CEO Phúc Sinh: Người phối màu Nghệ thuật và Kinh doanh
(DNTO) - Ngoài đam mê kinh doanh, CEO Phan Minh Thông còn tình yêu vô cùng lớn với hội hoạ. Nghệ thuật và Kinh doanh, hai mảng màu tách biệt nhưng với ông lại là sự hoà quện, phối trộn để “biến mọi điều thành đơn giản như sờ nắm được và không có gì bí ẩn” như cách nói của ông.
Văn phòng làm việc của Phúc Sinh giống như một phòng trưng bày nghệ thuật hay không gian của khách sạn năm sao. Từ tầng một đến tầng ba, những bức hoạ treo phủ kín.
“Nhân viên của tôi được làm việc trong những phòng làm việc trị giá mấy triệu đô mà có khi họ không hề biết”, ông vui vẻ chia sẻ. Làm việc lâu năm tại Phúc Sinh, nhiều nhân viên đã bắt đầu cảm nhận và yêu tranh là điều có thật.
Không gian phòng làm việc của ông Thông tương đối nhỏ, mở nhưng ấm cúng. Sau lưng ông là một bức họa xanh mướt với hai hàng cây trải dài đến chân trời, bình an và mơ mộng. Trước mắt ông là bức tranh trừu tượng về những chú ngựa dũng mãnh trong tư thế chinh chiến, có thể nghe được cả tiếng vó ngựa rạo rực đạp tung bụi đường. Ông nói, mỗi người đều có cảm nhận riêng về tranh và cần tôn trọng những cảm xúc ấy.
Sự bình an trong tâm hồn, chất nghệ thuật lãng mạn như bức tranh phía sau kia như chính là điểm tựa để ông không ngừng chinh chiến, tìm đến những thử thách mới.
Kinh doanh như chơi... tranh
“Khi gặp tôi trên Facebook hay ngoài đời, mọi người đều không nghĩ tôi kinh doanh nhiều vậy, có khi họ nghĩ tôi không biết bán hàng, làm quản lý thì lại càng không, nói gì đến chơi tranh”, CEO Phan Minh Thông nói với tôi bằng giọng nói rổn rảng, vui vẻ cùng những chia sẻ chân tình.
Phúc Sinh được biết đến với thế mạnh về xuất khẩu nông sản. Họ bán mọi thứ từ hạt điều, khô dừa, tiêu, cà phê... của Việt Nam ra thế giới và của nước này qua nước khác. Nhiều năm qua, doanh nghiệp nằm Top dẫn đầu thị phần xuất khẩu tiêu và cà phê trong nước. Năm 2023, khi người ta nói nhiều về lạm phát và suy thoái kinh tế, Phúc Sinh vẫn đạt doanh thu lên tới 300 triệu USD. Con số này đủ thấy, việc buôn bán của họ đang thuận lợi và ông Thông đã lèo lái doanh nghiệp giỏi như thế nào.
Ông mê tranh sơn dầu của các họa sĩ danh tiếng như Trần Lưu Hậu, Hồ Hữu Thủ, Đặng Xuân Hoà,... và có bộ sưu tập đồ sộ quý giá. Ở Việt Nam, những năm gần đây, thị trường tranh đã thay đổi khi tầng lớp trung lưu bắt đầu đổ tiền vào chơi nhiều hơn. Tranh là độc bản, vô giá. Điều này giúp gia tài của ông tăng lên đáng kể, có bức mua chỉ vào chục ngàn nay đã trên trăm ngàn USD.
Mỗi người đều có cảm nhận riêng về tranh và “Đôi khi thấy đẹp là đẹp thôi”, ông nói. Thậm chí có bức ông mất tới 12 năm mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp của nó.
Vị doanh nhân thường ngắm tranh sau những giờ làm việc mệt mỏi hay lúc cần ra quyết định quan trọng. Nhờ tranh, công ty còn ký được những hợp đồng lớn khi các đối tác được đến phòng tranh chiêm ngưỡng, họ thấy được giá trị khác biệt của Phúc Sinh, với tầm văn hóa và tư duy đẳng cấp.
Trong ngành xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp không xem Phúc Sinh là đối thủ mà là “người dẫn đầu” bởi sự tiên phong và khác biệt, xem cách Phúc Sinh làm thế nào để đi theo. Mười bốn năm trước, Phúc Sinh cũng tiên phong thực hiện phát triển bền vững tại Việt Nam. Thời điểm đó, họ dám bỏ 800 triệu chỉ để thuê một chuyên gia tư vấn và khoản ngân sách lên tới 250.000 USD dành cho phát triển bền vững, thậm chí còn tiêu gần hết số này trong hai năm đầu do thất bại. Nhưng họ vẫn tiếp tục làm, kiên trì vì hiểu rằng phát triển bền vững sẽ là xu thế.
Nói Phúc Sinh “liều” có lẽ không sai ở thời điểm đó. Nhưng sự liều lĩnh, mới mẻ là cái gốc của nghệ thuật, nền móng để người nghệ sĩ tạo nên dấu ấn và vượt qua những giới hạn cho tác phẩm của mình. Phúc Sinh đã kinh doanh với một cái đầu nghệ thuật. Và sẽ không đơn thuần khi một công ty xuất khẩu với vỏn vẹn 60 triệu đồng khi thành lập lại được định giá tới 320 tỷ USD nếu họ không có nghệ thuật trong chinh phục khách hàng, nghệ thuật đàm phán, nghệ thuật biến những cái không thể thành có thể, rõ ràng và cụ thể.
Ngắm bao bì sản phẩm cà phê của Phúc Sinh, tôi được chiêm ngưỡng một bức tranh sơn dầu, một tác phẩm nghệ thuật với màu sắc bắt mắt. Điều này gợi nhớ đến tỷ phú Steve Jobs, người sáng lập thương hiệu Apple danh giá. Ông đã minh chứng cho cả thế giới thấy nghệ thuật đắt giá trong kinh doanh như thế nào khi biến mỗi sản phẩm công nghệ trở nên tràn đầy cảm xúc và trải nghiệm. Theo hãng nghiên cứu Kantar, Apple hiện là thương hiệu đầu tiên trên thế giới đạt ngưỡng giá trị 1 nghìn tỷ USD vào năm 2024.
K Coffee, sự lãng mạn của Phúc Sinh?
Từ đầu năm nay, chuỗi cửa hàng cà phê của Phúc Sinh đồng loạt thay biển hiệu từ tông xanh đậm sang hồng rực, nổi bật nhưng gần gũi như cách riêng của vị CEO này. Ở đâu có K Coffee, cả góc phố ấy như ấm nóng. K Coffee vừa khai trương cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội, chuẩn bị cho hành trình Bắc tiến và mở rộng ra nhiều thành phố lớn trên cả nước. Theo kế hoạch, đến năm 2025, họ sẽ có tới 100 cửa hàng.
Nhiều người nói, ông chủ Phúc Sinh mở rộng chuỗi cà phê trong nước lúc này là ý tưởng hơi… lãng mạn.
Tôi nói chuyện với một chuyên gia trong ngành F&B, ông cho biết: “Thị trường dịch vụ cà phê tại Việt Nam là đấu trường cạnh tranh khốc liệt suốt 20 năm qua, với nhiều thương hiệu cà phê giá rẻ, tạo áp lực không nhỏ cho các chuỗi cà phê với không gian trải nghiệm. Chi phí đầu tư cho mặt bằng là khoản đầu tư lớn và lâu dài, yêu cầu kế hoạch tài chính vững chắc và chiến lược khai thác không gian hiệu quả để tối ưu chi phí vận hành”.
Nói riêng về K Coffee, vị này băn khoăn, nếu chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm thì chưa đủ để K Coffee lớn mạnh. Họ cần hiểu và chăm chút cho trải nghiệm khách hàng. Điều này có nghĩa, K Coffee cần chuyển mình từ một nhãn hiệu sản phẩm đơn thuần sang thương hiệu có chiều sâu, kết nối với khách hàng qua không gian và dịch vụ.
CEO của Phúc Sinh cho biết, ông tâm huyết mở chuỗi cà phê này vì muốn người dân trong nước được thưởng thức cà phê thơm ngon nhất chứ không phải “có gì ngon lại mang đi xuất khẩu”. K Coffee làm chủ chuỗi cung ứng sản phẩm từ “Farm to Cup” trong khi nhiều chuỗi khác chỉ thu mua và rang xay. Ngoài ra, xu hướng uống cà phê sạch, không phụ gia hóa chất, quan tâm đến sức khỏe của người tiêu dùng hiện nay đang là cánh cửa rộng với họ.
“K Coffee theo trend cà phê Ý, mộc, nguyên bản. Cà phê sạch xuất khẩu giá rất cao nhưng vào thị trường trong nước không thể bán đắt như vậy, do đó khách hàng của K Coffee được tận hưởng thành quả phát triển bền vững của Phúc Sinh mà không phải trả quá nhiều tiền”, ông Thông chia sẻ.
K Coffee từng trải qua khoảng 5 năm khá mờ nhạt, nhưng trong hai năm gần đây, thương hiệu này đang dần lấy lại hình ảnh. Ngành kinh doanh dịch vụ F&B khắc nghiệt. Dù K Coffee có lợi thế nhờ sự hậu thuẫn về tài chính và nguồn cung nguyên liệu từ Phúc Sinh Group, nhưng để duy trì và phát triển lâu dài thì vẫn cần thời gian minh chứng.
Ngồi tại một quán cà phê Phúc Sinh ở quận 1, tôi thấy khách hàng nước ngoài và thế hệ Gen Z khá đông. K Coffee còn có trà cascara làm từ vỏ cà phê kết hợp với trái cây, tạo ra nhiều mùi vị mới lạ. Vùng đất Sơn La với khí hậu bốn mùa đã giúp dòng cà phê Blue Sơn La của họ có hương vị tinh tế, không quá nồng, phù hợp với những ai yêu thích cà phê Arabica. Người sành cà phê còn có thể cảm nhận được vị thanh mát, hương thơm của cam, vani và trái cây chín.
Mới đây, trên trang mạng xã hội, ông Phan Minh Thông tự hào chia sẻ rằng, lần đầu tiên một hãng cà phê hơn 100 năm tuổi của Thụy Sỹ đã tạo ra dòng sản phẩm riêng từ hạt cà phê Arabica Phúc Sinh Sơn La, với dòng chữ Phúc Sinh đỏ thẫm nổi bật trên bao bì. Cà phê Việt Nam đã đến với gần 100 quốc gia, sản lượng xuất khẩu đứng thứ 2 toàn cầu, nhưng thương hiệu cà phê Việt Nam vẫn mờ nhạt trên thị trường quốc tế. Là một người tâm huyết với ngành cà phê Việt, với ông Thông, đây là một niềm vui vô cùng lớn.
Ông tặng tôi cuốn sách do chính ông viết, đúc kết từ những kinh nghiệm trên thương trường với lối hành văn ngắn gọn, súc tích. Trong cuốn sách, ông nhắc nhiều đến "Hạnh phúc". Chữ "Phúc" cũng có trong chữ "Phúc Sinh", không chỉ là tên gọi mà còn là ngọn nguồn dẫn đến mọi thành công của họ.