‘Túi mù’ nhưng người chơi phải ‘sáng’

(DNTO) - Dù diễn ra đã hơn một năm nay nhưng sức hút của trào lưu “xé túi mù - đập hộp mù” vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Không kể một số tiền khá lớn mà người chơi phải bỏ ra, thì Ảnh hưởng môi trường do lượng rác thải lớn từ trò chơi này; Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý do căng thẳng và Nguy cơ gây nghiện là những mối quan tâm hàng đầu mà các chuyên gia đặt ra.
“Túi mù” - cái “máy ngốn tiền”
Rất dễ dàng để tham gia trò chơi “xé túi mù” từ một phiên livestream trên mạng xã hội. Nhiều phiên livestream thu hút hàng chục nghìn lượt người xem. Cách bán rất đơn giản. Chỉ cần bày hàng ra trước ống kính với lời kêu gọi: “Mọi người ơi, mọi người ơi… với “miếng mồi” là những món đồ bí ẩn có giá trị cao như điện thoại, vàng, tiền mặt…”. Cách chơi cũng đơn giản không kém. Chỉ cần chuyển khoản cho người livestream một số tiền nhất định là có thể xé một chiếc “túi mù”. Có những những túi mù được bán với giá 20 ngàn, có túi phải mua cả triệu đồng. Đồng thời, cũng có không ít bạn trẻ đã bỏ ra hàng triệu thậm chí hàng chục triệu đồng cho trò chơi này.

Vô số livestream xé túi mù xuất hiện trên nền tảng TikTok (Ảnh Chụp màn hình).
Riêng với ai muốn tự tay mình xé “túi mù” để trải nghiệm cảm giác thì các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này có mặt ở khắp nơi, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu này cho bạn. Nơi này thu hút các bạn nhỏ với giá sản phẩm dao động từ 1.000 đến 50.000 đồng/món.
“Theo báo cáo của nền tảng thống kê thương mại điện tử Metric Việt Nam, cho tới hiện nay (Tháng 11/2024 - TG) tổng doanh thu của 539 cửa hàng kinh doanh sản phẩm túi mù trên 5 sàn thương mại điện tử lớn (Shopee, Lazada,Tiki, Sendo, TikTok Shop) đạt 4,6 tỷ đồng, bán đi 170 ngàn sản phẩm không biết xuất xứ, chất lượng ra sao, nguyên liệu thế nào, có chứa độc tố hay có gây ra vấn đề gì hay không”, đây là thông tin của nhà báo Vũ Kim Hạnh tại một livestream trong khuôn khổ chương trình “5 phút chuyện thị trường”.
“Xé túi mù” – nguy cơ gây nghiện
“Càng thua càng cay cú”, đây là nguyên lý tương tự với cơ chế gây nghiện của đánh bạc hay xổ số. Nếu không làm chủ được cảm xúc, người mua dễ rơi vào nguy cơ mất cân bằng tài chính mà có khi cũng không có được món đồ mình mong muốn.
“Đã bập vào là không thể nào dứt ra được; Bị cuốn vào các phiên livestream xé túi mù từ khi nào không hay; Luôn dặn lòng phải biết kiềm chế nhưng cũng tốn khá nhiều tiền vào trào lưu này; Mọi người nên cân nhắc kỹ khi tham gia vào trò chơi này; Chỉ có thể là mất tiền mà thôi”... Đây là chia sẻ của nhiều bạn đã từng “trải nghiệm” trò chơi may rủi này. Có bạn còn tiết lộ, đã xem livestream đến quên ăn, quên ngủ, da cóc, mắt thâm,vướng vào nợ nần không đáng có, chỉ để thỏa mãn sự tò mò và cảm giác hồi hộp thú vị, bất ngờ khi bóc túi.
“Xé túi mù” - ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý

“Sự kích thích bởi yếu tố bất ngờ khiến não bộ sẽ tiết ra dopamine – một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến cảm giác hưng phấn”, Tiến sĩ Tâm lý học Quách Thu Quế - Viện Khoa học Lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) giải thích vì sao “xé túi mù” hấp dẫn không chỉ trẻ em mà cả với người trưởng thành.
Tuy nhiên, khi một người mở túi, không nhận được món đồ chơi yêu thích hay có giá trị, họ có khuynh hướng tiếp tục mua để thử vận may. Khi không mở được món đồ mình mong muốn, hoặc không được trúng quà, người chơi sẽ cảm thấy thất vọng và hụt hẫng, buồn chán, dẫn đến những cảm xúc tiêu cực khác.
Khi chơi, cảm giác tò mò, phấn khích, vừa hy vọng, vừa lo lắng khiến tim đập nhanh, đầu óc căng thẳng… Nếu sự việc lập đi lập lại nhiều lần, người chơi sẽ cảm thấy mệt mỏi, mất tập trung. Cảm giác hối hận khi nhìn thấy tiền trong túi “bốc hơi” bởi một cơn bốc đồng mà món hàng sau đó lại không biết làm gì ngoài ngó cho sướng mắt, cũng là một cảm xúc tiêu cực được ghi nhận.
Nghiên cứu về vấn đề này của Đại học Cambridge chỉ ra mối liên hệ giữa việc mua sắm và cảm xúc, nhấn mạnh thêm những người có hành vi mua sắm không kiểm soát thường phải đối mặt với các vấn đề tâm lý như lo âu và trầm cảm.
“Xé túi mù” - góp phần hủy hoại môi trường
Các sản phẩm chứa bên trong "Túi mù" người mua hoàn toàn không thể đoán chính xác. Vì thế, không thể loại trừ hàng giả, hàng kém chất lượng với các nguyên vật liệu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, một số tranh cãi về vấn đề về ảnh hưởng môi trường cũng được nêu ra:
Không kể các vật liệu dùng để tạo ra sản phẩm bên trong, túi mù thường được đóng gói bao bì bằng nhựa hoặc nylon. Mỗi lần xé một túi mù, người tiêu dùng tạo ra thêm một lượng lớn rác thải từ bao bì nhựa. Đây là loại rác thải khó tái chế. Tại nước ta, do hạn chế về công nghệ và quy trình xử lý rác, hầu hết các bao bì nhựa từ túi mù sau khi sử dụng sẽ trở thành rác thải vĩnh viễn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

“Xé túi mù” - góp phần hủy hoại môi trường
“Đặc biệt nếu những sản phẩm đó không được sử dụng một cách có ích lâu dài thì sẽ gây lãng phí tài nguyên", Chuyên gia tâm lý Đinh Văn Thịnh cho biết.
Tất nhiên trào nào cũng sẽ hạ nhiệt theo thời gian. Nhưng liệu “xé túi mù” còn sống được bao lâu, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố sáng tạo và chiến lược kinh doanh của thương hiệu. Về phía người chơi, việc tham gia với tâm lý tỉnh táo và có kiểm soát là rất quan trọng. Cân nhắc, chọn lọc, liệu cơm gắp mắm để không ảnh hưởng đến tài chính, sức khỏe cá nhân và gia đình. Đồng thời thể hiện trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ môi trường.