Tiền lì xì và bài học về lòng nhân ái
(DNTO) - Ai cũng biết việc người lớn lì xì cho trẻ nhỏ để lấy lộc đầu năm được xem là phong tục không thể thiếu vào ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây, tục này còn được khoát thêm nét mới mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Đó là qua việc sử dụng tiền món tiền lì xì có được sau tết để bồi đắp lòng nhân ái cho trẻ.
Lì xì ngày tết
Lì xì ngày tết là một nét văn hóa đặc sắc phổ biến ở một số quốc gia châu Á Tại Việt Nam, tục lì xì có từ lâu đời và vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay.
Đó là việc người lớn đặt một món tiền tượng trưng vào chiếc bao giấy - thường có màu màu đỏ - để mừng tuổi trẻ em sau khi được các bé chúc tết. Lì xì mang ý nghĩa trao lời chúc may mắn, mạnh khỏe, gặp nhiều thành công trong công việc, học tập của người lớn gửi đến trẻ.
Ngày nay, tục lì xì không còn giới hạn chỉ người lớn lì xì cho trẻ nhỏ nữa. Lì xì có thể do con cháu mừng tuổi những bậc cao niên trong nhà. Do sếp, đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm lì xì lẫn nhau như một lời chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc.
Còn nhớ, có một thời gian ở nước ta câu chuyện lì xì được mang ra tranh cãi, bàn tán do một bộ phận người dân làm cho nó biến tướng theo khuynh hướng tiêu cực. Người ta lợi dụng tục lì xì để ngụy trang cho việc hối lộ, lót tay… nhằm trục lợi.
Theo đó, nhiều người còn cho rằng: Với một bộ phận người dân có thu nhập thấp, tiền lì xì là một áp lực đè năng lên vai họ mỗi dịp tết đến. Thậm chí nhận định “Lì xì là cái nợ” trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, vẫn có số đông người vẫn ủng hộ cho rằng: Bản chất của lì xì là một nét văn hóa đẹp, mang ý nghĩa tích cực cần tiếp tục duy trì, bởi nó đã đi vào ký ức đẹp đẻ của biết bao thế hệ gắn liền với ngày Tết thời thơ ấu.
Ứng xử văn minh khi nhận lì xì
Thực tế tục lì xì đã vượt qua các cuộc tranh cãi và vẫn tồn tại cho đến nay. Tuy nhiên để gìn giữ nét đẹp và sự trong sáng của tục này, chúng ta dạy trẻ ứng xử văn minh khi nhận lì xì.
Trước hết dạy trẻ hiểu ý nghĩa thực sự của phong tục lì xì ngày Tết. Nói cho trẻ biết lì xì thể hiện tình cảm yêu mến của người lớn dành cho trẻ, mệnh giá của món tiền bên trong chỉ mang ý nghĩa tượng trưng.
Dạy trẻ thái độ lễ phép, nghiêm trang khi chúc tết người lớn. Gợi ý một số câu chúc tết đơn giản, gần gũi, phù hợp như chúc sức khỏe, chúc vui vẻ, chúc phát tài…Tránh những câu chúc cầu kỳ sáo rỗng.
Dạy trẻ phải nhận bao lì xì bằng hai tay và cúi đầu cám ơn. Tuyệt đối không mở bao lì xì ngay sau khi vừa được nhận hoặc chỗ đông người. Không nói ít nhiều, không so sánh của người này người kia.
Cần chuẩn bị cho con một một cái túi để đựng bao lì xì tránh việc nhận bao lì xì chuyển ngay cho bố mẹ.
Về phần người lớn chúng không nên nói đùa kiểu dùng những từ như “đi làm ăn, đi kiếm cơm” khi dẫn trẻ đi chúc tết…
Sử dụng tiền lì xì bồi đắp lòng nhân ái, kỹ năng quản lý tài chính cho trẻ
Sau tết, thông thường nhiều bố mẹ sẽ gom tiền lì xì của trẻ để cất giữ do sợ các bạn nhỏ sẽ chi tiêu vào những khoản không cần thiết, lãng phí, hoặc có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Tuy nhiên theo quan điểm mới, thay vì bố mẹ quản lý để thay trẻ sử dụng khoản tiền vào mục đích hỗ trợ cho các con trong việc ăn học, chi tiêu cá nhân, thì bố mẹ nên để cho trẻ tự quản bằng cách hướng dẫn cho trẻ cách cất giữ. Nhân đó, dạy cho trẻ cách quản lý tài chính: lên kế hoạch chi tiêu, dùng tiền đúng mục đích, không phung phí, hình thành thói quen tiết kiệm. Rèn luyện khả năng tự lập khi quyết định tài chính của mình.
Đặc biệt, bố mẹ cũng có dùng tiền lì xì để dạy cho trẻ bài học về lòng nhân ái, về giá trị của sự sẻ chia bằng cách hướng dẫn con tham gia các dự án thiện nguyện, hỗ trợ các bạn mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, người già không nơi nương tựa xung quanh mình…
Đây là một việc làm góp phần khiến cho phong tục lì xì ngày tết khoát thêm lên nó một giá trị nhân văn mới mẻ.