Áp lực tiêu 247.000 tỷ trong 30 ngày: Nên có tư duy mới trong quản lý đầu tư công
(DNTO) - Các chuyên gia cho biết mỗi dự án đầu tư công có đặc thù riêng nên việc quản lý theo quy trình thủ tục không còn phù hợp. Tư duy đầu tư công nên dài hạn hơn vì có dự án không thể định hướng tiến độ theo từng năm.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân 11 tháng của cả nước khoảng 461.000 tỷ đồng, đạt 65,1%, cao hơn cùng kỳ (58,33%) và số tuyệt đối cao hơn gần 123.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý có 41 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân 10 tháng đầu năm dưới mức trung bình của cả nước, chỉ đạt 102.300 tỷ đồng, đạt 36,1% kế hoạch.
Số vốn chưa giải ngân theo kế hoạch còn khá lớn 247.000 tỷ đồng, trong khi chỉ còn khoảng 30 ngày nữa là kết thúc năm 2023.
Giải ngân đầu tư công được xem là một trong những động lực chính thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế đất nước trong năm nay và các năm tiếp theo. Vì thế, gỡ vướng trong đầu tư công được xem là nhiệm vụ cấp thiết.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, các dự án đầu tư công luôn gặp vướng mắc về bất cập chính sách liên quan, giải phóng mặt bằng, thanh toán... Việc thúc đẩy đầu tư công trong những năm tiếp theo vì vậy sẽ phải mang tư duy, cách thức rất khác.
Tư duy mới để giải bài toán cũ
Chỉ còn 30 ngày để tiêu hết số vốn 247.000 tỷ đồng là áp lực rất lớn với các bộ ngành, địa phương. Cách đây 5 hôm, TP.HCM tuyên bố mở màn chiến dịch "60 ngày đêm giải ngân đầu tư công", với quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công đạt 95%.
Chia sẻ trong Tọa đàm “Giải bài toán đầu tư công: Gỡ nút thắt từ cơ chế, chính sách” hôm 29/11, PGS.TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá chiến dịch "60 ngày đêm giải ngân đầu tư công" của TP.HCM làm rất quyết liệt với sự chuẩn bị rất kĩ lưỡng. Tuy nhiên, biết đầu tư công cũng là câu chuyện thị trường, đầu tư phải có hiệu quả thực tế, không phải thi đua lập thành tích ảo vì có thể làm chất chồng những sai lầm. Vì vậy, đẩy nhanh đầu tư công ngắn hạn là việc phải làm nhưng phải chú ý đến thực chất.
Vị chuyên gia đề xuất Chính phủ, Quốc hội nên đánh giá theo thực chất của việc giải ngân đầu tư công, không chỉ là kết quả giải ngân, mà phải là quá trình chuẩn bị những điều kiện để thúc đẩy quá trình giải ngân một cách chất lượng, bao gồm cả khối lượng, quy mô, cơ cấu giải ngân thực chất.
“Chúng ta không nên vì mốc thời gian 31/12 để cố gắng xoay đủ mọi cách để hoàn thành giải ngân đầu tư công. Làm sao tiền đưa ra thị trường, “bơm máu” cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp bên ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân hấp thụ, đó mới là quan trọng. Có thể chấp nhận năm nay giải ngân chậm nhưng còn 1 tháng cuối cùng chuẩn bị điều kiện thật tốt để sang năm giải ngân mạnh hơn thì kết quả cuối cùng vẫn tốt hơn”, ông Thiên nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng cho biết cần thay đổi tư duy khi đánh giá dự án đầu tư công theo tư duy phù hợp. Với dự án khác nhau, quy trình, thủ tục, sự phân cấp phân quyền khác nhau, không nên đánh đồng vì vô hình chung làm lãng phí chi phí giao dịch cho các dự án không đáng có.
“Quản lý theo kết quả đầu ra hơn là quản lý theo quy trình thủ tục, định mức chi phí kĩ thuật. Quản lý đầu ra là quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mà không quá băn khoăn để làm sản phẩm này, nhà đầu tư chi cho hạng mục này, hạng mục kia bao nhiêu tiền. Tư duy về đầu tư công nên dài hơn, có những dự án định hướng theo từng năm, nhưng có những dự án không thể định hướng như vậy”, ông Hiếu nói.
Không nên có tâm lý chờ bên trên
Ông Phan Đức Hiếu cho biết rất nhiều dự án đầu tư công bị ách tắc do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Một số cơ chế chính sách ở mặt bằng chung không sai, nhưng khi áp vào dự án cụ thể thì lại nảy sinh bất cập như chính sách liên quan đến PPP.
Vì vậy, theo ông Hiếu, cần một thể chế pháp luật rõ ràng, khả thi, thống nhất để mọi người, mọi cơ quan khi đọc đều hiểu cùng một nghĩa thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Một là các đơn vị có thể triên khai được ngay; hai là giảm bớt tâm lý sợ, né tránh trách nhiệm.
Đặc biệt, vị chuyên gia cho biết đến thời điểm này cần mổ xẻ cụ thể nguyên nhân chậm tiến độ tại các dự án đầu tư công. Vấn đề nào thuộc về luật do cách hành văn, kĩ thuật quy định pháp luật; vấn đề nào thuộc về tổ chức thực thi. Nếu xác định sai vấn đề mà sửa Luật thì không giúp giải quyết vấn đề. Hay việc vướng mắc, chồng chéo giữa các luật nhưng phải xác định luật nào sửa, luật nào giữ nguyên hay phải sửa đồng bộ.
“Liên quan đến quy định pháp luật, cần xác định rõ thuộc thẩm quyền của đơn vị nào vì liên quan đến phản ứng chính sách. Nếu thuộc thẩm quyền của Bộ thì Bộ phải tích cực, chủ động, không phải cứ báo cáo Chính phủ và chờ. Tương tự phía Chính phủ cũng vậy. Còn vấn đề nào thuộc về luật phải chờ Quốc hội quyết định, nhưng tôi nghĩ bây giờ Quốc hội rất sẵn sàng. Vì vậy phải rất rõ ràng như vậy thì mới gỡ được”, ông Hiếu nói.
Ông Dương Bá Đức , Vụ trưởng Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính cho biết, hiện chính sách còn nhiều bất cập, chồng chéo nên những người tổ chức thực hiện đầu tư công cũng rất lúng túng. Tuy nhiên, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 73 bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Quốc hội, Chính phủ cũng rất nỗ lực tháo gỡ dần các nút thắt chính sách.
Với vấn đề thanh toán, ông Đức khuyến nghị không nên để lại khối lượng lớn mới làm thủ tục thanh toán mà phải thanh toán ‘cuốn chiếu’, khối lượng làm đến đâu thanh toán đến đó thì dòng tiền sẽ được giải ngân liên tục, không xảy ra chuyện tạm ứng hợp đồng để làm. Hiện cổng dịch vụ công quốc gia cho phép thanh toán online trong 1 ngày, các đơn vị không phải đến trực tiếp kho bạc, đây là một thuận lợi lớn trong thanh toán.