Nỗ lực vượt 'sóng dữ', xuất khẩu thuỷ sản cán đích ngoài mong đợi
(DNTO) - Vượt xa kế hoạch ban đầu, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 bứt phá ngoạn mục ước đạt gần 9,6 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ, trong đó, con tôm được xem như "nước cờ" chủ chốt để băng qua đại dịch Covid-19.
"Thoát hiểm" ngoạn mục, xuất khẩu thuỷ sản đạt 8,89 tỷ USD
Tại hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành Thủy sản, ông Trần Đình Luân, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,89 tỉ USD, xuất khẩu thủy sản cả năm 2021 ước tăng 4,6% so kế hoạch (8,5 tỉ USD). Nếu tính cả bột cá và thức ăn thủy sản (685,2 triệu USD), tổng giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 9,57 tỉ USD, bằng 107,6% so với năm 2020 (tổng là 8,89 tỉ USD).
Chỉ riêng ngành tôm - “át chủ bài” xuất khẩu thủy sản, tổng sản lượng tôm nuôi năm 2021 ước đạt 970 nghìn tấn (tăng 4,3% so với năm 2020); trong đó, tôm sú đạt 277,5 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 642,5 nghìn tấn, còn lại là tôm khác.
Kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt 3,9 tỷ USD, tăng 2,8% so với năm 2020. Ngoài ra, con cá tra và nhiều mặt hàng chủ lực như cá ngừ, bạch tuộc, mực... cũng đã đóng góp lớn vào sự tăng trưởng chung này.
Đây là kết quả rất đáng tự hào, bởi suốt từ tháng 7 đến hết tháng 9/2021, ngành thủy sản gần như bị “đóng băng” toàn bộ hoạt động nuôi thả, chế biến, xuất khẩu... bởi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là tại TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn cung nguyên liệu và nhân lực lao động bị đứt gãy, hàng loạt nhà máy chế biến phải đóng cửa, khó khăn chồng chất.
Tuy nhiên, từ tháng 11/2021, với sự hỗ trợ từ Nghị quyết 128 của Chính phủ, sau 2 tháng, nhiều doanh nghiệp đã hồi phục được năng lực sản xuất từ 70-90%. Nhờ đó, kết quả sản xuất, kinh doanh ngành thủy sản đã hồi phục mạnh mẽ vào cuối năm, để đạt được kết quả xuất khẩu ngoạn mục. Một USD xuất khẩu đạt được trong bối cảnh này giá trị gấp nhiều lần so với ở thời điểm bình thường trước khi dịch Covid-19 xảy ra.
"Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng Tổng cục Thủy sản thường xuyên theo dõi, chỉ đạo địa phương các giải pháp linh hoạt, phù hợp trong sản xuất, duy trì tăng trưởng, đồng thời, sự hỗ trợ của Nghị quyết 128, cùng sự quan tâm của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con ngư dân trên cả nước, giúp tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản và tổng sản lượng thủy sản năm 2021 đạt được chỉ tiêu đề ra", ông Luân nhận định.
Để giữ vững kim ngạch trong năm 2022, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng con giống
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng nhận định, năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, cùng với đó là yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường, trong khi nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng suy giảm.
"Tuy nhiên, kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại sau khi chiến lược tiêm vắc xin cùng lợi thế từ việc tận dụng các ưu đãi của Hiệp định CPTTP và EVFTA, mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm là những yếu tố thuận lợi cho ngành thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hiệu quả được nâng lên", ông Hùng cho hay.
Góp ý tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng thủy sản Việt Nam đang cạnh tranh với các nước Ecuador và Ấn Độ.
Tại thị trường Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ, tỉ lệ xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh đã lên tới 46%, tiếp tục tạo ra cạnh tranh mới với thủy sản Việt Nam. Theo đó, để nâng cao khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nâng cao chất lượng con giống.
"Qua khảo sát của Hiệp hội, con giống là yếu tố quyết định đến giá thành, và tỉ lệ sống sót của con giống sẽ là yếu tố quyết định ở nhiều mặt hàng chủ lực trong ngành thủy sản như tôm, cá tra", ông Nam nhận định.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, sang năm 2022, với mục tiêu xuất khẩu 9 tỉ USD, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương khắc phục “thẻ vàng” về IUU, chấn chỉnh việc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác, khắc phục ngay các sai sót, không gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thuỷ sản khai thác vào châu Âu.
Đồng thời, phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực và các loài thủy sản có giá trị kinh tế, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, nuôi nhuyễn thể thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa.
"Đối với khai thác, ngành quản lý tốt hạn ngạch khai thác hải sản, giảm dần số lượng tàu cá khai thác và đẩy mạnh chuyển đổi từ nghề khai thác xâm hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sang các nghề khác cho ngư dân. Đặc biệt, phối hợp cùng địa phương hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác trên biển theo chuỗi để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác", Thứ trưởng Tiến cho hay.