Tổng lượng hàng về TP.HCM hôm nay đạt 2.100 tấn, giảm 34%
(DNTO) - Tổng lượng hàng về TP.HCM hôm nay, 8/7 đạt 2.100 tấn, giảm 34% so với hôm qua, thông tin từ Sở Công thương TP.HCM vừa cho biết.
Kinh doanh xung quanh khu vực chợ đầu mối
Theo đó, tính đến ngày 8/7, cả 3 chợ đầu mối trên địa bàn thành phố đều đã tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ để thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Vì vậy, tổng lượng hàng về các kho bãi, các điểm tập kết hàng hóa xung quanh chợ đạt khoảng 900 tấn/ngày đêm, bên cạnh đó, lượng hàng các thương lái lớn bán hàng qua kênh điện thoại, Zalo, giao hàng trực tiếp không về điểm tập kết ước khoảng 1.200 tấn/ ngày đêm.
Như vậy, tính đến sáng nay, tổng lượng hàng đạt 2.100 tấn/ngày đêm (giảm hơn 34%) so với ngày 7/7 (3.188,9 tấn).
Trong đó: Nhóm mặt hàng thịt gia súc: đạt 300 tấn/ngày đêm; Nhóm mặt hàng thủy hải sản: khoảng 50 tấn/ngày đêm; Nhóm mặt hàng rau củ quả, trái cây: khoảng 1750 tấn/ngày đêm.
Theo số liệu thống kê của Chi Cục thú y, số lượng heo tiêu thụ trung bình khoảng 4000 con/đêm (khoảng 75 kg/con), trọng lượng tương đương 300 tấn thịt, trong đó Nhà máy giết mổ Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) cung ứng hàng ra thị trường khoảng 1.916 con/đêm, trọng lượng tương đương 143,7 tấn thịt.
Chợ đầu mối Hóc Môn: Đã tạm ngưng hoạt động. Với mặt hàng rau củ quả, các tiểu thương lớn vẫn đưa hàng về kinh doanh qua hình thức giao hàng trực tiếp cho các thương lái, mối quen. Hàng không vào chợ, tập trung chủ yếu dọc theo 2 bên tuyến đường Nguyễn Thị Sóc, Quốc lộ 22 hướng từ Ngã ba chợ đầu mối về Bến xe An Sương và ngược lại (phương tiện vận chuyển từ các tỉnh giao trực tiếp cho các mối), sản lượng đêm qua đạt khoảng 550 tấn.
Chợ đầu mối Thủ Đức: Đã tạm ngưng hoạt động. Các tiểu thương lớn vẫn đưa hàng về kinh doanh bán hàng trực tiếp trên các tuyến đường xung quanh chợ đầu mối, khu dân cư sau chợ, đường Ngô Chí Quốc sau chợ, đường Xa lộ Hà Nội gần chợ với sản lượng rau củ quả ước đạt 750 tấn.
Chợ Bình Điền cũng đã ngừng hoạt động. Hiện các thương lái lớn chuyển hình thức kinh doanh giao hàng trực tiếp, và một số thương lái tập kết hàng ở dọc đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) để giao/nhận hàng, sản lượng rau củ quả đạt khoảng 450 tấn, thủy hải sản khoảng 50 tấn.
Theo báo cáo của Sở Công thương, hầu hết giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng 10% - 20% do số lượng chợ tạm dừng hoạt động tăng cao, người dân mua nhiều.
Sức mua tại chợ tăng khoảng 30%, tại các hệ thống bán lẻ hiện đại tăng 50%. Các mặt hàng có mãi lực tăng cao chủ yếu tập trung vào ngành hàng tươi sống (rau củ quả, thịt cá). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sức mua tăng đột biến là đã có thông tin về việc áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn thành phố, dẫn đến việc người dân đổ xô mua sắm các mặt hàng nhu yếu phẩm để dự trữ.
Khó khăn trong vận chuyển hàng hóa
Cũng theo báo cáo của sở, căn cứ Văn bản 5389/BYT-MT về việc tiếp nhận đối với người từ TP.HCM về địa phương, có quy định tất cả người về từ thành phố phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong vòng 7 ngày kể từ ngày về địa phương.
Theo đó, đã gây khó khăn cho một số đơn vị có kho nằm ở tỉnh lân cận như Saigon Co.op (kho phân phối hàng đặt tại Bình Dương) và ảnh hưởng chuỗi cung ứng hàng hóa các hệ thống phân phối khác như Satra, Aeon Mall, Bách Hóa Xanh, Lotte…
Cụ thể, việc yêu cầu kết quả âm tính của tài xế khi vào thành phố gây tăng chi phí bán hàng cho doanh nghiệp, dẫn đến tăng giá bán sản phẩm; tình trạng bị động trong công tác điều phối xe tải chở hàng do khâu kiểm soát giấy chứng nhận âm tính theo cách thức thủ công gây ùn ứ hàng hóa, không đảm bảo 5K; công tác xét nghiệm chưa có sự điều phối, hiệp đồng thống nhất giữa TP.HCM và các tỉnh, thành nên thời gian lấy giấy chứng nhận tại các điểm xét nghiệm chậm trễ.
Vì vậy, hiện nay các chuỗi cung ứng có đề xuất cơ quan chức năng hướng dẫn rõ ràng là hàng hóa của địa phương nào thì có hướng dẫn, phân bổ địa điểm xét nghiệm cụ thể trên địa bàn của từng tỉnh, thành; tốt nhất nên tổ chức xét nghiệm tại các trạm kiểm soát để chủ động xử lý các trường hợp phát sinh đột xuất. Đồng thời cần thống nhất chỉ yêu cầu xét nghiệm nhanh (thời gian hiệu lực 3 ngày) và có hiệu lực lưu hành 3 ngày.
Tới nay, có 6/106 siêu thị (Siêu thị Bon Grocer, quận 3; Siêu thị Lotte Nam Sài gòn, quận 7; Siêu thị Lotte Phú Thọ, quận 11; Siêu thị Co.opmart Cao Thắng, quận 10; Siêu thị Co.opmart Âu Cơ, quận Tân Bình; Siêu thị Co.opmart Rạch Miễu, quận Phú Nhuận), 85/2.616 cửa hàng tiện lợi, 148/234 chợ truyền thống, 3/3 chợ đầu mối tạm đóng cửa.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Trần Duy Đông vừa ký công văn hỏa tốc gửi doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối đề nghị tăng cường cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Theo đó, Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối truyền thống và hiện đại khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, chủ động liên hệ với Sở Công thương TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam để xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và dự trữ, chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu trong hệ thống đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân theo mức độ cao nhất của dịch Covid-19.
Hai là, bên cạnh các điểm bán hàng hiện có, tiếp tục mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động (theo đúng quy định của pháp luật) tại các khu đông dân cư (quận, huyện, phường, xã, thị trấn, thị tứ…).
Ba là, tiếp tục tăng cường thực hiện các phương thức bán hàng trực tuyến (thương mại điện tử, đi chợ hộ…) để phục vụ tối đa nhu cầu nhân dân trong điều kiện dịch bệnh (phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội).
Bốn là, để đảm bảo vận chuyển thông suốt hàng hóa thiết yếu, có phương án tổ chức đội xe, lái xe đảm bảo an toàn dịch bệnh để ra, vào vùng dịch theo đúng quy định của ngành y tế và giao thông vận tải.