TS Lê Xuân Nghĩa: Phải cảnh giác với tỷ giá hối đoái, chưa nên nới lỏng chính sách tiền tệ
(DNTO) - TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: Chúng ta phải rất cảnh giác với tỷ giá hối đoái, khả năng còn tiếp tục mất giá rất đáng kể. Vì vậy, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước có nên tăng lãi suất không, nếu không tăng thì đồng nghĩa chúng ta phải bán dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá hối đoái.
Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay, chiều 12/9, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, chủ trì, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng nêu một số vấn đề cần lưu ý trong điều hành doanh nghiệp thời gian tới, nhất là liên quan tới điều hành lãi suất, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bởi từ nay đến cuối năm doanh nghiệp còn khoảng 70 nghìn tỷ đáo hạn, dự báo trong năm tới cần 140 nghìn tỷ đáo hạn.
Đồng ý với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về quan điểm về xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao năng lực cạnh tranh và chống chịu cao hơn, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng cần hết sức quan tâm đến phát triển hệ thống bán lẻ với các doanh nghiệp trong nước, bởi hiện nay về hệ thống bán lẻ người Việt chỉ còn sở hữu khoảng 30%, còn lại 70% là sở hữu nước ngoài.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa để kiềm chế lạm phát, nhiều ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất, nhưng không nhiều ngân hàng Trung ương có thể bán trái phiếu Chính phủ để thu tiền về. Điều này cho thấy lạm phát thế giới còn có thể cao, lãi suất thế giới còn có thể tăng thời gian tới. Vì vậy Việt Nam chưa nên nghĩ tới việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô phải đi cùng với đảm bảo an sinh xã hội
Bàn về câu chuyện giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô phải đi cùng với đảm bảo an sinh xã hội và lựa chọn của chúng ta là chúng ta lựa chọn cả 3 chứ không phải hi sinh cái này để chọn cái kia.
"Tăng trưởng là động lực ta phải nhìn nhận lại cả 3 động lực tăng trưởng là: tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu. Cuối năm nay và năm 2023 động lực cho xuất khẩu sẽ phải suy gỉam đáng kể. Do đó việc đa dạng hóa thị trường hay mở rộng thị trường sẽ là giải pháp quan trọng. Ví dụ như Hiệp định EVFTA thì thị trường chính của chúng ta vẫn là các thị trường cũ, do đó ngay trong EVFTA thì ta có thể mở rộng thêm thị trường và tham gia sâu hơn", TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Về đầu tư, ông Thành hy vọng trong năm nay và năm sau, đầu tư công là khâu quyết định chiếm 1/3 tổng đầu tư xã hội cả năm, bây giờ mình đang giải ngân rất chậm thì đầu tư công sẽ là cú huých cho cả năm sau.
"Riêng về tiêu dùng, tôi không nghĩ mức tiêu dùng năm tới sẽ như năm nay vì người tiêu dùng thắt chặt kinh tế một phần và việc tiêu dùng kiểu "trả thù" cũng bớt dần, việc du lịch cũng giảm đi như vậy nền kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng từ du khách quốc tế. Do đó, các chính sách visa làm sao để thu hút được thêm du khách quốc tế là việc quan trọng", TS Thành nêu giải pháp.
Một động lực nữa thu hút đầu tư từ FDI, bên cạnh thu hút đầu tư tư nhân, thì bài học Euro Cham vừa nói rất đúng. Cho đến nay các nước châu Âu chưa phê chuẩn Hiệp định về bảo hộ đầu tư, nhưng rõ ràng việc thu hút FDI chất lượng chưa được như kỳ vọng.
Bên cạnh vấn đề hạ tầng, giải phóng mặt bằng, nhân lực, thể chế ưu đãi thì có 3 điều quan trọng trong thu hút FDI chất lượng đó là: môi trường đầu vào phải xanh, môi trường số phải tốt, môi trường sống cho các chuyên gia phải tốt thì mới hy vọng thu hút được FDI có chất lượng.
"Về kinh tế vĩ mô, tôi cho rằng nên thận trọng với cung tiền. Tôi nghĩ rằng với tốc độ tăng tín dụng, giả sử năm nay là 14% thì năm sau cũng là 14% thì đây là con số không thấp. Vấn đề nợ xấu không trừ hẳn đi, vấn đề tăng vốn cho ngân hàng thương mại, tỉ lệ tín dụng trên GDP chưa kể áp lực ngắn hạn đối với tỉ giá, ta không muốn làm cho tỉ giá mất giá nhiều. Chưa kể những áp lực về lãi suất, lãi suất không thể tăng quá mức… Như vậy, cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu cũng như trong những năm tới có thể chế tốt để phát hành trái phiếu là vấn đề quan trọng", vị chuyên gia nêu quan điểm.
Cuối cùng, ông Thành cho rằng cần phải linh hoạt trong mức tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, vào bất động sản đặc biệt là nhà ở công nhân, nhà ở xã hội… "Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt hơn, ở đây không có nghĩa là tháng 3 năm nay so với tháng 3 năm sau cũng phải tăng 14%, có thể có tháng lên, tháng xuống cần theo chu kỳ sản xuất của các nhóm mặt hàng quan trọng là con số tổng thể cả năm", ông Thành nói.
"Về cách điều hành, chúng ta đã có tổ điều hành kinh tế vĩ mô, tôi cho rằng cần thêm mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Tôi cho rằng nên gọi tổ này là Tổ điều hành kinh tế vĩ mô và quản trị rủi ro và đảm bảo các cân đối lớn, để phạm vi hoạt động của Tổ điều hành này được tăng cường, mở rộng thêm', TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.