Nỗ lực phục hồi, gìn giữ những giá trị văn hoá của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám
(DNTO) - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp (1973 - 2023), sáng 14/2, tại khu Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954”.
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết, trong giai đoạn 1898-1954, Di tích Văn Miếu và Viện Viễn đông Bác cổ Pháp có mối liên hệ chặt chẽ trong việc bảo vệ, tu bổ thường xuyên khu di tích, phục hồi chức năng thờ tự và luôn duy trì được vai trò quan trọng của địa điểm này đối với cảnh quan của Hà Nội.
Sự hồi sinh của khu di tích là một câu chuyện rất thú vị được thể hiện thông qua bộ sưu tập ảnh Việt Nam của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp. Triển lãm đã kể lại hành trình của những con người tham gia vào việc bảo tồn Văn Miếu, giúp công chúng hiểu hơn về những công việc đã thực hiện ở Văn Miếu trong giai đoạn này, công việc của các nhà nghiên cứu lúc bấy giờ, đồng thời cung cấp cho người xem một cách nhìn đương đại về công tác nghiên cứu ngày nay.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, được Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp xếp hạng di tích lịch sử, đồng thời cũng là một trong những di sản được xếp hạng đầu tiên của Hà Nội. Lịch sử của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp luôn gắn liền với Văn Miếu cho đến khi cơ quan này rời đi vào năm 1957.
Ghi nhận những nỗ lực lớn của các nhà nghiên cứu Pháp ở Việt Nam trong việc bảo tồn, trùng tu giá trị Văn Miếu giai đoạn 1898-1954, TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bày tỏ: "Bộ sưu tập ảnh là một tài sản rất quý, một niềm cảm hứng để chúng tôi tiếp tục phát huy tốt nhất những giá trị của di tích trong cuộc sống đương đại, đồng thời tiếp tục cố gắng hơn nữa để đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một trung tâm hoạt động văn hoá khoa học giáo dục xứng tầm của thủ đô Hà Nội, để nơi đây trở thành một không gian văn hoá sáng tạo để phát huy được các giá trị của đạo học Việt Nam, cũng như nuôi dưỡng cho thế hệ trẻ về tình yêu với di sản dân tộc".
Là một trong những người có cơ hội được chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử, ông Độ rất tự hào và xúc động mỗi khi đến Văn Miếu - Quốc Tử giám, bởi sau nhiều lần trùng tu, nơi đây dường như vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc và những giá trị văn hoá xưa mà cha ông để lại.
Triển lãm được tổ chức tại Tiền đường nhà Thái Học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội đến hết ngày 30/4/2023.
Một số bức ảnh và hiện vật về Văn Miếu - Quốc Tử Giám giai đoạn 1898-1954 tại buổi triển lãm: