Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục miễn thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi tiết kiệm

(DNTO) - Ngày 21/2, phản hồi về việc mấy ngày qua dư luận xã hội lo ngại lãi tiền gửi tiết kiệm có thể bị đánh thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính khẳng định tiếp tục miễn thuế đối với khoản thu nhập này.

Bộ Tài chính không đồng ý đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm. Ảnh: TL.
Theo Bộ Tài chính, quy định miễn thuế này nhằm khuyến khích người dân gửi tiết kiệm, đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ người về hưu, người tàn tật có nguồn thu ổn định. Chính sách này cũng giúp ngân hàng huy động được nguồn vốn dài hạn phục vụ tăng trưởng tín dụng và đầu tư phát triển kinh tế. Việc duy trì quy định này được xem là biện pháp quan trọng nhằm giữ ổn định hệ thống tài chính và bảo vệ quyền lợi của người dân.
Theo quy định hiện nay, cá nhân có các khoản lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được miễn thuế. Đây là các khoản tiền gửi dưới các hình thức không hoặc có kỳ hạn, tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các khoản khác theo nguyên tắc hoàn trả đầy đủ gốc, lãi. Chỉ thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty, doanh nghiệp mới bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 21/11/2024, Bộ Tài chính đã có công văn số 12738/BTC-CST lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin Chính phủ. Ngày 22/1/2025, Bộ tiếp tục có công văn số 930/BTC-CST gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến thẩm định. Ngày 12/2/2025, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp thẩm định đề nghị xây dựng luật.
Bộ Tài chính cũng tham khảo kinh nghiệm quốc tế, cho thấy nhiều quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với lãi tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, Bộ cho rằng nếu áp dụng thuế này tại Việt Nam, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người gửi tiền, làm suy giảm lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng, từ đó tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính quốc gia.
Bên cạnh nội dung giữ nguyên quy định miễn thuế lãi tiền gửi tiết kiệm, dự thảo lần này cũng đưa ra các điều chỉnh quan trọng đối với thuế TNCN, gồm: Giảm số bậc thuế TNCN xuống dưới 7 để đơn giản hóa hệ thống thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với sự thay đổi của mức sống và chỉ số giá tiêu dùng; Bổ sung quy định giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo nhằm khuyến khích tinh thần trách nhiệm xã hội; Miễn, giảm thuế đối với một số lĩnh vực ưu tiên nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Tài chính cũng đang xem xét việc cải tiến thủ tục kê khai, quyết toán thuế TNCN để giảm bớt gánh nặng hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cá nhân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế.
Bộ Tài chính khẳng định, việc duy trì miễn thuế TNCN với lãi tiền gửi tiết kiệm và các cải cách thuế lần này nhằm bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong chính sách thuế, đồng thời phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Sau khi có ý kiến chính thức từ các bộ, ngành và địa phương, Bộ sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình Chính phủ trước khi báo cáo Quốc hội xem xét thông qua.