5 bài học kinh doanh từ Mohammed Dewji, vị tỷ phú trẻ nhất châu Phi
(DNTO) - Tuân thủ những châm ngôn riêng trong cuộc chiến thương trường, Mohammed Dewji, doanh nhân sinh năm Giáp Dần, người Tanzania, Đông Phi đã thoát được cái bóng lớn của người cha để xây dựng nên cơ ngơi gần 2 tỷ đô la, được Forbes vinh danh là vị tỷ phú trẻ nhất Lục địa Đen
Tuân thủ những châm ngôn riêng trong cuộc chiến thương trường, Mohammed Dewji, doanh nhân sinh năm Giáp Dần, người Tanzania, Đông Phi đã thoát được cái bóng lớn của người cha để xây dựng nên cơ ngơi gần 2 tỷ đô la, được Forbes vinh danh là vị tỷ phú trẻ nhất Lục địa Đen
Là một câu chuyện thành công Made in Africa 100%, Mohammed Dewji đã xây dựng doanh nghiệp gia đình từ một nhà phân phối và thương mại nhập khẩu hàng hóa vào Tanzania thành thương hiệu sản xuất nhiều sản phẩm, nằm trong số ít công ty của châu Phi có doanh thu trên 1 tỷ đô la. Mục tiêu nhắm đến của anh là tạo ra doanh thu 7 tỷ đô la vào năm 2022 và tuyển dụng 100.000 người trên khắp châu Phi.
Bỏ chính trường nhập cuộc thương trường
Dewji đã giúp anh được bình chọn là Nhà lãnh đạo Doanh nghiệp của năm tại Giải thưởng Doanh nghiệp châu Phi năm 2015 và đứng đầu danh sách các nhà lãnh đạo kinh tế trẻ châu Phi của Institut Choiseul năm 2016. Khi theo dõi sự nghiệp của chàng Mohammed 48 tuổi, người ta có thể thấy rõ lý do tại sao anh xứng đáng với những danh hiệu ấy.
Mohammed Dewji luôn thừa nhận mình có khởi đầu thuận lợi khi được sinh ra trong một gia đình kinh doanh rất thành công khi mua bán suôn sẻ đa dạng mặt hàng từ bột cà chua, kẹo cao su đến máy kéo và mô tô hai bánh. Gia đình khá giả và Dewji có cơ hội ăn học hoàn hảo nhắm đến chính trường chứ không phải thương mại. Tốt nghiệp Đại học Georgetown, anh trở về Tanzania phục vụ đất nước với cương vị một nghị sĩ. Thế nhưng với máu con buôn nhà nòi, chính trường không giữ chân anh được lâu.
Dewji gia nhập công ty, thay cha tiếp quản và phát triển doanh nghiệp. Từ cơ sở nhập khẩu dầu ăn sẵn có, anh quyết định nhập khẩu cả dầu cọ thô, thành lập một nhà máy lọc dầu, và cũng làm tương tự với mặt hàng xà phòng và nhiều sản phẩm khác. Tập đoàn MeTL của Dewji ra đời sản xuất thực phẩm và hàng hóa với trên 21 chủng loại khác nhau, bán chạy hơn các thương hiệu đa quốc gia. Đồng thời cũng cung cấp cả ngô cho Chương trình Lương thực Thế giới. Điểm nhấn chói sáng nhất là Dewji đã sở hữu thương hiệu đồ uống riêng Mo Cola, đối trọng mới của ông khổng lồ Coca-Cola.
Nhờ chính sách hậu cần và mạng lưới phân phối logistic hùng mạnh với đội xe hơn 2.000 chiếc cùng các chuỗi kho hàng trên toàn quốc, MeTL dễ dàng tiếp cận các thị trường, thậm chí đến cả các làng mạc xa xôi. Toàn bộ hệ sinh thái của tập đoàn trở nên hiệu quả về mặt kinh tế, khó có công ty nào khác có thể nhân rộng. Kết quả là hầu hết hộ gia đình Tanzania đều từng sử dụng một sản phẩm của MeTL.
5 bài học kinh doanh từ Mohammed Dewji
Có lẽ Forbes vinh danh Mohammed Dewji khi đưa hình anh lên trang bìa tạp chí số tháng Giêng năm 2016 là do họ đánh giá cao bí quyết thành công của vị tỷ phú trẻ người Tanzania này trong bối cảnh và địa hình kinh doanh khắc nghiệt của châu Phi. Bài học của Dewji không nằm ở sự giàu có tích lũy được từ dòng họ mà nằm ở chính cách tuân thủ những kim chỉ nam thương trường anh đã đặt ra.
1 - Tìm ra cơ hội để giải quyết đúng vấn đề
Với Dewji, các cơ hội làm ăn ở mỗi đất nước đều được ngụy trang mà người kinh doanh muốn thành công phải phát hiện vấn đề đang được ẩn giấu ấy để giải quyết, đó là con đường để tạo ra của cải. Châu Phi thường được coi là thế giới thứ ba, một lục địa luôn đắm chìm trong nghèo đói, xung đột chính trị và tham nhũng. Tuy nhiên, hầu hết các tỷ phú xuất thân từ đây như Mohammed Dewji đều là những con người giữ vững lập trường, định vị mình là người giải quyết vấn đề để xây dựng nên sự giàu có ngay giữa bối cảnh nghèo đói của khu vực.
Chẳng hạn các tỷ phú Mike Adenuga và Mo Ibrahim giải quyết vấn đề viễn thông; Aliko Dangote cung cấp những nhu cầu cơ bản của người Nigeria trong khi Patrice Motsepe giúp Lục địa Đen này phát huy tối đa tiềm năng về tài nguyên khoáng sản. Còn Mohammed Dewji thì sao? Anh chọn vấn đề tăng sản xuất giảm nhập khẩu để giải quyết. Anh thất vọng khi nhận thấy châu Phi có hóa đơn nhập khẩu thực phẩm ròng hơn 35 tỷ đô la mỗi năm, trong khi đây là nơi có rất nhiều đất canh tác, điển hình là Tanzania chiếm đến 52% diện tích đất đai của Cộng đồng Đông Phi. Anh cũng tăng tuyển lượng lao động để phát triển thị trường bằng cách chuyển từ hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu sang sản xuất.
2 - Tiền không được nhìn thấy bằng mắt thường
Trong quan điểm của Dewji, nếu tiền có thể được nhìn thấy bằng con mắt vật lý, có lẽ cả thế giới sẽ đổ về châu Phi vì những tiềm năng mà đại lục này đang nắm giữ; nhưng tiếc là tiền không được nhìn thấy theo kiểu ấy. Trong khi những người khác coi châu Phi là một lục địa đói nghèo nên tránh xa, vị tỷ phú tuổi Giáp Dần này đã nhìn thấy những tiềm năng tiềm ẩn ở đây và vẫn giữ vững lập trường, bỏ tiền đầu tư. Nghĩa là, trong khi giúp Tanzania cải thiện tiến độ hội nhập khu vực và mở rộng thị trường, Dewji đã nhìn ra tiền bằng thứ tâm trí đã được rèn luyện để phát hiện ra các cơ hội kinh doanh.
3 - Tập trung sức lực
Một trong những yếu tố giúp Mohammed Dewji trở thành tỷ phú là sự tập trung vào những điểm mạnh cốt lõi anh có, những gì anh biết cách làm tốt nhất chứ không đa dạng hóa nỗ lực của mình. Anh đã quyết bỏ chính trường để chuyên tâm kinh doanh, rồi khi ra buôn bán lại tập trung vào các mặt hàng, cho dù là những sản phẩm bình thường khiêm tốn đến đâu. Cứ nhìn vào hệ sinh thái liên hoàn dầu ăn - dầu cọ thô - nhà máy lọc dầu của Tập đoàn MeTL sẽ thấy Dewji tập trung thế nào.
4 - Hiểu về cốt lõi doanh nghiệp
Với Mohammed Dewji, để xây dựng một cơ ngơi làm ăn thành công, người chủ phải hiểu điều cốt lõi của doanh nghiệp mình, nắm bắt sự phức tạp và các nhu cầu phát triển. Trọng tâm của anh được dồn vào việc xây dựng doanh nghiệp bách hóa gia đình với sự hỗ trợ của lực lượng lao động khắp châu Phi, chẳng thế mà công ty của Dewji là nhà tuyển dụng lớn nhất Tanzania.
Chiến công đáng nể anh đã làm được là giám sát tốt sự thay đổi thế hệ trong doanh nghiệp gia đình, chuyển đổi hoàn toàn cơ cấu của chúng để tiếp cận bất cứ thị trường nào, từ phố thị đến làng mạc xa xôi hầu tăng doanh thu lợi nhuận. Nhờ hiểu về cốt lõi ấy mà MeTL của anh nắm được mức giá mà người dân địa phương có khả năng mua hàng và tiềm lực sản xuất hàng hóa ở mức giá đủ hấp dẫn người tiêu dùng. Chính vì vậy công ty mới phát triển được một cách hữu cơ, không cần sự trợ giúp của cổ phần tư nhân hoặc sở hữu nước ngoài.
5 - Không coi thường những ngày mới bắt đầu
Mohammed Dewji không lọt vào danh sách Forbes nhờ được thừa kế tài sản như một số tỷ phú khác. Anh đã làm việc theo cách riêng từ đầu để thoát được cái bóng lớn của ông bố sành sỏi kinh tài. Hoài bão khởi nghiệp là động lực giúp anh thay đổi được chiều kích của một công ty gia đình mà dòng họ sẵn sở hữu, một chặng đường thành công không chỉ đến một sớm một chiều.
Đất nước Tanzania nói riêng và châu Phi nói chung là bối cảnh không dễ để “thành Rome xây dựng trong một ngày”. Việc chậm tiến độ hội nhập khu vực và mở cửa thị trường của xứ sở này đòi hỏi Dewji phải khôn khéo tiếp cận dần dần, nhất là các khâu về hậu cần, mạng lưới phân phối cho hệ sinh thái sản xuất và tiêu thụ của doanh nghiệp.