Doanh nghiệp thuỷ sản nỗ lực về đích những tháng cuối năm
(DNTO) - Sau vài tháng giảm sâu vì giãn cách, trở về trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, chế biến, xuất khẩu phục hồi sản xuất, cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp thuỷ sản đang kỳ vọng "thăng hoa" xuất khẩu các mặt hàng chủ lực tháng cuối năm.
Trong những tháng còn lại của năm 2021, thị trường xuất khẩu thuỷ sản nhìn chung đang khá thuận lợi. Hầu hết các thị trường chính của thuỷ sản Việt Nam đang trên đà phục hồi nhờ tiêm ngừa vaccine diện rộng và triển khai các gói hỗ trợ sau Covid-19.
Lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, du lịch… đang từng bước được mở cửa trở lại ở nhiều thị trường. Vì vậy, mảng dịch vụ thực phẩm sẽ tăng mạnh vào cuối năm nay. Qua đó, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở các hệ thống, chuỗi dịch vụ thực phẩm.
Bên cạnh đó, do tác động của dịch Covid-19, người tiêu dùng ở nhiều thị trường vẫn đang tiếp tục xu hướng ưa chuộng thực phẩm chế biến sâu, tích hợp nhiều tiện ích, thuận lợi trong việc chế biến món ăn nhanh nhất. Chế biến sâu lại là lợi thế cạnh tranh của ngành thuỷ sản Việt Nam với nhiều nhà máy có hệ thống trang thiết bị hiện đại, đảm bảo các yêu cầu cao về an toàn thực phẩm và đội ngũ công nhân lành nghề.
Điều đáng chú ý là lượng hàng dự trữ của các thị trường nhập khẩu này không còn nhiều để phục vụ nhu cầu tiêu thụ các dịp lễ hội trong năm trong khi các nguồn cung tôm lớn như Ấn Độ, Indonesia… bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, chưa hồi phục sớm. Do vậy, thuỷ sản Việt còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu nếu biết tận dụng cơ hội.
Theo số liệu từ Hiệp hội chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản tháng 10 ước đạt 918 triệu USD, tăng 47% so với tháng trước và gần tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ hồi phục mạnh nhất, tăng 31%; EU tăng 9%; Hàn Quốc tăng 20%; Canada tăng 17%.
Trong đó, hầu hết các sản phẩm chính đều tăng trưởng trở lại. Cụ thể, cá ngừ và mực - bạch tuộc đều tăng 18%; cua ghẹ tăng 13%. Riêng cá tra vẫn giảm do thiếu nguyên liệu, hoạt động sản xuất, chế biến cá tra ở các địa phương vẫn cầm chừng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Về thị trường, trong 10 tháng đầu năm, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất, chiếm 24% tổng kim ngạch. Các thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc lần lượt chiếm 15% và 12%.
Thị trường Trung Quốc cũng là cửa sáng của cá ngừ. Trong tháng 10, kim ngạch đạt 338.000 USD, tăng 85% so với cùng kỳ 2020.
Xuất khẩu cá tra cũng được kỳ vọng sẽ khả quan hơn trong dịp cuối năm nhờ sự tăng trưởng mạnh tại một số thị trường mới và tiềm năng như Brazil, Nga, Ai Cập, Columbia…
Tự tin thực hiện các đơn hàng xuất khẩu trong những tháng cuối năm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta, đánh giá, Nghị quyết 128 của Chính phủ với nội dung “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, trong đó có quy định 4 màu theo cấp độ dịch. Ở mọi cấp độ các doanh nghiệp đều có thể hoạt động theo khuôn khổ quy định. Như vậy, giờ đây các doanh nghiệp không liên quan các ca dịch, được phép mở cửa hoạt động và sắp xếp phục hồi theo khả năng.
“Hy vọng với Nghị quyết 128 của Chính phủ, dù đang đứng trước bao khó khăn chồng chất, với bản lĩnh được thử thách thời gian dài, doanh nghiệp thuỷ sản sẽ vượt qua tâm lý bất an vừa qua, phấn đấu nhanh chóng phục hồi năng lực sản xuất, đẩy nhanh tốc độ chế biến, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đã đề ra”, ông Lực kỳ vọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng tích cực, theo nhận định của một số doanh nghiệp, dù đang trong giai đoạn nước rút, song nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay trong việc lên kế hoạch mở lại sản xuất, việc thiếu hụt nhân lực do cách ly, nhiễm bệnh, thiếu hụt tài chính để vận hành... cũng là trở ngại lớn với các doanh nghiệp.
Đặc biệt, vấn đề thị trường thuận lợi là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhanh chóng phục hồi. Song, những ngày qua, việc xuất hiện nhiều ca nhiễm, ổ dịch mới tại các tỉnh ĐBSCL, trong đó, có không ít ca nhiễm, ổ dịch tại các nhà máy chế biến thủy sản, đang gây áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn và ổn định sản xuất...
Theo đó, để hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản ổn định, không bị đứt gãy, thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, tại cuộc họp với các tỉnh ĐBSCL mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chỉ đạo, doanh nghiệp phải có bộ phận thường xuyên phân tích các mối nguy mà dịch bệnh có thể lẻn vào nhà máy. Trong đó, cần chú ý tới đội ngũ lái xe đường dài của doanh nghiệp. Việc cung ứng nguyên liệu, vật tư, thực phẩm… vào bên trong doanh nghiệp, tốt nhất, phải qua vùng đệm để hạn chế tối đa tiếp xúc, hạn chế lây lan.
Song song đó, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương phải theo dõi diễn biến tình hình nhu cầu, năng lực các quốc gia là đối thủ để chúng ta biết người, biết ta mà có chiến lược, bước đi phù hợp cho hoàn cảnh mình làm sao đẩy nhanh nhất việc phục hồi sản xuất an toàn và tiến tới ổn định, phát triển cho lâu dài.