Triển vọng doanh nghiệp xuất khẩu tôm năm 2022 sẽ ra sao?
(DNTO) - Ngành tôm hoàn toàn có thể cán mốc 3,9 tỷ USD trong năm 2022 nếu các doanh nghiệp mạnh tay mở rộng quy mô để kích thích mảng nuôi tôm tăng trưởng, linh hoạt thâm nhập từng thị trường, đẩy mạnh chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng để nâng tầm tôm Việt.
Doanh nghiệp tôm dồn lực mở rộng cơ sở chế biến
Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 kéo theo loạt chi phí vận chuyển tăng cao nhưng doanh nghiệp thực phẩm Sao Ta vẫn báo lãi đậm với con số "biết nói" khi tổng tài sản tăng 57,2% so với đầu năm.
"Thừa thắng xông lên", năm 2022, Sao Ta đang dồn lực để mở rộng cơ sở chế biến, với chi phí xây dựng cơ bản dở dang của công ty cũng tăng vọt từ gần 7 tỷ đồng đầu năm lên hơn 188 tỷ đồng, chủ yếu nằm tại các dự án Nhà máy thủy sản Sao Ta, máy móc đang chờ lắp đặt và dự án Nhà máy Tam An. Từ đó, nâng tổng công suất thêm 20.000 tấn/năm. Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ gia tăng được sản lượng đáng kể để đón đầu xu thế tăng trưởng khi bắt đầu một chu kỳ kinh tế mới.
"Dự kiến sau Tết Nguyên đán 2022, trại tôm sẽ bắt đầu tăng cường thả giống, khởi đầu cho mùa vụ mới và các nhà máy trên sẽ ngay lập tức đi vào hoạt động", ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta chia sẻ.
Kỳ vọng ở mảng xuất khẩu tôm cũng như cá tra, Vĩnh Hoàn cũng đang tích cực mở rộng thị trường thông qua M&A một số doanh nghiệp. Mới đây, Vĩnh Hoàn đã hoàn tất mua vào gần 50% vốn nhà nước tại Xuất nhập Sa Giang (SGC), một trong những đơn vị sản xuất bánh phồng tôm hàng đầu tại Việt Nam với thị phần ở mức 80%.
Phía Vĩnh Hoàn cho biết, động thái thâu tóm này cũng giúp hỗ trợ các sản phẩm tôm và cá tra của doanh nghiệp thâm nhập tốt hơn đến các kênh bán lẻ tại thị trường nước ngoài, thông qua tận dụng mạng lưới phân phối hiện hữu của Sa Giang.
Đánh giá về cơ hội xuất khẩu thủy sản năm 2022, ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, cho rằng, nỗ lực sản xuất, xuất khẩu thủy sản năm 2021 đã mang lại nhiều bài học quý giá cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
"Với quy trình nuôi liên tục được cải tiến cập nhật nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất. Người nuôi nâng cao kiến thức, kinh nghiệm qua từng vụ nuôi. Thời gian đã sàng lọc, lực lượng tham gia lĩnh vực nuôi tôm, nhìn chung dày dạn và bản lĩnh hơn. Chuỗi cung ứng cũng hoàn thiện và mở rộng liên tục. Con giống thế hệ mới, nhà máy cung ứng thức ăn xây dựng mới… là các tín hiệu khá khởi sắc để các doanh nghiệp chế biến mạnh tay mở rộng quy mô chế biến của mình, hòa nhịp chung cả chuỗi không để đổ vỡ dù cục bộ", ông Lực nhận định.
Đồng thời, ông Lực nhìn nhận, doanh nghiệp tôm cần đẩy mạnh hơn nữa giải pháp tăng cơ sở nuôi đạt chuẩn chất lượng thị trường yêu cầu, cụ thể như ASC, BAP.
"Nên có giải pháp tích điền hay thành lập dự án kêu gọi đầu tư nuôi tôm. Chỉ có cơ sở nuôi có quy mô hàng trăm hecta mới mang lại hiệu quả thiết thực cao nhất vì thuận lợi trong việc đầu tư, ứng dụng các thành tựu vào nuôi tôm. Giải pháp này hết sức có ý nghĩa cho việc tăng trưởng ở các thị trường khó tính như EU, Anh...", ông Lực nhận định.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho tôm Việt
Việc cạnh tranh của con tôm Việt trước những đối thủ cùng ngành vốn không còn là chuyện xa lạ hay mới mẻ, để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm, người nuôi tôm phải tập trung tìm giải pháp. Tuy nhiên, đây là những vấn đề cốt lõi để con tôm Việt tính chuyện đường dài.
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tôm như hiện nay, phát triển chất lượng con tôm Việt thông qua phương pháp sản xuất kết hợp tôm – lúa, tôm rừng (tôm sinh thái), để đa dạng hóa sản phẩm tôm Việt, nâng chất lượng con tôm và hướng tới phát triển nuôi tôm an toàn với môi trường, tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng thế giới khi lựa chọn tôm Việt.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết, năm 2022, ngành tôm đang đứng trước thời cơ tăng tốc. Tuy nhiên, để bảo đảm sự phát triển bền vững cần có sự chuẩn bị đồng bộ. Trong đó, đặc biệt lưu ý doanh nghiệp tập trung vào các sản phẩm đòi hỏi chế biến cầu kỳ, mẫu mã đẹp phù hợp với lợi thế lao động chế biến của Việt Nam. Một yếu tố cực kỳ quan trọng khác là bài toán truy xuất nguồn gốc.
"Các doanh nghiệp tôm, người đang đứng mũi chịu sào cho sự tăng trưởng này nên nêu lên tiếng nói và tốt hơn là ý thức sẻ chia công việc này với cơ quan chức năng, càng sớm càng tốt. Ngành tôm đang chạm ngưỡng kim ngạch xuất khẩu đạt hai con số. Nếu giữ vững phong độ này vài năm tới, tôm Việt sẽ vươn lên dẫn đầu thế giới về quy mô, doanh số", ông Hòe kỳ vọng.
Bộ NN&PTNT cho rằng, để doanh nghiệp tôm khai thác tốt cơ hội về thị trường, năng suất và chất lượng là 2 yếu tố then chốt. Vì vậy, thời gian tới phải chú trọng các yếu tố nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là con giống, hạ tầng vùng nuôi trong chuỗi sản xuất tôm.
“Chúng ta đang thực hiện 16 FTA, các thị trường đều có yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn. Trên cơ sở đánh giá chung về thị trường, các nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến cần chuẩn bị những giải pháp kỹ thuật và xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường một cách chủ động hơn, phấn đấu đạt mục tiêu năm 2022 ngành tôm đạt sản lượng 980.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu từ 3,9 đến 4,1 tỷ USD”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.