Vị Tiến sĩ chấp nhận ở trọ, không mua xe để đầu tư vào một thứ không bao giờ thua lỗ
(DNTO) - Không mua nhà và xe dù kiếm được rất nhiều tiền, TS Ngô Công Trường liên tục dùng tiền để đầu tư đi học, thậm chí vay nợ với lãi suất 25/năm. Sau hơn chục năm, ông đã có thể mua bất cứ căn nhà nào mình muốn.
TS. Ngô Công Trường thuộc Top 40 chuyên gia xuất sắc nhất toàn cầu được bầu chọn bởi Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ). Ông cũng là Lean Six Sigma - Master Black Belt của ASQ duy nhất tại Việt Nam. Đồng thời, ông là tác giả của các cuốn sách “Kiến giết Voi”, “SmartUp”, "Hành trình khởi nghiệp". Năm 2022, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận visa nhân tài (EB-1A) từ Chính phủ Mỹ.
Tại buổi AMA "Tại sao người đi làm thuê nên học kinh doanh?" hôm 6/10, TS. Ngô Công Trường chia sẻ về hành trình đầu tư cho việc học tập của mình trong suốt thời gian qua.
Cậu sinh viên đi xe đạp học lớp CEO
Trong một lần từ trường Đại học Bách khoa TP.HCM về nhà, đến vòng xoay trên đường 3 Tháng 2, cậu sinh viên năm thứ 2 ngành Cơ Điện tử cảm thấy mệt mỏi rã rời, không thể tiếp tục đạp xe được nữa. Cậu dừng lại và nhìn thấy bên kia đường có một trung tâm đào tạo CEO. Chưa đầy 1 phút suy nghĩ, cậu tấp vào, nhưng câu đầu tiên cậu hỏi bảo vệ không phải là “Ở đây dạy gì?”, mà là “Chú ơi, ở đây gửi xe đạp ở đâu?”. Người bảo vệ lúc đó khoác tay: “Xe đạp gửi đâu thì gửi, có ai lấy đâu”.
Một tình huống hài hước lúc đó là một cậu sinh viên đi xe đạp nhưng vào hỏi học lớp CEO. Quả thực, sau khi học xong chương trình đó, ông Trường cũng thừa nhận “mình chẳng hiểu gì cả”. Rất nhiều thầy giáo dạy chương trình đó đều không nhớ nổi học viên tên Trường, chỉ nhớ mang máng “ngồi đầu bàn, hay hỏi”, nhưng chủ yếu những câu hỏi “không thể cùi bắp hơn”.
Vì không hiểu gì nên cậu sinh viên luôn mang theo quyển sổ A4 dày cộp, ghi lại những khái niệm không hiểu, những câu hỏi mình thắc mắc để tự nghiên cứu, tìm hiểu. Sau lớp CEO đầu tiên, Trường tiếp tục học tới 2 lần tương tự ở các trung tâm khác.
“Quyển sách ác mộng nhất lúc đó với tôi là ‘Incoterm 2000’ (các quy tắc của thương mại quốc tếđ), thầy bắt đọc nhưng không hiểu gì, không hiểu FOB, CIF là gì. Lúc đó mình theo phương thức ‘học thuộc lòng, ‘học vẹt’. Có thể chưa ai học như mình, học từng chữ, từng khái niệm như từ điển. Nhưng chính vì học thuộc lòng như vậy nên sau này lý thuyết mình nắm rất vững. Khi vào quản lý nghiệp vụ xuất nhập khẩu, anh em nói mình hiểu luôn”, ông Trường nói.
Vay nợ để học và khoản hồi đáp hậu hĩnh của kiến thức
Những ngày đầu tiên của sự nghiệp, ông Trường cũng đã kiếm được rất nhiều tiền vì được làm các vị trí quản lý từ rất sớm. Tuy nhiên, khi đi họp lớp, ông không khỏi tủi thân vì rất nhiều bạn bè lúc đó đều đã mua đất, mua nhà, mua xe, trong khi mình vẫn đi ở trọ.
“Mọi người hỏi vậy mày không có tiền hả. Tôi nói có tiền nhưng không mua nhà mua xe. Mọi người lại nói vậy làm để làm gì, hay để ăn tiêu? Nhưng thực ra lúc đó tôi đầu tư 100% thu nhập cho việc đi học. Thậm chí không đủ còn phải vay tiền đi học. Tôi phát hiện 90% anh em tại các lớp học của tôi lúc đó đều là những người rất giỏi, kiếm được nhiều tiền nhưng cũng vay tiền đi học giống mình. Chúng tôi vay số tiền rất lớn, ở thời điểm lãi suất lên tới 25%/năm”, ông Trường kể.
Thời điểm đó, khoản đầu tư nâng cao kiến thức của ông Trường được chia làm 5 hạng mục. Thứ nhất là đầu tư học tập để có thêm bằng cấp như thạc sĩ, tiến sĩ. Thứ hai là cho những khóa học lãnh đạo không bằng cấp. Thứ ba là đầu tư mua sách vở, tài liệu nghiên cứu, các khóa học online. Thứ tư là đầu tư cho các mối quan hệ để học tập. Thứ năm là đầu tư vào trải nghiệm, nôm na là đi du lịch đến nhiều nước khác nhau để học hỏi. Sau khi ra trường 5-6 năm, ông Trường đã đi đến khoảng 20 nước trên thế giới, 10 năm tiếp theo con số các quốc gia lên tới 40.
Thậm chí, ông còn vay tiền đi học đến 2 lần, một cho bản thân, một lần cho vợ. “Tôi học gì là sẽ đầu tư cho vợ học cái đó, ví dụ tôi học Master (thạc sĩ) xong thì vợ sẽ tiếp tục học Master. Lúc đó ai cũng hỏi sao vợ chồng vay nhiều tiền thế vì hai vợ chồng đều vay tiền đi học”.
Sau khi hoàn thành các khóa học, ông Trường nhận thấy dòng tiền quay trở lại với mình ngay lập tức. Ông Trường cho biết, hầu hết các bạn trẻ tại Việt Nam hay kể cả Mỹ hiện nay nếu chỉ đi làm thuê thì rất khó có khả năng mua một căn nhà. Để tăng thu nhập thì những gì bạn nhận được phải xứng đáng với những gì bạn cho đi, đó chính là giá trị gia tăng của mỗi người và không còn cách nào khác phải gia tăng kiến thức.
Ông băn khoăn rằng tại sao mọi người có thể tiết kiệm để mua một căn nhà 1 triệu USD nhưng lại không bỏ ra 10.000 USD cho việc nâng cao kiến thức. Mặc dù đi học chưa chắc giúp tất cả mọi người đều thành công nhưng một thực tế là tất cả những người thành công đều liên tục học. Việc đầu tư cho các khóa học chỉ tốn 10% tổng đầu tư của mỗi người, nhưng những gì bạn không học trong lớp đều có thể trả giá bằng tiền mặt.
“Từ trước đến nay tôi chưa thấy ai đầu tư cho kiến thức mà bị lỗ. Điều đó giúp các bạn có thể mua nhà. Trong một lần công tác Hà Nội, tôi gặp một đại gia ở đây, tôi hỏi đâu là nhà, đất của anh. Anh nói anh không nhớ xuể. Lúc đó tôi cũng đặt mục tiêu đi tới đâu mình cũng có thể có một căn nhà như vậy. Giờ đây tôi đã có nhà ở Việt Nam, qua Mỹ làm việc tôi cũng có thể mua nhà ở Mỹ”, ông Trường nói.