Tương lai gần của tài sản số: Kiến tạo nhiều lớp tỷ phú mới
(DNTO) - Hàng loạt tỷ phú tiền ảo gia nhập danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới trong thời gian vừa qua đang chứng minh một nhận định: các doanh nghiệp, giới đầu tư đang chuyển dần từ việc sở hữu tài sản hữu hình sang tài sản vô hình – tài sản số.
Hồi tháng 10/2021, Tạp chí Forbes đã công bố danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ. Trong đó có 7 tỷ phú trong lĩnh vực tiền điện tử, 6 trong số này là những gương mặt mới.
Nổi bật nhất là Sam Bankman-Fried (29 tuổi), CEO sàn giao dịch FTX và quỹ đầu tư Alameda Research, với khối tài sản lên tới 22,5 triệu USD, chiếm gần ½ tổng tài sản của 7 tỷ phú tiền điện tử mới nổi và đứng thứ 32/400 trong danh sách Forbes.
Những tỷ phú tiền ảo khác được Forbes vinh danh gồm gồm Brian Armstrong, CEO sàn Coinbase (11,5 tỷ USD, xếp thứ 60); Chris Larsen, CEO Ripple (6 tỷ USD, xếp thứ 172); Cameron và Tyler Winklevoss , đồng sáng lập sàn Gemini (4,3 tỷ USD, xếp thứ 261); Fred Ehrsam, đồng sáng lập Coinbase,(3,5 tỷ USD, xếp thứ 333) và Jed McCaleb, nhà sáng lập XRP, Stellar Lumens ( 3 tỷ USD, xếp thứ 377).
Một điển hình khác minh chứng cho sự giàu lên nhờ tài sản số chính là Changpeng CZ Zhao, người sáng lập và CEO sàn giao dịch tiền ảo Binance, vừa gia nhập câu lạc bộ tỷ phú giàu nhất thế giới, với tài sản ước tính ít nhất là 96 tỷ USD…
Theo Bloomberg Billionaires Index, khối tài sản của Zhao hiện đã vượt qua tỷ phú giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani và cạnh tranh với người sáng lập hãng phần mềm Oracle là tỷ phú Larry Ellison trên bảng xếp hạng.
“Trong khi rất nhiều người chúng ta còn đang tranh cãi về nội hàm ngữ nghĩa về tiền ảo (digital currencies) hay thực tế ảo (virtual reality), thì Changpeng Zhao, CEO của sàn giao dịch Binance đang chuẩn bị trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Điều này là hiện thực, không hề “ảo” chút nào”, TS Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế Số Việt Nam, nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu hơn 30 năm trước, tài sản lớn nhất trong bảng tổng kết tài sản của 500 công ty lớn nhất Hoa Kỳ (Fortune 500) là các loại tài sản hữu hình (tiền, nhà xưởng, máy móc thiết bị…), thì ngày nay, khoảng gần 90% tài sản có giá trị của các công ty đó lại là những tài sản vô hình (quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu/thương quyền…).
Thực tế đã cho thấy việc số hóa tài sản đang mang lại nguồn lợi lớn cho người sở hữu.
Tháng 8/2021, họa sĩ nhí Xèo Chu đã đăng kí số hóa cho bức tranh đầu tay mang tên “Hoa mai may mắn”. 5.000 USD là mức giá khởi điểm khi lên sàn giao dịch các tác phẩm điện tử Binance NFT, nhưng sau khi đấu giá, tác phẩm đã thu về tới 23.000 USD và là bức tranh có giá trị nhất từ Việt Nam trên sàn giao dịch tài sản số này.
Trước đó, Phong Lương và Tú Na là những họa sĩ Việt Nam từng tham gia triển lãm tranh trên sàn Binance NFT.
Tài sản kỹ thuật số tại các nước phát triển như Mỹ, EU, Thụy Sĩ, Singapore, Nhật Bản, Úc và ngay cả một số nước Đông Nam Á như Malaysia và Thái Lan đã được định nghĩa là tài sản phi hữu hình được tạo ra, sử dụng trong giao dịch và lưu trữ ở định dạng kỹ thuật số. Trên nền tảng của blockchain, tài sản kỹ thuật số bao gồm tiền điện tử và mã token.
Còn tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng về tài sản kỹ thuật số trong hệ thống văn bản pháp luật. Tuy vậy, điều này không làm cản trở xu hướng giao dịch, sở hữu tài sản số ngày càng gia tăng của giới đầu tư.
Hiện có khoảng 6 triệu người Việt Nam sở hữu tài sản kỹ thuật số, tương đương 6% dân số, đứng thứ 9 trên bảng xếp hạng các quốc gia có tỷ lệ người dùng nắm giữ tiền mã hóa nhiều nhất thế giới, theo bảng xếp hạng của công ty thanh toán tiền mã hóa Triple A.
Còn theo Bảng xếp hạng của công ty phân tích Chainalysis, Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Ukraine là những quốc gia dẫn đầu về việc chấp nhận tiền mã hóa giữa các nhà đầu tư cá nhân.
Tiền ảo chỉ là một phần nhỏ của tài sản kỹ thuật số mà mọi người dễ dàng nhận thấy. Theo TS Trần Quý, trong tương lai, số hóa tài sản có thể diễn ra trên mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi bộ phận, có thể biến hầu hết mọi nội dung, thực hay ảo, thành một mã thông báo kỹ thuật số, để lưu trữ, giao dịch trên nền tảng blockchain. Vì vậy, vị chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp, cá nhân sở hữu tài sản thực nên nghĩ đến chuyện số hóa và bảo vệ tài sản số của mình.