VASEP: Xuất khẩu tôm năm 2022 sẽ tăng trưởng từ 10-12%, vượt mốc 4 tỷ USD
(DNTO) - "Hiện nay Mỹ, EU và Nhật Bản vẫn là những thị trường chính tiêu thụ mạnh tôm của Việt Nam, dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2022 tăng trưởng từ 10-12%, vượt mốc 4 tỷ USD. Trong đó, tăng trưởng về giá trị khoảng 7-10%, tăng trưởng về sản lượng 2-3%", ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep nhận định.
Vượt qua nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19, ngành tôm Việt Nam đã bứt phá về đích 2021 với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,9 tỷ USD. Sau một năm 2021 tăng trưởng đầy lạc quan, năm 2022 được dự báo tiếp tục là một năm khởi sắc của tôm Việt khi 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 550.428 tấn, tăng 46,3% so với cùng kỳ 2021.
Chia sẻ tại "Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2022", ngày 11/3, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện nay, dù chiến sự Nga-Ukraina, cộng với chi phí nhiên liệu, phí vận chuyển quốc tế tiếp tục tăng đang là những yếu tố tác động mạnh mẽ lên giá thành sản phẩm đối với con tôm của Việt Nam năm 2022, song, tôm sẽ tiếp tục là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực và tiềm năng của Việt Nam.
Ông Hòe nhận định, trong thời gian tới, tôm sẽ tiếp tục là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực và tiềm năng của Việt Nam. Hiện nay, diện tích nuôi tôm của cả nước đạt trên 740 nghìn ha với sản lượng trên 900 nghìn tấn/năm. Riêng sản lượng tôm sú Việt Nam đạt trên 250 nghìn tấn, đứng đầu thế giới.
Ông Hòe phân tích, thị trường Nga sẽ bị đứt đoạn do các nguy cơ về thanh toán và vận chuyển và sẽ khó phục hồi trong thời gian ngắn. Do đó, ngoài Mỹ, EU và Nhật Bản là những thị trường chính xuất khẩu tôm của Việt Nam, chúng ta sẽ tập trung "đánh" thêm các thị trường tiềm năng khác như: Canada, Úc, Anh...
"Chúng ta hoàn toàn tin tưởng xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2022 sẽ tăng trưởng từ 10-12%, vượt mốc 4 tỷ USD. Trong đó, tăng trưởng về giá trị khoảng 7-10%, tăng trưởng về sản lượng 2-3%".
Nâng cao chất lượng sản phẩm tạo sức cạnh tranh cho tôm Việt
Đóng góp tại Hội nghị, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nêu giải pháp, "Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, các doanh nghiệp ngành tôm cần chú ý để vượt qua các rào cản ở các thị trường quan trọng như kiện chống bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ, quy định kiểm tra của Nhật Bản đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng số lượng cơ sở nuôi đạt chuẩn chất lượng ASC (Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản) để cải thiện lượng tôm xuất khẩu sang EU".
Nêu quan điểm, đại diện tỉnh Cần Thơ cho rằng, sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước sản xuất lớn như Ecuador và Ấn Độ.
"Tôi lấy ví dụ, tại Ecuador chỉ có 250 ngàn ha nuôi tôm, nhưng sản lượng tương đương Việt Nam. Do đó, giá thành tôm nuôi của Ecuador chỉ bằng 1/2- 1/3 của Việt Nam. Còn giá thành nuôi tôm của Ấn Độ cũng thấp hơn Việt Nam từ 20-30%, bởi tôm được thả với mật độ thấp chỉ 30 - 60 con/m2 nên môi trường ít bị ô nhiễm, tỷ lệ sống cao, giá nhân công thấp", dại diện tỉnh Cần Thơ cho hay.
Đưa giải pháp, đại biểu tỉnh Cần Thơ cho rằng, các doanh nghiệp cần thay đổi quy trình nuôi để nâng cao sản lượng, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, tiếp tục quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản...để tăng sức cạnh tranh với các đối thủ lớn.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, yêu cầu các địa phương đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, cần đẩy mạnh nhân rộng sản xuất tôm bố mẹ chất lượng cao, hạn chế tối đa nhập khẩu; các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh tổ chức liên kết trong chuỗi tôm; các cơ sở nuôi nhỏ lẻ cần liên kết thành Hợp tác xã, tổ hợp tác...