Vị Tiến sĩ ‘phải lòng’ cỏ cây và giấc mộng biến Việt Nam thành vườn thuốc của thế giới

(DNTO) - Sinh ra từ miền núi, xuất thân “không đồng”, nhưng PGS.TS Trần Văn Ơn dày vốn liếng nhờ “lớn lên cùng cây cỏ, thuộc mặt từng lá thuốc trong rừng”.

Hành trình gian nan của PGS. TS Trần Văn Ơn, Trưởng khoa thực vật học, Đại học Dược Hà Nội khi đi tìm "dược liệu vàng" cho bà con dân tộc. Ảnh: NVCC.
PGS.TS Trần Văn Ơn tâm sự, ông đã "nhìn thấy sự giàu có của tài nguyên dược liệu, mình cứ trăn trở ngày đêm đau đáu, làm sao để phát triển tiềm năng ấy thành “vườn thuốc” của thế giới".
Từ "duyên nợ” với cỏ cây...
Đến khoa Thực vật học, trường Đại học Dược Hà Nội vào buổi chiều cuối tuần, tìm gặp PGS.TS Trần Văn Ơn, tôi phải đợi khá lâu, vì thầy đang khá vất vả để hỗ trợ những “học trò từ núi cao”, phần lớn là Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang… Chiếc quạt trần quay vù vù, nhưng trên khuôn mặt thầy vẫn lăn dài những giọt mồ hôi.
Tiềm năng tôi thấy ở họ là trái tim trong sáng và họ có “mỏ vàng” là bài thuốc, là văn hoá cảnh quan mà chính họ lại không biết để khai thác phát triển kinh tế. Nếu không cẩn thận "đại gia" sẽ vào lập dự án và "đuổi” sạch dân, tôi rất trăn trở về điều này nên tìm mọi cách để đẩy họ lên.
PGS. TS Trần Văn Ơn.
Khi trong phòng không còn ai, thầy mới ngẩng đầu lên, quẹt mồ hôi, cười: “Em thông cảm, vì bà con ở xa nên phải tranh thủ giải quyết nhanh cho họ còn về”.
Nói xong, thầy hào hứng phân bua: Mình phải “xắn tay” lên làm, chứ không để những ý tưởng khoa học chỉ là trong “ngăn kéo”. Đồng bào dân tộc đã quen với nghèo khó, lại không nhiều cơ hội phát triển, nên mình cần thổi lửa, ‘xốc” cho họ làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Tạm gác công việc, TS. Ơn dắt tôi vào câu chuyện của mình bằng một kỷ niệm về ông ngoại - người đã trao cho ông món tài sản thừa kế quý giá là tình yêu mãnh liệt với cây cỏ.
"Ông ngoại tôi chữa được rất nhiều bệnh từ thảo dược, trong đó có một bệnh “ác liệt” là động kinh. Với những bệnh nặng như vậy, nếu chữa khỏi, người ta coi thầy thuốc như bố mẹ đã sinh ra mình lần nữa. Đến khi ông mất, thấy nhà sàn nơi ông ở đầy lễ của những “người con” này, tôi thấm thía, xúc động lắm và quyết định nung nấu nghiên cứu cây cỏ.
Tôi chọn dấn thân với dược liệu. Đó không đơn thuần là tình yêu mà còn là sứ mệnh. Chừng nào còn sống, tôi sẽ vẫn tiếp tục làm những công việc thế này", TS. Trần Văn Ơn trần tình.

Nghiên cứu trồng dây thìa canh lá to theo tiêu chuẩn organic. Ảnh: NVCC.
Vác ba lô in dấu chân khắp vùng miền đất nước, những chuyến đi "bụi bặm" theo đúng nghĩa đen ấy đã giúp “nhà khoa học của núi rừng” Trần Văn Ơn thành công khi khôi phục lại nhiều bài thuốc quý. Và hơn hết, trong lồng ngực ấy luôn nung nấu một trái tim căng ních nhiệt huyết là làm sao có thể phát triển dược liệu gắn với du lịch sinh thái.
“Dược liệu Việt Nam phong phú, ẩm thực ngon, du lịch sinh thái đa dạng, tại sao ta không "tận dụng" để phát triển nền dược liệu? Hãy tưởng tượng nhé, trong các điểm tham quan của khách du lịch luôn có “vườn thảo dược”, nơi họ được ngắm, xem, tắm, ăn, thậm chí chữa bệnh. Họ được trải nghiệm, nếu thích thì sẽ mua, khi về nước sẽ quảng bá... Đó là bệ phóng để phát triển ngành kinh doanh thảo dược, xuất khẩu tại chỗ”, TS. Ơn giãi bày.
...Đến ước vọng biến dược liệu thành cây “xoá đói, giảm nghèo”

Nghiên cứu mô hình HTX cùng hai “nữ tướng” bản địa Chảo Sử Mẩy và Lý Mẩy Chạn. Ảnh: NVCC.
Nhớ lại ngày đầu "tiếp cận", hỗ trợ khởi nghiệp bà con miền núi - những người thật thà chất phác, nói tiếng Kinh còn ngọng nghịu, đều chưa học hết lớp 9, thầy Ơn cho hay: “Khó trăm bề”.
“Có những nơi tôi phải đi thuyết phục họ "đứt hơi" thì họ mới nghe, giải thích cháy cả cổ họ mới hiểu. Nhưng họ chưa tin ngay. Tôi phải lăn lộn làm cùng họ. Thậm chí phải đóng vai một "ngân hàng di động", lấy tiền nhà cho họ vay vốn, bày cho họ cách làm gia tăng giá trị sản phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng, bày cách để họ ít gặp khó khăn nhất khi đưa sản phẩm ra thị trường...
Ai cũng bảo ý tưởng mình đưa ra “khác người’, chỉ thực hiện được trên “sao hoả”, vì bà con dân tộc lấy đâu ra tiền, lại trình độ thấp, nhưng điều tôi thấy ở họ là trái tim trong sáng và họ có “mỏ vàng” là bài thuốc, là văn hoá cảnh quan mà chính họ lại không biết để khai thác phát triển kinh tế. Nếu không cẩn thận "đại gia" sẽ vào lập dự án và "đuổi” sạch dân, tôi rất trăn trở về điều này nên tìm mọi cách để đẩy dân lên”, thầy Ơn tâm sự.

Khai sáng cho bà con làm giàu từ sản vật địa phương. Ảnh: NVCC.
Nhiều lúc tôi thấy mình như ông bố nhà nghèo… lại “lắm con”. Thời gian đầu bà con vận hành Hợp tác xã, cứ vài hôm lại “thầy ơi, em hết tiền rồi" và tôi lại “bơm” vốn cho, nhưng không hề có khế ước, không có lãi, mà cũng không biết ngày nào trả, nhưng mình đã làm thì mình phải tin.
PGS. TS Trần Văn Ơn.
Chính sự nhẫn nại “bám” cộng đồng, tận tâm dõi theo từng “nhất cử nhất động” của hơn 20 Hợp tác xã, 7 doanh nghiệp các dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm thảo dược mà ông đã nỗ lực gây dựng, đến hôm nay, thành quả từ sự “nhào nặn” đó là “ông giám đốc” lớp 9 Lý Láo Lở đặt mục tiêu doanh thu 30 - 50 tỉ/ năm trong 10 năm tới, hay Lý Tà Dèn mơ làm vườn bảo tồn dược liệu quý trên “cổng trời” Quản Bạ...
“Từ chỗ chưa từng cầm chứng từ, con dấu, chạy dây chuyền sản xuất, đến nay Lý Láo Lở có doanh thu hơn chục tỉ mỗi năm và trở thành gương mặt “quen thuộc” của cộng đồng khởi nghiệp từ vốn bản địa”, thầy Ơn khoe “chiến tích”.
Chia sẻ về những dự định đang ấp ủ. Ông tâm sự: “Phấn đấu từ giờ đến khi không còn đủ sức nữa sẽ thành lập được 40 doanh nghiệp và Hợp tác xã để giúp bà con dân tộc thoát nghèo. Đặc biệt, sẽ cho ra mắt thêm các thuốc điều trị phòng, chống Covid-19 từ thảo dược cho người dân...Chỉ mong mỗi ngày có nhiều hơn 24 giờ để có thể hoàn thành những kế hoạch đã đặt ra”.
Quả thực, "lòng say mê" thôi là chưa đủ để phác họa bức chân dung về vị Tiến sĩ một mình đóng nhiều vai: Nhà khoa học, nhà giáo, doanh nhân, nhà tư vấn..., mà thực sự phải “dũng cảm" lắm mới chia nửa thời gian và cuộc sống cho cộng đồng được như vậy. Dường như “cái tên” Trần Văn Ơn sinh ra đã có những phẩm chất vừa vặn để làm công việc này suốt đời.