Ấn tượng tour đêm ‘Di sản hội tụ’ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

(DNTO) - Tối 18/11, tại Hà Nội, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, tổ chức chương trình nghệ thuật “Di sản hội tụ”, tạo dựng phát triển tour đêm tại di sản.

Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 năm nay, chương trình đã mở ra một không gian ấn tượng, độc đáo tại Văn Miếu để du khách có thể trải nghiệm ánh sáng nghệ thuật, tham gia các trò chơi cung đình triều Nguyễn được truyền ra dân gian của người dân Huế xưa.
Chương trình cũng tạo cơ hội giao lưu, quảng bá văn hóa giữa các đơn vị bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong cộng đồng bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam; đồng thời tạo cơ hội khai thác tour đêm tại các di sản, quảng bá di sản văn hóa Huế trong trao đổi, hợp tác với các đơn vị làm văn hoá tại Hà Nội.

Trong không gian từ cổng vào Văn Miếu đến Khuê Văn Các, cổng Đại Trung, Bia Tiến sĩ..., du khách sẽ được chiêm ngưỡng một không gian lung linh, huyền ảo qua kỹ thuật trình diễn ánh sáng kết hợp cùng ảnh động, tạo ra hiệu ứng 3D trên bề mặt phẳng, kể các câu chuyện gắn với đạo học Việt Nam.




Với công nghệ trình chiếu hiện đại, bia Tiến sĩ Thăng Long đã rũ bỏ mặt đá im lìm suốt hằng trăm năm qua, để kể những câu chuyện sinh động về khoa cử như: Số lượng thí sinh mỗi kỳ thi, các dạng bài thi, một số chức quan tham gia trong từng đợt thi hay những ân điển mà các vị Tiến sĩ tân khoa nhận được.

Tại lớp học thầy đồ, du khách sẽ được lắng nghe các phong tục tập quán, lễ nghi truyền thống cùng cách viết thư pháp và soạn câu đối với phong thái mực thước, chỉnh tề.

Tại sân trước khu điện Đại Thành, du khách có thể tham gia các trò chơi cung đình Huế xưa, như: Trò xăm hường, trò Bài vụ; trò Đầu hồ; trò thả Thơ... Trong đó, thả Thơ thu hút nhiều du khách trải nghiệm nhất, bởi trò chơi này được coi như lối “đánh bạc” bằng trí tuệ, thể hiện sự nhanh trí và vốn kiến thức uyên thâm về thi phú của tầng lớp nho sĩ đất Thần Kinh (Kinh đô thần bí) xưa.

Hiện nay, dù được tái hiện lại bằng chữ Quốc ngữ nhưng thả Thơ vẫn không bị mất đi giá trị cốt lõi xưa. Những câu thơ nổi tiếng của các thi nhân xưa sẽ bị “khuyết” đi 1 hoặc 1 vài cụm từ và trong 1 khoảng thời gian cố định, 4 người chơi sẽ phải tìm ra đáp án chính xác. Nếu đúng sẽ được giữ lại 1 thẻ bài, nếu sai thì nộp lại cho người giám thị. Sau 3 lượt đoán, ai còn lại nhiều thẻ bài nhất sẽ là người thắng cuộc, được tặng một bức tranh chữ thư pháp. Món quà này, ngoài mong muốn mang đến may mắn, hạnh phúc cho người chiến thắng, nó còn thể hiện truyền thống hiếu học, nhắc nhở chúng ta phải gìn giữ những tinh hoa văn hóa xưa mà cha ông để lại.

Điểm chạm cảm xúc cuối cùng đó chính là Nhà Thái Học. Tại đây du khách sẽ được thưởng thức một bữa tiệc của ánh sáng, âm thanh và cảm xúc khi mà toàn bộ mặt trước của nhà Tiền đường trên sân Thái Học biến thành một màn hình khổng lồ.


Sau khi được thưởng thức bộ phim mapping 3D “Tinh hoa đạo học” được lấy cảm hứng từ những giá trị di sản văn hóa tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám gắn liền với đạo học của dân tộc xuyên suốt qua nhiều thế kỷ, du khách sẽ được thưởng thức chương trình nghệ thuật "Huế giao hòa" với các tiết mục đặc sắc là di sản phi vật thể thế giới như: Đại nhạc Tam luân cửu chuyển, Múa cung đình Trình tường tập khánh, Lục cúng hoa đăng, Tiểu nhạc Phú lục địch… và các tác phẩm âm nhạc sáng tác mới trên chất liệu cung đình, như: hoạt cảnh Ấm sinh luyện chữ - Văn Hiến ngàn năm, hợp tấu Xây dựng kinh đô, dân ca Huế và các ca khúc ngợi ca Huế, Hà Nội.
