Đọc sách của 'Vua tiêu' ngẫm về nông sản Việt
![](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/resize/50x50/files/user/2023/08/25/diepyen-084701.jpg)
(DNTO) - Trên con đường đưa nông sản ra thế giới, CEO Phan Minh Thông đã chắt lọc từ thực tiễn nhiều câu chuyện thú vị cũng là những bài học đắt giá chạm đến trái tim và tâm huyết của nhiều người.
Viết sách như một cuộc dạo chơi
"Nông sản Việt Nam và thế giới - Những câu chuyện kinh doanh" là cuốn sách thứ ba của CEO Công ty Phúc Sinh, ông Phan Minh Thông. Nếu so với hai cuốn sách trước, "Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh" và "Vượt lên những con đường kinh doanh", tác phẩm mới của ông đã "chín" hơn. Ông đã biết cách làm chủ ngôn từ và cách hành văn của mình.
Phan Minh Thông viết tự nhiên nhẹ nhàng. Hai chín bài viết là hai chín câu chuyện được ông ghi chép tỉ mỉ trong suốt nhiều năm qua, những trải nghiệm thực tế trong kinh doanh mà chính ông trải qua, như cách ông lèo lái kinh doanh trên thương trường vượt qua khó khăn như thế nào; thách thức khi đưa cà phê đặc sản ra thế giới hay hành trình thực hiện phát triển bền vững đến những bài viết đậm chất nghệ thuật về sưu tầm tranh quý.
![CEO Phan Minh Thông](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/04/dsc09925-1657.jpg)
CEO Phan Minh Thông
Dễ nhận thấy, tất cả không có sự đao to búa lớn hay phô trương, lời văn mộc mạc như nói. Đôi khi người đọc có cảm giác ông nghĩ gì viết nấy, đơn giản nhất để mọi người cùng hiểu. Mỗi câu chuyện đều có mở đầu, kết thúc, dẫn chứng, minh hoạ cụ thể. Và dấu lặng được ông đặt ở mỗi cuối bài, nơi người đọc được suy nghĩ, trăn trở và thậm chí đưa ra câu trả lời cho chính mình. Cái kết mở được ông ưa chuộng.
Tôi ấn tượng với tác phẩm Giăng bẫy, hồi hộp khi 20 cont cà phê của doanh nghiệp lênh đênh ở nước ngoài đứng trước nguy cơ mất trắng khi đối tác thể hiện rõ ý định không tốt. Tình tiết gay cấn như nghẹt thở. Tuy nhiên, vị lãnh đạo doanh nghiệp trong câu chuyện lại cho thấy sự bình tĩnh, quyết đoán và bản lĩnh dù thực sự trong lòng ông ngổn ngang. Ông đã truyền lại tinh thần đó cho người đọc.
Phan Minh Thông thừa nhận, viết lách không phải sở trường của ông. Tuy nhiên ông thích ghi chép các sự kiện, những vấn đề ghi nhớ và một lúc nào đó mới ngồi viết ra, cảm giác thấy rất nhẹ nhàng. Viết sách với ông giống như một cuộc dạo chơi của tâm hồn, bởi ở đó ông được trải lòng, được thể hiện cái tôi riêng biệt của mình.
Ước mơ về nông sản Việt
Có thể nói Phan Minh Thông là một doanh nhân thành đạt. Nhiều năm lăn lộn thương trường, lèo lái doanh nghiệp, ông đã đưa Phúc Sinh nhiều nằm trở thành một trong những công ty dẫn đầu về tỷ trọng xuất khẩu nông sản, doanh thu năm 2023 lên tới 300 triệu USD, đồng thời là doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam trong hướng đi phát triển bền vững. "Vua tiêu" là cái tên yêu thương mà mọi người dành cho ông.
Với Phan Minh Thông, ông hiểu và yêu nông sản Việt. Ông bức xúc về giá vận tải tăng chóng mặt khiến các nhà xuất khẩu trong nước điêu đứng và ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế vốn có thế mạnh về xuất khẩu nông sản như Việt nam. "Các hãng tàu nếu trước đây đang "cướp" trong bóng tối thì nay "ngang nhiên" ăn trên lưng các doanh nghiệp giữa ban ngày", ông viết trong "Kinh hoàng cước vận tải biển".
![a31847f60d87b2d9eb96](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/04/a31847f60d87b2d9eb96-1658.jpg)
Ông đau lòng khi 12 năm trước, tại một hội thảo quốc tế về cà phê, khi ông nói về cà phê đặc sản Việt Nam có một vị khách người Pháp đã "lăn ra cười, ngã khỏi ghế, mặt đỏ lên vì bị sặc" và đặt câu hỏi: "Việt Nam cũng có cà phê đặc sản? Tôi nghĩ Việt Nam chỉ có Grade 2 (dòng hạng 2) thôi chứ?" (trong bài Hành trình chất lượng Nature và Honey Prosess đến với thế giới).
Hay chuyện Phúc Sinh bắt đầu từ tìm kiếm vùng nguyên liệu, xây nhà máy tại Sơn La vượt qua khó khăn và thử thách để đưa dòng cà phê đặc sản ra thế giới.
Thị trường nông sản không phải lúc nào cũng yên bình, ganh ghét, đố kị không ngần ngại bủa vây, mỗi chiến thắng đều phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt. Phan Minh Thông giúp người đọc nhìn nhận, định hình hình rõ hơn bức tranh thực tế khốc liệt ấy. Ông đặt ra nhiều vấn đề thẳng thắn, những điều Việt Nam chưa làm được và cần thay đổi nếu muốn nông sản Việt đi xa.
Đọc sách Phan Minh Thông, nhiều doanh nghiệp có thể rút ra các bài học, nhìn vào đó để học tập, tìm phương hướng giải quyết cho các vấn đề của doanh nghiệp mình.
Trong kỳ vọng của ông, tương lai không xa, có thể Việt Nam sẽ trở thành nơi cung cấp nông sản cho toàn thế giới. Chắc chắc khó khăn sẽ không ít, nhưng nếu có nhiều vị doanh nhân như Phan Minh Thông, người viết tin rằng, ước mơ trên sẽ sớm thành hiện thực.