Ý tưởng tạo vaccine mẫu để chống lại các virus gây đại dịch trong tương lai
(DNTO) - Tham vọng của giới y khoa Hoa Kỳ là chế tạo một loại vaccine mẫu, để từ đó phát triển nhằm bảo vệ con người chống lại 20 họ virus tiềm tàng gây đại dịch trước khi nó xảy ra.
Nhìn theo khía cạnh lạc quan tích cực nào đó, thế giới đã gặp may khi đương đầu với loại virus corona mới. Bởi vì, thật tình cờ, trước đó các nhà khoa học bất ngờ đã dành nhiều năm để nghiên cứu về nó, phát triển chính xác các công cụ cần thiết để tạo ra vaccine phòng Covid ngay sau khi trình tự di truyền của virus được công bố.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu đại dịch tiếp theo lại xuất phát từ loại virus gây sốt Lassa, hoặc từ chủng Ebola ở Sudan hay từ virus Nipah? Tiến sĩ Anthony S. Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ đang xúc tiến một kế hoạch đầy tham vọng và tốn kém để chuẩn bị cho những kịch bản ác mộng như vậy. Theo ông, tuy sẽ tốn vài tỷ đô la và đòi hỏi một lượng lớn các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, nhưng chỉ sau chừng 5 năm là đã thu được kết quả đầu tiên.
Ý tưởng của vị chuyên gia này là tạo ra vaccine mẫu để từ đó phát triển hầu bảo vệ nhân loại chống lại khoảng 20 gia đình virus có khả năng gây ra một đại dịch mới. Sử dụng lại các công cụ nghiên cứu đã được chứng minh là thành công trong quá trình đối phó Covid-19, các nhà nghiên cứu sẽ khám phá ra cấu trúc phân tử của từng loại virus, tìm hiểu cặn kẽ cách các kháng thể tấn công kẻ thù và biết được bí quyết thúc đẩy cơ thể tạo ra chính xác các loại kháng thể hữu ích như vậy.
Tiến sĩ Fauci cũng khẳng định luôn thời điểm công trình có thể bắt đầu tiến hành, đó là năm 2022 nếu dự án nhận được tài trợ đầy đủ. Ý tưởng táo bạo này đã được ông xúc tiến thảo luận với Nhà Trắng và nhiều giới chuyên gia khác. Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia cũng đồng tình với kế hoạch, đánh giá công trình rất hấp dẫn và nghĩ nó xứng đáng nhận tài trợ từ các quỹ cần thiết. Vị nhân sĩ này cũng nhắc nhở, con người đừng tự mãn cho dù có chiến thắng được đại dịch Covid-19, mà phải nhìn xa hơn.
Nếu các mạng lưới giám sát phát hiện một loại virus mới lây nhiễm từ động vật sang người, thì theo logic, các nhà khoa học có thể ngăn chặn bằng cách tiêm chủng sớm cho những người trong ổ dịch. Muốn thế phải sản xuất gấp được vaccine thích hợp. Mà muốn phát triển nhanh phải có sẵn vaccine mẫu. Lúc ấy nếu virus lây lan trước khi thế giới nhận ra điều gì đang xảy đến, vaccine nguyên mẫu là chốt chặn đầu tiên để con người mau chóng phản công.
Thật ra, dự án vaccine nguyên mẫu chính là sản phẩm trí tuệ của tiến sĩ Barney Graham, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vaccine tại Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ, được tiến sĩ Fauci khởi động triển khai nhân danh viện. Vào tháng 2 năm 2017, Barney đã trình bày ý tưởng trước toàn ban giám đốc chuyên môn.
Theo ông, qua từng năm trong lịch sử, các loại virus khác nhau luôn chực chờ đe dọa bùng phát thành đại dịch, từ cúm lợn H1N1 năm 2009, Chikungunya năm 2012, MERS năm 2013 đến Ebola năm 2014 rồi Zika năm 2016 và giờ là Covid-19. Mỗi lần chúng hoành hành là mỗi lần các nhà khoa học lại đua nhau tìm cách chế tạo vaccine. Thành công khả dĩ có được thì cũng chỉ là một phần chứ không hiệu quả hoàn hảo 100%. Chẳng hạn vaccine Ebola đã giúp kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng để đối phó với các chủng Ebola khác, nó lại gặp nhiều khó khăn.
Rồi nhiều trường hợp trớ trêu đã xảy ra. Có dịch bệnh suy yếu trước khi vaccine ra đời vì quá trình thử nghiệm và sản xuất quá lâu, do phải bắt đầu từ zero bởi không có sẵn nguyên mẫu để phát triển nhanh. Giờ đây, sau một thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã có trong tay những công cụ mới đủ khả năng tạo ra sự khác biệt lớn.
Chúng cho phép giới khoa học nắm rõ cấu trúc phân tử của virus, nhận diện các kháng thể ngăn chặn được nó và tìm ra cơ chế đấu tranh giữa virus và kháng thể. Kết quả là khả năng thực hiện thiết kế dựa trên cấu trúc nguyên mẫu hầu cho ra các loại vaccine nhắm trúng mầm bệnh sẽ nằm trong tầm tay.
Phần lớn sự hỗ trợ tài chính sẽ do viện của tiến sĩ Fauci chủ trì, nhưng một dự án thuộc phạm vi tầm cỡ như thế nhất thiết phải cần thêm kinh phí phân bổ từ Quốc hội, dù chưa biết là bao nhiêu. Chỉ biết tại Mỹ, ngân sách năm nay dành cho viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm là hơn 6 tỷ đô la.