Vì sao Bill Gates từng chi tiền khủng để sở hữu bản thảo của Leonardo da Vinci?
(DNTO) - Ai cũng biết tỷ phú Bill Gates chẳng phải là người tiêu tiền một cách phù phiếm. Thế nhưng, vì sao ông không thể cưỡng lại việc vung 30,8 triệu đô la để mua tập bản thảo “Codex Leicester” của danh họa Leonardo da Vinci, khiến nó trở thành một trong những cuốn sách đắt nhất từng được bán?
Ông cùng Warren Buffett và một số tỷ phú khác đã hứa sẽ hiến phần lớn tài sản cho các hoạt động từ thiện, lái một chiếc Tesla khá khiêm tốn, không thích sắm quần áo đắt tiền và sẵn sàng lặng lẽ xếp hàng đậu xe chờ mua một chiếc bánh mì kẹp thịt. Đó là hình ảnh dung dị của Bill Gates, ông chủ sáng lập gã khổng lồ công nghệ Microsoft.
Thế mà một người có tài sản trị giá gần 100 tỷ USD sống đời giản đơn như thế lại không cưỡng được “cám dỗ”, vung tiền mua bản di cảo “Codex Leicester” của Leonardo da Vinci với giá 30,8 triệu đô la, khiến nó trở thành một trong những cuốn sách đắt nhất từng được gõ búa đấu giá thành công.
Tập tài liệu dài 72 trang, bao gồm các phác thảo và ý tưởng của Leonardo về nhiều chủ đề như thiên văn, cơ học, thực vật, toán và kiến trúc, được viết từ năm 1506 đến năm 1510. Dù đã sở hữu “Codex Leicester” từ khá lâu, năm 1994, nhưng đến nay người ta mới biết không phải Bill Gates quá nhiều tiền nên phải “đốt” bớt đi bằng việc mua đấu giá tác phẩm sưu tập. Có hiểu được lý do vì sao Gates trả giá tranh mua cho được cuốn sổ này, ta sẽ học được nhiều điều về tầm quan trọng của những ám ảnh của việc truyền cảm hứng mà các bậc vĩ nhân tạo ảnh hưởng lẫn nhau.
Thứ nhất, Bill Gates bị cuốn hút bởi lối suy nghĩ thời Phục hưng của Leonardo, xem da Vinci là một nhân vật luôn đề cao sự đẹp đẽ của kho tàng kiến thức, biết lấy nguồn cảm hứng mình có để tìm tòi sáng tạo, chứ không bị áp đặt bởi bất cứ thế lực nào hay bởi các quy ước đúng, sai cứng nhắc. Cũng chính vì lòng ngưỡng mộ ấy mà vào năm 2018, người đồng sáng lập Microsoft thậm chí còn đưa cả quyển viết về tiểu sử Leonardo của nhà nghiên cứu Walter Isaacson vào list những cuốn sách ông cần đọc mùa hè.
Viết trong blog, Bill Gates đặc biệt thần tượng lòng hiếu kỳ tò mò khám phá của danh họa - dù chúng từng dẫn đến cả thành công lẫn thất bại - với những đặc điểm là quan sát kỹ càng, ghi chép tỉ mỉ và nỗ lực tìm ra những lời đáp. Qua da Vinci, dường như nhiều điều kỳ diệu của cuộc sống có công nghệ YouTube hay Wikipedia hiện đại đã được một người đàn ông sống cách đây 500 năm hình dung ra từ rất sớm.
Lý do thứ hai khiến Bill Gates mặn mà với “Codex Leicester” là vì ông cảm thấy mình “gần gũi” với Leonardo. Mặc dù chưa bao giờ tạo ra bất cứ thứ gì xuất chúng về mặt nghệ thuật như Leonardo sáng tác hai danh phẩm Mona Lisa hay The Last Super, nhưng Gates cảm nhận mình và da Vinci vẫn giống nhau về nhiều mặt, từ dự đoán tương lai đến khát khao học hỏi.
Leonardo da Vince đã đi trước thời đại khi trong “Codex Leicester” bao gồm các hình vẽ và lý thuyết về cách máu chảy qua tim. Nhiều kiến thức trong số đó mãi đến vài năm gần đây mới được các nhà nghiên cứu khoa học và y học thế kỷ XXI xác minh. Gates cũng vậy khi ông từng đưa ra nhiều dự đoán tương lai cho năm 1999 với những thiết bị điện tử nhỏ nhắn, hay về 4 căn bệnh sẽ được xóa sổ vào năm 2030…. nay chúng đã và đang trở thành sự thật một cách đáng kinh ngạc.
Tác phẩm của Leonardo mà Bill Gates sở hữu cũng khiến ông cảm thấy buộc phải chia sẻ niềm cảm hứng sáng tạo từ bậc vĩ nhân tiền nhiệm ấy cho cộng đồng. Bởi những điều ông chủ Microsoft khám phá được ở cuốn sách của Leonardo đã phần nào trở thành nguồn phấn khích để ông thực hiện những điều vĩ đại như ngày hôm nay. Điển hình là năm ngoái, Gates đã công bố “Codescope”, một dự án có kiosk màn hình cảm ứng tương tác cho phép mọi người khám phá di cảo “Codex Leicester”. Đó là cách giúp khuyến khích thế hệ ngày nay tìm hiểu về lịch sử sổ ghi chép của Leonardo - vốn không dễ phổ biến trực tiếp từ bản gốc - như xem từng trang, nhận bản dịch và thậm chí thưởng lãm các phiên bản hoạt hình của các bức vẽ mà da Vinci đã tạo ra ngày nào.
Nhân dịp kỷ niệm 500 năm ngày mất của Leonardo da Vinci, “Codescope” đã mang “Codex Leicester” đến với công chúng qua một số bảo tàng châu Âu từ tháng 10 năm 2018 đến ngày 20 tháng 1 năm 2019. Nghĩa là giờ đây ai cũng có thể được Leonardo truyền cảm hứng mà không phải chi ra… vài chục triệu USD.