Nỗ lực thích ứng, mở rộng thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu tôm tận dụng chớp 'thời cơ vàng'
(DNTO) - Những ngày cuối năm, dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vẫn đang nỗ lực về đích. Giá tôm tăng cao cùng với kim ngạch xuất khẩu tôm được dự báo sẽ bật tăng tại nhiều thị trường tiềm năng là bệ phóng cho mục tiêu cán mốc 4 tỷ USD trong năm 2021.
Hiện nay, đối diện với đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 mới, trong khi thời gian còn lại của năm 2021 chỉ còn chưa đầy hơn tháng. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long phải gồng mình nỗ lực giữ vững "thành trì" sản xuất để chạy đua về đích.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), cho biết, các doanh nghiệp, chế biến, xuất khẩu tôm đang đẩy mạnh rà soát, nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, rà soát lại người lao động để sàng lọc ra xét nghiệm và sắp xếp chỗ ở tại chỗ mỗi ngày.
"Có ngày, doanh nghiệp chế biến tôm phải làm thao tác sàng lọc và xét nghiệm nhiều lần, thay vì chỉ 3 ngày/lần như thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trước đây. Với thao tác sàng lọc này, số người lao động của nhà máy ít dần vì doanh nghiệp không thể đưa đón người lao động ở những xã, ấp xảy ra dịch bệnh cũng như người lao động của chính doanh nghiệp nhiễm bệnh phải đưa đi cách ly tại nhà, không thể làm việc", ông Lực thông tin.
Không những vậy, các doanh nghiệp ngành tôm cũng nhanh chóng đưa ra giải pháp sàng lọc khắt khe hơn để giữ vững thành trì sản xuất như: trong 3 ngày phải xong 1 lượt kiểm tra, sàng lọc toàn bộ người lao động của nhà máy, doanh nghiệp. Thậm chí kiểm tra kháng thể vẫn chưa tạo đủ độ tin tưởng, doanh nghiệp phải mua thiết bị kiểm tra PCR cho người lao động theo chu kỳ 3 ngày/lần. Với tần suất sàng lọc tăng lên, kiểm tra chi tiết hơn cũng đồng nghĩa với chi phí sản xuất đội lên nhiều lần so với giai đoạn sản xuất cầm chừng.
"Với diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, việc đạt mục tiêu xuất khẩu tôm trong năm 2021 từ 3,8 - 4 tỷ USD như đã đề ra là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu tôm đang nỗ lực hết sức, nắm bắt thời cơ thị trường, đặc biệt là nhu cầu tích trữ thực phẩm để đón Lễ Giáng sinh sắp tới của Mỹ và các nước châu Âu", ông Lực cho hay.
Nỗ lực mở rộng thị trường
Mặc dù phải chống chọi với dịch bệnh để sản xuất an toàn, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đã nỗ lực mở rộng thị trường để tận dụng lợi thế xuất khẩu.
Theo nhận định của các doanh nghiệp, nhờ các hiệp định tự do thương mại mà Chính phủ "dốc tâm" chăm lo, khiến nhiều sản phẩm tôm được miễn, giảm thuế khi xuất khẩu vào hầu hết các thị trường lớn, trong đó có CPTPP, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nhu cầu nhập khẩu tôm từ khối thị trường CPTPP trong năm nay khá tốt. Hiện các doanh nghiệp đang tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 để ổn định sản xuất.
Đồng thời, sau một năm Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU cũng đã ghi nhận những sự tăng trưởng khá.
Tuy nhiên, thị trường EU đòi hỏi hết sức khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc phải thuận lợi, nên nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm lớn tại ĐBSCL đã đầu tư trang thiết bị, máy móc sản xuất hiện đại, chú trọng nguồn nguyên liệu sản xuất, đảm bảo yêu cầu khắt khe của nhà nhập khẩu.
Theo các chuyên gia, những tháng cuối năm nay, EU rất khan hiếm hàng hóa bởi nhiều đối tác cung ứng cho EU đang phải chống chọi với dịch Covid-19, cộng với áp lực về giá cước vận tải biển tăng cao trong khi nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm của người dân EU tăng. Đây chính là lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam, dù đang gặp rất nhiều khó khăn sau thời gian giãn cách, phải dồn mọi nguồn lực để khôi phục sản xuất, tận dụng thời cơ cao điểm cuối năm để củng cố và phát triển thị phần tại thị trường EU.
Bên cạnh đó, thị trường hàng đầu có nhu cầu nhập khẩu tôm của Việt Nam là Mỹ được kỳ vọng lớn sẽ tăng mạnh vào năm 2022. Nguyên do sự kiện nước này tăng gấp đôi thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu từ Ấn Độ và sự ưa chuộng của thị trường lớn, khó tính này với sản phẩm thủy hải sản Việt nói chung và tôm nói riêng...
"Việc Việt Nam đã ký 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và đã có hiệu lực, đây là cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp xuất khẩu tôm chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất...Để khai thác tốt cơ hội về thị trường Hoa Kỳ thì năng suất và chất lượng là 2 yếu tố then chốt. Do đó, thời gian tới các doanh nghiệp cần phải chú trọng các yếu tố nguyên liệu đầu vào đặc biệt là con giống và hạ tầng vùng nuôi trong chuỗi sản xuất tôm", giới chuyên môn đánh giá.
Để giúp doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội tại các thị trường xuất khẩu, bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cho rằng, các doanh nghiệp cần chú trọng đảm bảo an toàn cho sản xuất. Việc này tốn nhiều công sức và chi phí nhưng là việc rất cần thiết. Song song đó, phải theo dõi diễn biến tình hình thị trường và nhu cầu cũng như năng lực các quốc gia là đối thủ cạnh tranh. Từ đó, chủ động bước đi phù hợp với hoàn cảnh làm sao thúc đẩy nhanh việc phục hồi sản xuất an toàn và tiến tới ổn định, phát triển cho lâu dài.