TP.HCM: Lo không có người mua, tiểu thương giảm trữ hàng hóa tết
(DNTO) - Sức mua tại chợ truyền thống hiện đang giảm khoảng 20-40% so với trước khi có dịch; nỗi lo lắng về việc người dân thắt chặt chi tiêu sau những đợt giãn cách kéo dài khiến nhiều tiểu thương tại một số chợ truyền thống ở TP.HCM cho biết họ giảm lượng hàng dự trữ bán Tết so với mọi năm.
Chị Huyền Trang kinh doanh bánh kẹo tại chợ Bàn Cờ, quận 3, TP.HCM, cho biết năm nay lượng bánh, mứt kẹo chị dự trữ bán Tết 2022 giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Chị cũng chỉ lấy một lượng ít các loại bánh, kẹo nhập khẩu thay vì lấy nhiều như mọi năm.
“Năm ngoái tôi dự trữ hàng hóa trị giá khoảng 100 triệu đồng, thì năm nay chỉ khoảng 45 triệu thôi, vì không chắc bán hết. Nếu lỡ thiếu thì vẫn có thể lấy thêm từ mối. Bánh kẹo, mứt có hạn dùng, không bán hết để lâu hư hỏng hoặc giảm độ ngon, rất khó bán”, chị Trang nói.
Tương tự, chị Ngọc Mỹ, kinh doanh đồ khô (dầu, mắm, muối, bún, miến...) tại chợ cũng cho biết, sức mua tại chợ giảm rất nhiều so với trước dịch nên đa số tiểu thương như chị không dám trữ nhiều hàng Tết.
Theo ghi nhận tại một số chợ sỉ và lẻ như chợ Bình Tây (quận 6), chợ An Đông và An Đông Plaza (quận 5), chợ ông Địa, chợ Trần Văn Quang (quận Tân Bình)... không khí mua sắm hiện tại khá trầm lắng. Tiểu thương đóng cửa khá sớm. Nhiều sạp tại chợ dán bảng sang nhượng, đóng cửa...
Cụ thể, tại chợ Bình Tây, khu chợ sỉ lớn nhất TP.HCM; tại khu quần áo thời trang tại chợ An Đông, An Đông Plaza (quận 5), những ngày này, các hoạt động buôn bán, chào hàng, đóng gói, chuyển hàng đi tỉnh, chuyển hàng đi khắp các chợ lớn, nhỏ ở TP.HCM không tấp nập, nhộn nhịp người mua người bán như trước đây.
Các con đường xung quanh chợ Bình Tây (quận 6), chợ An Đông và An Đông Plaza (quận 5) mọi năm giờ này thường kẹt xe, tấp nập người đi lại do hoạt động trưng bày kinh doanh, vận chuyển hàng hóa... nhưng năm nay khá vắng lặng.
Chị Liên, chủ sạp hàng mứt, bánh kẹo tại đây cho biết bình thường, hằng năm từ giữa tháng 11 là hoạt động kinh doanh tại chợ diễn ra rất tấp nập, các mối hàng từ miền Tây, các mối bán sỉ, lẻ tại TP.HCM đổ về chợ lấy hàng, Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hoạt động kinh doanh buồn tẻ, vắng lặng. Một số mối quen ở tỉnh đã gọi điện đặt hàng chứ không lên lấy hàng trực tiếp, lượng hàng họ lấy giảm cả nửa so với năm ngoái. Mối quen tại TP.HCM cũng không còn lấy lượng nhiều như mọi năm.
Chị Ngọc Huyền, chợ An Đông cho biết, sạp hàng của chị mới mở hoạt động trở lại, sức mua rất thấp, cả ngày có khi chỉ có 2, 3 khách, theo đó, lượng hàng chị chuẩn bị để bán Tết cũng chỉ còn một nửa so với mọi năm.
“Hàng năm trước khi về quê người lao động, người dân hay mua sắm, năm nay họ về quê hết rồi, người ở lại thành phố chắc cũng phải giảm chi tiêu nên tôi đoan chắc sức mua giảm dữ nên giảm trữ hàng quần áo”, chị Huyền buồn rầu nói.
Trong khi đó, chị Hồng, tiểu thương có cửa hàng làm và bán đậu hũ tại chợ Trần Văn Quang (Tân Bình) cho biết, giá đậu nành hiện nay tăng khoảng 20% so với trước dịch. Giá một miếng đậu hũ trắng tăng từ 2.500 đồng/miếng lên 3.000 đồng/miếng. Lượng người mua thì giảm, vì vậy chị cũng phải giảm trữ đậu nành và có kế hoạch giảm lượng đậu làm ra mỗi ngày.
“Tưởng rằng đậu hũ là món ăn có giá hợp lý với túi tiền người tiêu dùng hơn cả so với thịt, cá rồi nhưng giá tăng khiến việc bán cũng không còn được như trước. Tôi tính năm nay chỉ trữ tầm 500kg đậu thay vì 800, 900kg như trước. Mọi năm tôi bán đến tối giao thừa, mùng 2 là mở lại rồi nhưng năm nay chắc sẽ mở bán trễ hơn xíu”, chị Hồng nói.
Theo thống kê của các quận, huyện, TP Thủ Đức, hiện toàn địa bàn TP.HCM có gần 170/234 chợ truyền thống đã mở cửa hoạt động trở lại.