình AI của VinBigdata có thể trả lời chính xác từng luật, nghị định, mức phạt...
Đó cũng là lý do nhiều quốc gia mong muốn sở hữu hệ sinh thái AI của mình, để tránh rủi ro khi phụ thuộc vào những ứng dụng công nghệ đến từ nước khác. Bởi theo ông GS. TS Nguyễn Lê Minh, Giám đốc Trung tâm Trí tuệ nhân tạo giải thích, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST) cho biết AI có thể bịa đặt vì AI cũng gặp trường hợp hallucinations (ảo giác) trước bài toán mô hình ngôn ngữ lớn và mô hình kinh tế tạo sinh. Ngoài ra, nhiều ứng dụng AI hiện nay khai thác dữ liệu người dùng nên cũng đối diện nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân nếu không có thuật toán bảo mật tốt cũng như cam kết từ đơn vị cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thừa nhận phải chấp nhận AI sẽ có lỗi, quan trọng vẫn ở người dùng lựa chọn tin bao nhiêu % vào AI. “Hãy trở thành người tiêu dùng thông minh, không tin 100% vào AI tương tự như việc không bao giờ tin vào bất kỳ điều gì tuyệt đối”, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy nói.