Vấn đề tam nông với tỷ lệ lao động nông nghiệp
(DNTO) - Nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà ta thường gọi là vấn đề tam nông luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội; là vấn đề có tính chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.
Nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng về vấn đề này đã được Đảng ta ban hành từ năm 2014 đến nay. Đặc biệt, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cùng với đó, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp số, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản…”.
Kết quả của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn không chỉ được phản ảnh bởi sự phát triển của bản thân ngành nông nghiệp, nông thôn mà được thể hiện trong mối quan hệ với các ngành khác trong nền kinh tế. Chính vì vậy, tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp trong tổng lao động nền kinh tế đã được xem là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá kết quả của quá trình công nghiệp hóa đất nước, cũng như kết quả của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp nông thôn.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn hay còn gọi là "tam nông". Ảnh minh hoạ.
Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã phân tích và xác định thời gian bắt đầu và kết thúc quá trình CNH của các quốc gia trên thế giới dựa trên một tiêu chí quan trọng nhất là tỷ trọng lao động nông nghiệp. Kết quả nghiên cứu rất tiêu biểu của giáo sư Jungho Yoo, viện Chính sách công và quản lý của Hàn Quốc KDI cho thấy, một nền kinh tế sẽ bắt đầu tiến trình CNH khi tỷ trọng lao động trong nông nghiệp chiếm 50% tổng lao động xã hội và kết thúc khi tỷ trọng lao động nông nghiệp chỉ còn 20% tổng lao động xã hội. Với nghiên cứu của mình, ông đã nhận thấy thời gian hoàn thành CNH ở một số nước có thể lên tới hơn 100 năm như Pháp, (104 năm), Đan mạch (114 năm), một số nước đi sau có thể thực hiện CNH trong thời gian ngắn hơn như Hàn Quốc (19 năm), Đài Loan (20 năm).
Sở dĩ tỷ lệ lao động nông nghiệp trong nền kinh tế được chọn để đánh giá mức độ hoàn thành hay chưa hoàn thành CNH, HĐH vì: thứ nhất, đây là tiêu chí bao trùm vừa phản ánh các giai đoạn phát triển của khi chuyển từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp và xã hội dịch vụ (M. Todaro, 1994); thứ hai, đây là tiêu chí phản ánh cấu trúc của nền kinh tế, thể hiện phần còn lại trong nông nghiệp khi lao động dịch chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ có mức thu nhập cao hơn và đặc biệt là trình độ phát triển của nền kinh tế đã tăng lên.
Trong hơn 20 năm qua, lao động nông nghiệp của Việt Nam có xu hướng giảm dần qua các năm cả về số tương đối và tuyệt đối. Mặc dù dân số vẫn tăng dần qua các năm nhưng tỷ trọng lao động nông nghiệp đã giảm từ 63,4% năm 2001 xuống 33,06% năm 2020. Sau 20 năm, số lượng lao động khu vực này đã giảm đi 6,75 triệu người.
Nhiều địa phương đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, giảm sức lao động cho người nông dân. Ảnh minh họa
Năng suất lao động trong ngành nông nghiệp năm tăng từ 16,22 triệu đồng năm 2010 lên 52,74 triệu đồng năm 2020 (tăng gấp 3,22 lần). Tốc độ giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp giai đoạn 2010 – 2020 là 3,75% cao hơn tốc độ giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp giai đoạn 2001-2010. Theo tiêu chuẩn CNH, HĐH của Jungo Yoo, Việt Nam chính thức bước vào quá trình CNH năm 2010 khi tỷ trọng lao động trong nông nghiệp đạt 49% và sẽ hoàn thành CNH khi tỷ trọng lao động nông nghiệp đạt dưới 20% (dự báo đạt được vào năm 2030). Theo tiêu chuẩn của H.Chenery, Việt Nam đã bắt đầu giai đoạn khởi đầu CNH vào năm 2003 (khi tỷ trọng lao động nông nghiệp đạt 60,2%0 và kết thúc giai đoạn khởi đầu CNH (khi tỷ trọng lao động nông nghiệp 44%) vào năm 2015 để chuyển sang giai đoạn phát triển CNH. Giai đoạn phát triển CNH của Việt Nam sẽ kết thúc khi tỷ trọng lao động nông nghiệp giám xuống dưới 30% (dự kiến đạt vào cuối năm 2022).
Bên cạnh đó, thực trạng chuyển dịch lao động nông nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa đạt mục tiêu mong muốn và ở xu thế “lưỡng nan”: (i) Một mặt thể hiện lao động không còn mặn mà tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp và muốn tìm một việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn; (ii) mặt khác khu vực kinh tế phi nông nghiệp lại chưa phát triển đủ mạnh sẵn sàng đón nhận và hấp thu đủ số lao động nông nghiệp muốn chuyển sang hoặc không muốn tiếp nhận lao động nông nghiệp do không đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhất là những dịch vụ chất lượng cao. Vì thế, quá trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, trong thời gian tới cần quan tâm đến cả những giải pháp về phát triển nội lực, tăng năng suất lao động của ngành nông nghiệp vừa phải quan tâm đến các giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang đứng trước những thách thức của đổi mới mô hình tăng trưởng, “già hóa dân số”, toàn cầu hóa, CMCN4.0 biến đổi khí hậu và dịch bệnh, để hoàn thành CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, cần phải giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp xuống dưới 20% đồng thời tăng năng suất lao động trong nông nghiệp. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần đổi mới tư duy, thống nhất quá trình CNH, HĐN nông nghiệp nông thôn với quá trình CNH, HĐH đất nước và cùng hướng tới mục tiêu thực hiện khát vọng Việt Nam, xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân thông minh.