4 hoạ sĩ gốc Việt cùng 'Chào Việt Nam' trong triển lãm đầu xuân
![](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/resize/50x50/files/user/2022/10/26/camle.nguyenthi-090250.jpg)
(DNTO) - Các họa sĩ: Anh Bach (Bạch Hoàng Anh), Mina Ho Ferrante (Hồ Mộng Nhã Uyển), Tim Nguyen (Nguyễn K Quy), Ly Tran (Trần Phương Ly) cùng hội ngộ trong triển lãm Chào Việt Nam diễn ra từ ngày 13 - 21/2 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Tuy cùng sống ở Mỹ, nhưng khoảng cách của 4 họa sĩ rất xa nhau, vì họ sống rải rác ở nhiều tiểu bang. Người ở gần thì cách 4-5 giờ bay, người ở xa thì phải bay đến 10 giờ bay, múi giờ khác nhau, văn hóa, thời tiết khác biệt, nhưng họ có chung một sở thích là vẽ, và đặc biệt có chung nguồn gốc là người Việt Nam. Đây gần như là lý do duy nhất đưa họ đến với nhau tại cuộc triển lãm Chào Việt Nam lần này.
Họa sĩ Ly Trần kể: “Chúng tôi từ những người không quen biết nhau, sống ở những múi giờ khác nhau, thông qua nghệ thuật đã kết nối để cùng trở về. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên chúng tôi hẹn họp trực tuyến để bàn với nhau về triển lãm, tôi nhắc đi nhắc lại: anh Tim ơi, 9g tối giờ bờ Đông của em là 3g Hawaii của anh đó nha, là 6g chiều ở Cali nha chị Mina, nhớ nha, nhớ nha các anh chị. Và cứ như vậy 4 anh chị em cùng hẹn nhau trở về quê hương để Chào Việt Nam”.
![4 hoạ sĩ gốc Việt tham gia triển lãm Chào Việt Nam](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/13/4-hoa-si-2-0826.jpg)
4 hoạ sĩ gốc Việt tham gia triển lãm Chào Việt Nam
Lần này, họa sĩ Anh Bach góp mặt cùng 3 bằng hữu tứ xứ bằng loạt tranh vẽ về phụ nữ. Trong đời thường, phụ nữ thường vất vả, lo toan nhiều bề. Vì vậy, ở trong tranh, Anh Bach muốn họ hiện diện trong khoảnh khắc đẹp đẽ, yên bình, viên mãn. Đó có thể là khoảnh khắc ngồi đọc sách, trang điểm, phơi nắng, hoặc lang thang chụp hình… Trong niềm cảm hứng về dáng nét thanh bình của người phụ nữ hạnh phúc, Anh Bach có xu hướng dùng màu sắc nhẹ nhàng, hình hài ước lệ.
Còn với họa sĩ Tim Nguyen, đây có lẽ là lầu đầu tiên anh trở về Việt Nam để triển lãm, sau hơn 20 năm sống tại Hawaii. Anh tâm sự: “Qua mạng xã hội mà nhóm 4 người chúng tôi tìm tới nhau, cùng ngành nghề, sở thích, hợp cạ, nên triển lãm Chào Việt Nam cũng là cơ hội để chúng tôi gặp nhau trao đổi kinh nghiệm. Với tôi, vẽ là cái nghiệp, giống như một nghề. Tranh của tôi đơn giản là diễn tả lại cuộc sống thường ngày của người dân Hawaii nơi tôi sống. Có bạn nói là tôi vẽ theo trường phái ấn tượng… Chắc là vậy. Ở Mỹ nếu bạn được làm việc gì mà bạn thích thì đó là ước mơ… và hiện tại tôi đang sống với ước mơ ấy. Còn tương lai ư? Vẫn vậy, như một nghề, vẽ để sống, thế thôi”.
![Tranh của Mina Ho trưng bày tại triển lãm](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/13/tranh-mina-ho-ferrante-1-0827.jpeg)
Tranh của Mina Ho trưng bày tại triển lãm
Tranh của Ly Tran thì theo phong cách hiện thực ý niệm. Đó là một dạng hiện thực, có hình gần như thực, nhưng cái hiện thực ấy không phải là chân thực, là thực tế, mà là hiện thực của cái suy nghĩ, cái mơ mộng, nó được thể hiện ở bút pháp, ở bố cục, nhiều khi người xem có chút gì đó cảm thấy phi lý, xa rời thực tế. Ly Tran luôn vẽ những suy nghĩ, cảm xúc, khát vọng… của mình qua những hình mẫu thực.
Còn Tim Nguyen thì định cư ở Mỹ vào cuối 1981, tại California. Anh từng làm nhiều nghề để mưu sinh, nhưng vẫn luôn mơ có một ngày được làm điều mình thích. Năm 2002, khi tình cờ qua Hawaii chơi và đã bị mảnh đất, con người nơi đây hớp hồn, nên quyết định ở lại Hawaii để theo đuổi đam mê hội họa. Hiện tại, Tim Nguyen là một trong số ít họa sĩ gốc Việt sống được bằng nghề vẽ.
Tranh của anh thể hiện cuộc sống thường nhật của người dân Hawaii. Anh muốn diễn tả một cách trung thực, nhẹ nhàng, tự nhiên, nhưng cũng đậm chất ấn tượng. Tim Nguyen cảm thấy thật may mắn đã được sống và làm điều mình thích trên mảnh đất “biển xanh, cát trắng” của Hawaii.
Hoạ sĩ Mina Ho Ferrante sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Chị tổ chức triển lãm tranh lụa cá nhân đầu tiên khi 21 tuổi, lúc ấy từng được báo giới gọi là “người hoạ sĩ trẻ tuổi nhất Việt Nam tổ chức triển lãm cá nhân”. Năm 2017, chị tổ chức một triển lãm cá nhân khác tại TP.HCM, bán được 25/30 bức tranh và quyên góp một phần doanh thu cho các hoạt động thiện nguyện.
![Một tác phẩm của Tim Nguyễn](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/13/tranh-cua-tim-nguyen-1-0828.jpeg)
Một tác phẩm của Tim Nguyễn
Sau khi tốt nghiệp cử nhân mỹ thuật (BFA) tại Học viện Nghệ thuật San Francisco, chị được chọn tham gia Chương trình huấn luyện hoạt hình của Walt Disney. Sau đó, chị được tuyển làm thiết kế hình ảnh nền cho các bộ phim của Disney như Atlantis, Treasure Planet, Home on the Range, Tarzan 2, Lilo and Stitch 2…
Mina Ho Ferrante đoạt được nhiều giải thưởng giá trị trong các cuộc triển lãm tại tiểu bang California, Hoa Kỳ. Những bức tranh của chị đã được trưng bày tại các tổ chức danh tiếng như Bảo tàng Haggin, Bảo tàng Trion, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng… Là một thành viên tích cực của các hiệp hội nghệ thuật tại Mỹ, Mina gần đây đã hoàn thành bằng thạc sĩ (MFA) về lịch sử mỹ thuật và hiện đang theo học liệu pháp nghệ thuật. Chị dạy hội hoạ ở phòng tranh tư nhân, và vào năm 2016, chị xuất bản cuốn sách song ngữ Hoàng tử biển, do chị viết và minh họa.
![Tranh của Ly Trần](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/13/tranh-cua-ly-tran-2-0828.jpeg)
Tranh của Ly Trần
Với Ly Trần thì: “Nhớ những ngày đầu tiên khi quyết định dừng công việc kinh doanh dành toàn thời gian theo đuổi nghệ thuật, tôi đã rất loay hoay, không biết phải bắt đầu như thế nào. Quanh tôi, những người Việt ở hải ngoại, không có ai là họa sĩ. Tôi có người anh ngày xưa học cùng tôi ở Nga, anh từng là điêu khắc gia có tiếng ở Việt Nam. Có lần tôi hỏi anh: Anh, anh có tác phẩm mới nào không? Không em ạ, từ hồi sang Mỹ anh không sáng tác hoặc làm điêu khắc gì nữa. Sao thế? Anh bận mưu sinh. Buồn, em tiếc quá anh à!
Từ lúc đó trong tôi đã có một mong ước: sẽ có một ngày tôi đi kết nối những người nghệ sĩ gốc Việt ở hải ngoại lại, cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau. Cùng nhau phát triển hoạt động nghệ thuật, dù ở nơi đâu trên thế giới. Cùng trở về góp phần làm phong phú nền nghệ thuật nước nhà. Triển lãm Chào Việt Nam lần này là kết quả đầu tiên của mong ước kết nối ấy. Tôi mong muốn qua triển lãm lần này nhóm sẽ kết nối được nhiều hơn những họa sĩ gốc Việt ở khắp nơi trên thế giới. Tôi hy vọng chúng tôi được đón chào để có động lực thực hiện thành triển lãm thường niên cho nhiều năm tiếp theo”.