Xuất khẩu hàng Việt qua hệ thống bán lẻ nước ngoài đạt 2 tỉ USD mỗi năm
(DNTO) - Hiện nay có đến hơn 1.000 doanh nghiệp Việt xuất khẩu bền vững vào hệ thống phân phối của các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới, với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 2 tỉ USD mỗi năm.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết tại Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020”, sáng 17/12.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, sau 5 năm thực hiện đề án, Việt Nam đã đạt được mục tiêu hỗ trợ hàng ngàn doanh nghiệp đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối của những “ông lớn” trong ngành bán lẻ thế giới như tập đoàn Aeon, tập đoàn Walmart, tập đoàn Central Retail, tập đoàn Lotte và tập đoàn Mega Market.
Thông qua hệ thống phân phối của các tập đoàn này, trung bình mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu 2 tỉ USD, 5 năm triển khai, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 10 tỉ USD.
Chỉ qua hệ thống phân phối của tập đoàn WalMart, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 1 tỉ USD. Năm 2018, tập đoàn Aeon đã kí với Bộ Công thương cam kết mua hàng Việt Nam với giá trị 500 triệu USD/năm đến 2020 và 1 tỉ USD đến 2025.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công thương, hiện đã có hơn 1.000 doanh nghiệp Việt xuất khẩu bền vững vào hệ thống phân phối của các tập đoàn lớn trên thế giới. Các doanh nghiệp không những đáp ứng những quy định khắt khe về chất lượng, kĩ thuật, thị hiếu, mà còn có thể cạnh tranh sòng phẳng về giá cả với mặt hàng cùng chủng loại của các đối thủ.
“Hiện Việt Nam có nhiều mặt hàng có thể nói hàng đầu thế giới và sẵn sàng cạnh tranh với đối thủ như nông sản thực phẩm, dệt may, đồ gia dụng, đồ nội thất… Các nhà phân phối nước ngoài họ chỉ quan tâm đến việc bán được hàng, tức sản phẩm Việt có thể giúp họ bán được hàng thì họ sẵn sàng thu mua và phân phối”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Bộ Công thương cho biết, mục tiêu đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài” giai đoạn 2021-2030 là tăng số lượng doanh nghiệp Việt có sản phẩm xuất khẩu sang hệ thống phân phối nước ngoài và tăng kim ngạch xuất khẩu và chú trọng quảng bá sản phẩm Việt, thương hiệu Việt thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến.
Đặc biệt, hiện các doanh nghiệp Việt chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Công thương, việc kết nối với các doanh nghiệp với nhau để tạo sức mạnh tổng hợp rất quan trọng.
“Ví dụ với các đối tác mua hàng từ Hoa Kỳ, nếu đơn hàng số lượng nhỏ họ sẽ không quan tâm. Nhưng với đơn hàng lớn, nguồn cung ổn định trong 3-5 năm, họ sẽ kết hợp để đẩy mạnh xuất khẩu. Sự kết hợp của các doanh nghiệp trong ngành sẽ giúp sản phẩm Việt nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu”, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.