Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa 6 giải pháp để phát triển 'tam nông'
(DNTO) - "Phải xác định trụ cột chính của ngành là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, các trụ cột này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế theo hướng bền vững. Để nông nghiệp xứng đáng với vai trò 'bệ đỡ", phải lấy nông dân làm trọng tâm, bởi không hiểu nông dân nghĩ gì, mọi chiến lược đều không thành công"- Bộ trưởng Hoan nói.
"3 đỉnh tam giác" trong phát triển tam nông
Trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đất nước cần nhiều hơn những tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nhưng sau nhiều năm “trải thảm” đón nhà đầu tư đã cho thấy một thực tế, số lượng doanh nghiệp không thể phủ kín bức tranh toàn cảnh nông nghiệp nước nhà.
Với Việt Nam, nền tảng phát triển kinh tế nông thôn vẫn là người nông dân - những người vừa sản xuất nông nghiệp, vừa tham gia vào các loại hình kinh tế tập thể như hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây chính là hệ sinh thái tạo nền tảng cho các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Mặt khác, kinh tế nông thôn cũng là điểm tựa cho sự hợp tác phát triển từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Quan trọng hơn, khi liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, người nông dân sẽ thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đây là nền tảng vô cùng quan trọng để “lót ổ" đón "đại bàng”.
Phát biểu tại hội nghị bàn về các nội dung trong giai đoạn tới về phát triển "Tam nông", ngày 16/8, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, một đất nước muốn phát triển phải có 3 đỉnh tam giác là "Nhà nước, thị trường và xã hội”. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Bộ NN&PTNT được coi là một đỉnh, đỉnh thứ hai là nông dân, và đỉnh tam giác còn lại là doanh nghiệp.
“Nhiều khi sự phối hợp của chúng ta còn mang tính hình thức, không hiểu được giá trị thực sự của sự phát triển khi ba đỉnh tam giác này gần nhau, hài hoà với nhau, tôn trọng nhau, bên này tạo điều kiện để bên kia phát triển” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Theo đó, bộ trưởng khẳng định: Bộ NN&PTNT không thể đi một mình được vì bản thân nông nghiệp là chuỗi ngành hàng, bị tác động bởi tâm lý xã hội nông thôn, tâm lý người nông dân... Chúng ta ngồi ở đây mà không hiểu nông dân nghĩ gì thì mọi chiến lược đều không thành công.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, con người là nhân tố quyết định, yếu tố kiến thức quyết định chung về hội nhập, tác động tới toàn bộ nền kinh tế, người tiêu dùng, người sản xuất trong đó có nông dân. Những kiến thức này phải được cụ thể hóa. Người nông dân phải được đào tạo một cách bài bản hơn nữa để trở thành chủ thể của hội nhập, chủ thể của nền kinh tế…
6 giải pháp nền tảng để tam nông vững như "kiềng 3 chân".
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất 6 hoạt động cụ thể để Bộ NN&PTNT và Trung ương Hội Nông dân phối kết hợp trong giai đoạn tới.
Đầu tiên là cần vận động nông dân tham gia kinh tế tập thể. Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn mà Hội Nông dân cần tham gia để hoá giải "lời nguyền" sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, manh mún, cạnh tranh không lành mạnh.
"Trước mắt, chúng ta không cần làm dàn trải mà vận động nông dân tham gia các hợp tác xã để phát triển vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng chuỗi giá trị tại 11 tỉnh, 75 huyện theo Đề án của Bộ NN&PTNT đã xác định" - Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.
Thứ hai, Bộ NN&PTNT và hội sẽ cùng nhau vận động nông dân đăng ký tham gia xây dựng mã số định danh vùng trồng, vùng nuôi. Từ đó, tiến tới có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản. Điều đó sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của nông dân.
Thứ ba, Hội Nông dân cần tham gia hỗ trợ các lớp huấn luyện nông dân để nâng cao năng lực cộng đồng, để nông dân đúng nghĩa là chủ thể của nông thôn mới. Nội dung các lớp tập huấn bao hàm cả nội dung dạy nghề, dạy kiến thức tổng quan về lập kế hoạch sản xuất, phân tích thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, hai bên cần phối hợp tổ chức chung các diễn đàn liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn để chủ động trong các vấn đề kết nối tiêu thụ nông sản và chuyển đổi số trong nông nghiệp...
Thứ năm, cần tạo dựng, giới thiệu, tôn vinh hình ảnh người nông dân tử tế, người nông dân thông minh. Trong đó, xác định tiêu chí đánh giá cụ thể, ví dụ, người nông dân không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn phải chia sẻ với cộng đồng, tham gia kinh tế tập thể.
Thứ sáu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, hiện nay lực lượng khuyến nông cơ sở đang bị thiếu trầm trọng. Do đó, hai bên cần bàn bạc để đào tạo các hội viên Hội Nông dân tiêu biểu và đưa họ cùng tham gia tổ khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ bà con. Bởi đây chính là lực lượng gần nông dân nhất, họ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân hàng ngày.