Thực khách hãy công tâm và thiện chí

(DNTO) - Công tội phân minh, “vụ án” viện kẹo rau coi như đã rõ. Tuy nhiên, dư âm "cơn bão" vẫn không hạ nhiệt. Mới đây, người đại diện nhà hàng cơm niêu Cku Linh đã “kêu cứu” trước tình trạng "hơn 100 nhân viên vô tội đang bị tổn thương".
Vụ việc khép lại
Hồi đầu tháng 3, làn sóng dư luận đã nổi cơn dữ dội phản ứng việc Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục), Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs), Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên (hoa hậu Thuỳ Tiên) đã quảng cáo sai sự thật về thương hiệu kẹo rau Kera - sản phẩm do Công ty Cổ phần Asia Life (Đắk Lắk) sản xuất theo đơn đặt hàng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị em rọt (CER Group).
Sự việc nổ ra sau khi một TikToker mang sản phẩm kẹo rau củ đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 cho ra kết quả, cả hộp kẹo 30 viên chỉ có lượng chất xơ bắng 1/6 quả chuối thay vì bằng một đĩa rau như quảng cáo.

Gần 2 tuần sau đó, tại Hà Nội, CER có buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin nội tình. Tại đây, ngoài lời xin lỗi chân thành, lời hứa tiếp thu sâu sắc mọi ý kiến đóng góp, ông Tuấn Linh (đại diện CER) còn cho hay, tới thời điểm hiện tại đã có những KOL trả lại tiền cho khách hàng và công ty vẫn đang hỗ trợ các KOL thực hiện hoàn trả.
Về phía cơ quan hữu quan, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đã đồng loạt vào cuộc. Cụ thể là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (UB) đã yêu cầu CER cung cấp hồ sơ giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng cũng như hoạt động quảng cáo, truyền thông về sản phẩm này.
UB cũng làm việc với Sở An toàn thực phẩm TPHCM và Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk để thu thập, tổng hợp thông tin phục vụ công tác đánh giá vụ việc. Đồng thời Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cũng chỉ đạo Sở ATTP TP.HCM yêu cầu kiểm tra các hoạt động của Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị em Rọt.
Kết quả kiểm nghiệm do Cục ATTP công bố sau đó cho thấy đã phát hiện chất tạo ngọt Sorbitol có trong kẹo rau củ Kera nhưng không được ghi trên nhãn sản phẩm như quy định. Cục này đã có công văn gửi các cơ quan chức năng tại TP.HCM và Đắk Lắk để xử lý.
Cùng lúc đó, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ VH, TT và DL) đã ban hành 2 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs do có sai phạm trong hoạt động quảng cáo với số tiền phạt đối với mỗi cá nhân là 70 triệu đồng. Về phía CER, công ty đã bị Sở ATTP TP.HCM xử phạt 125 triệu đồng do vi phạm quy định về nhãn hàng hóa và thông tin công bố sản phẩm kẹo Kera.
Nhiều người cho biết họ rất tiếc khi xét đến quá trình mà Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục cũng như hoa hậu Thùy Tiên tạo dựng tên tuổi.
Từ một chàng trai nghèo sang Angola làm thợ xây theo diện xuất khẩu lao động, Quang Linh nổi lên như là hình tượng của sự nỗ lực vươn lên.

Sự yêu mến, tin tưởng bởi sự xinh đẹp, giỏi giang, năng động, bước ra từ hành trình chinh phục danh hiệu Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, Thùy Tiên cho thấy cô là sự tự hào, là niềm tin rất lớn cho người hâm mộ.
Tuy không có sức lan tỏa “vượt biên” như Quang Linh hay Thùy Tiên nhưng Hằng Du Mục cũng từng là một TikToker được hàng triệu người theo dõi và yêu mến.
Tuy nhiên, cho dù họ là ai, làm gì trước đó thì “Mọi người (cũng) đều bình đẳng trước pháp luật” (Điều 16 Hiến pháp 2013).
Dư âm vẫn còn
Công tội phân minh, “vụ án” viện kẹo rau coi như đã rõ. Tuy nhiên, dư âm "cơn bão" vẫn không hạ nhiệt. Mới đây, người đại diện nhà hàng cơm niêu CKU LINH đã “kêu cứu” trước tình trạng "hơn 100 nhân viên vô tội đang bị tổn thương".
Nhà hàng cơm niêu CKU LINH thuộc Công ty cổ phần Ẩm thực Tân Khanh. Trong đó Quang Linh Vlogs là cổ đông đồng sáng lập và đại diện thương hiệu. Sau khi Quang Linh vi phạm quảng cáo sai sự thật về kẹo rau Kera, giữa lúc anh bị tấn công bằng lời lẽ cay nghiệt thì nhà hàng cũng hứng loạt đánh giá 1 sao kèm chỉ trích nặng nề từ nhiều khách hàng, những bình luận tiêu cực, thậm chí có những đơn đặt tiệc rồi hủy sát giờ… mặc dù hồi giữa tháng 3, Quang Linh đã chính thức rút khỏi nhà hàng này.
Mới đây, nhà hàng chia sẻ trên trang Facebook của họ: "… hơn 100 nhân viên vô tội của nhà hàng đang phải chịu tổn thương. Họ là những người lao động lương thiện, những con người tận tâm làm việc mỗi ngày để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho thực khách. Nhưng giờ đây họ lại phải đối mặt với áp lực tinh thần nặng nề…”.
Về việc quảng cáo sai sự thật viên kẹo rau vừa qua, các cá nhân và đơn vị vi phạm đã nhận lấy hình phạt của nhà chức trách và sự chỉ trích nặng nề của công chúng. Cái giá phải trả của họ không chỉ nằm ở số tiền mà họ nộp phạt. Hơn như vậy còn là việc bao nhiêu hình ảnh, giá trị, tên tuổi mà họ dày công gầy dựng trong phút chốc đổ sông đổ biển mà không biết đến bao giờ mới khôi phục lại được. Và họ xứng đáng bị như vậy.
Tuy nhiên, xét về mặt công tâm, việc nhà hàng cơm niêu CKU LINH bị đối xử theo kiểu “giận cá chém thớt”, “Truy cùng diệt tận” không phải là đạo lý của người Việt, khoan dung mới là phẩm chất của dân tộc ta. Khoan dung chính là kết tinh truyền thống lâu đời, một nét đặc thù của văn hóa Việt.
Sử Việt cũng có ghi, năm 1077, sau khi đánh tan quân Tống trên phòng tuyến sông Cầu, Lý Thường Kiệt đã đứng ra chủ động điều đình, mở lối thoát cho địch ra về trong danh dự.
Tương tự, sau khi đánh đại bại giặc Minh năm 1427, Lê Lợi không những chấp nhận cho Vương Thông “giảng hòa”, ông còn “mở lượng hiếu sinh”, cấp thuyền, ngựa, lương thảo cho giặc Minh rút tàn quân về nước. Điều này chắc chắn là người Việt, ai cũng biết.

Nhưng có lẽ ít người biết, ngày 16 /11/1996, lần đầu tiên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) quyết định tổ chức “Ngày Quốc tế về Khoan dung”. Từ đó đến nay, cứ đến ngày 16/11 hằng năm, nhiều hoạt động cổ súy, thúc đẩy, vinh danh những hành động khoan dung được tổ chức tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Huống gì, hơn 100 nhân viên nhà hàng không liên can gì đến việc quảng cáo sản phẩm. Họ đang bị tổn thương, lo lắng và hoang mang. Họ là những người lao động phục vụ thực khách bằng sức lao động của mình. Họ cần có công việc và thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình. Họ không đáng bị “tấn công”.
Tất nhiên, khi món ăn không ngon, giá cả không hợp lý, nhân viên phục vụ không tận tình, lịch sự, văn minh… thì thực khách có quyền đóng góp một cách công tâm và thiện chí.