Va quẹt nhẹ, hậu quả nặng nề

(DNTO) - Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, số vụ tai nạn giao thông trên toàn quốc vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 giảm sâu so với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người tử vong và số người bị thương. Tuy nhiên, các vụ ẩu đả xảy ra do va quẹt giao thông lại có chiều hướng tăng lên.
Ẩu đả do va quẹt giao thông
Nổi cộm nhất là trường hợp một nam shipper tên L.X.H. (SN 1994, trú tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội) bị một người đàn ông lái ô tô tên là Tống Anh Tuấn (SN 1982, trú phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) dùng chân, tay, mũ bảo hiểm đánh gây thương tích vào lúc 12h30 phút ngày 10/2 tại phường Yên Phụ (quận Tây Hồ). Nguyên nhân vụ việc xuất phát từ va chạm giao thông nhẹ giữa 2 phương tiện khiến hai bên cự cãi dẫn đến việc H bị Tuấn hành hung.
Cũng từ mâu thuẫn do va quẹt xe máy, Bàn Văn Thành (SN 1995, trú Nà Lung, xã Phú Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) đã bị khởi tố và bắt tạm giam về tội "Giết người". Theo tài liệu điều tra, ngày 3/2, sau khi uống rượu say, Thành lái xe máy xảy ra va quẹt với anh Bàn Văn T. (SN 1984, là người cùng thôn). Hai người xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau. Bực tức vì bị đánh, Thành về nhà lấy dao nhọn đâm anh T nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu.

Công an quận Tây Hồ lấy lời khai đối tượng Tống Anh Tuấn. Ảnh: Internet
Chuyên gia nói gì?
Thời gian gần đây, bên cạnh sự lên tiếng mạnh mẽ của dư luận xã hội và sự vào cuộc xử lý nhanh chóng của cơ quan chức năng, các chuyện gia cũng đã đưa ra các phân tích, nhận định về tình trạng này. Họ nói gì?
Nguyên nhân khách quan
Thạc sĩ Nguyễn Phước Cát Phượng, đồng sáng lập doanh nghiệp hỗ trợ tâm lý Menthy nói rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xô xát, bạo lực trên đường, đặc biệt là khi xảy ra va quẹt giao thông.
Theo bà, tình trạng mật độ giao thông đông đúc, thường xuyên kẹt xe, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người tham gia giao thông, làm ức chế, mất kiểm soát hành vi.
Đồng thời áp lực về công việc, kinh tế, gia đình, căng thẳng trong cuộc sống hiện nay khiến nhiều người lo âu căng thẳng, chất chứa dồn nén nhiều cảm xúc nặng nề. Họ trở nên dễ cáu gắt và mất kiểm soát. Chỉ cần gặp thêm bất kỳ một kích thích nào khác bên ngoài, như một một giọt nước tràn ly, họ sẽ bùng nổ cảm xúc dẫn đến các hành vi gây hấn. Cũng không thể bỏ qua lối sống ích kỷ, ảo tượng sức mạnh, cậy quyền ỷ thế, coi trọng cái tôi, xem nhẹ tính mạng người khác.
Thêm nữa, việc tiếp xúc quá nhiều với các hình ảnh bạo lực trên mạng và bên ngoài xã hội như bạo lực gia đình, bạo lực học đường… cũng góp phần làm tăng tính bạo lực trong một bộ phận thanh thiếu niên khiến họ dễ giải quyết vấn đề bằng bạo lực.
Nguyên nhân chủ quan
Bên cạnh nguyên nhân từ bên ngoài, vẫn phải để tâm đến các nguyên nhân bên trong thuộc về nội tâm cá nhân. Những nguyên nhân cá nhân này hình thành một phần từ khí chất bẩm sinh của một người kết hợp với quá trình giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội.
Thiếu hiểu biết, không có nhìn nhận và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật là nguyên nhân được Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu ra. Ông nói thêm, các vụ ẩu đả do va chạm giao thông thường rơi vào các đối tượng thiếu kỹ năng xử lý tình huống, thiếu kỹ năng kiềm chế cảm xúc.
Cùng nhận định trên, ông Nguyễn Đình Sơn, Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội rằng, do thiếu kiềm chế, mất kiểm soát, mất bình tĩnh, nên khi xảy ra va chạm, người tham gia giao thông thường đổ lỗi cho nhau, dẫn đến m,âu thuẫn trở nên căng thẳng, họ chọn bạo lực để giải quyết vấn đề thay vì đối thoại, hòa bình.
PGS, TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng “Vấn đề vẫn là nhận thức”. Một bộ phận người tham gia giao thông không nhận thức rõ về hậu quả pháp lý của hành vi bạo lực. Bạo lực sau va chạm giao thông thường bị kích động bởi sự mất kiểm soát cảm xúc, nhiều người không đủ bình tĩnh để giải quyết tình huống một cách hòa nhã, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Biện pháp
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng với những đối tượng có hành vi bạo lực khi tham gia giao thông, cần có các biện pháp xử lý nghiêm minh như truy tố hình sự, phạt tù, hoặc phạt tiền thật nặng để răn đe, bên cạnh việc giáo dục ý thức, đạo đức; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Trang bị kỹ năng ứng xử khi tham gia giao thông.
Các chuyên gia cũng ủng hộ việc cả xã hội cùng tham gia giám sát thông qua việc sử dụng công nghệ như lắp đặt camera giám sát tại các điểm nóng, nút giao thông trọng điểm để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm và hỗ trợ công tác điều tra, xử lý khi xảy ra sự cố... Nhà báo Nguyễn Vân Thiêng - Đài Tiếng nói Việt Nam.

Các vụ ẩu đả do va chạm giao thông thường rơi vào các đối tượng thiếu kỹ năng xử lý tình huống, thiếu kỹ năng kiềm chế cảm xúc. Ảnh: Internet
Bên cạnh giải pháp từ cơ quan quản lý, TS. Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm cũng nhấn mạnh: "Khi xảy ra va chạm giao thông, nói chuyện phải văn minh, không được nói tục, chửi thề; bình tĩnh và trấn tĩnh đối phương”.
Đó là trường hợp người ta tiếp thu, còn với trường hợp côn đồ, hung hãn thì ông cung cấp kỹ năng bảo đảm an toàn: “Chẳng hạn chúng ta biết giữ khoảng cách, thậm chí, khi họ có hành vi quá khích thì chúng ta phải chạy thoát thân, ví dụ chạy vòng quanh xe ô tô, chạy vào chỗ đông người”.
Với người chứng kiến vụ việc, ông Báu nhắn nhủ: “Không nên đổ thêm dầu vào lửa, tìm cách giảng hòa giữa hai bên chờ lực lượng chức năng đến xử lý, hỗ trợ nạn nhân khi cần thiết".