Tín dụng cho vay nhà ở xã hội: Phải ưu đãi cả về lãi suất và thời hạn vay vốn
(DNTO) - Không chỉ rốt ráo tháo gỡ thủ tục đầu tư nhà ở xã hội, tăng trưởng tín dụng cho phân khúc này cũng đang trầm lắng. Các chuyên gia khẳng định, phải đảm bảo đáp ứng được yêu cầu ưu đãi về lãi suất và thời hạn vay vốn, chỉ vậy người lao động mới có thể chạm tay vào giấc mơ an cư.
Đề xuất làm nhà ở xã hội trên đất được quy hoạch đất ở
Phát triển nhà ở giá rẻ phục vụ đại bộ phận người dân, trong đó có nhà ở xã hội (NƠXH) là vấn đề được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, thời gian qua kết quả thực hiện không đạt mục tiêu đề ra, bởi cơ chế, chính sách cho NƠXH vẫn nặng tính mệnh lệnh. “Cơn khát” nguồn cung nhà ở, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ngày càng leo thang, trong khi các dự án được cấp phép đầu tư mới vẫn trong tình trạng nhỏ giọt.
“Lúng túng và cần thêm thời gian để làm quen” là chia sẻ của các doanh nghiệp, chuyên gia về nhà ở xã hội khi nói về việc triển khai phân khúc này trên cả nước sau 1 tháng Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực cùng một số văn bản hướng dẫn được ban hành.
Tại tọa đàm "Phát triển nhà ở xã hội trong bối cảnh chính sách mới", ngày 12/9, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân Trương Anh Tuấn cho biết, hiện nay các tỉnh đã cơ bản hoàn thiện quy hoạch quỹ đất cho NƠXH. Song, có tình trạng quy hoạch quỹ đất xa trung tâm quá khiến doanh nghiệp không dám làm, còn người dân không dám ở.
Vì vậy, ông Tuấn đề xuất cho phép doanh nghiệp sử dụng đất được quy hoạch làm đất ở để làm NƠXH. Trường hợp này, cần có cơ chế cho phép doanh nghiệp hạch toán chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng vào giá bán, như vậy sẽ giúp tăng nguồn cung.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), kiến nghị, cần xem xét điều chỉnh việc đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch đô thị tại Nghị định 31. Tuy thủ tục này theo cơ chế “một cửa” nhưng lại mất nhiều thời gian hơn, thậm chí bị tắc ngay tại cửa đầu tiên là khâu “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư”, so với trước đây làm theo cơ chế “nhiều cửa” thì doanh nghiệp có thể đồng thời trực tiếp làm việc với từng sở, ngành, quận, huyện để được thẩm định nên có kết quả nhanh hơn hiện nay.
Đồng quan điểm, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, đối với công cuộc phát triển NƠXH hiện nay, chúng ta cần phải thay đổi hàng loạt cơ chế, từ việc xem xét quy hoạch, hồ sơ thủ tục giao đất, điều kiện khởi công và các điều kiện có liên quan,… Theo ông Thịnh, đây là một chuỗi các vấn đề cần phải xử lý, bởi chỉ khi nhà đầu tư có lợi nhuận thỏa đáng thì lúc đó họ mới tích cực tham gia đầu tư loại hình nhà ở này.
Phải đảm bảo ưu đãi về lãi suất và thời hạn vay vốn
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến khích các ngân hàng thương mại tham gia cho vay vốn hỗ trợ và nới room tín dụng, tạo điều kiện tăng thời hạn và giảm lãi suất theo hướng tạo điều kiện hỗ trợ người vay mua NƠXH trong gói 120.000 tỷ đồng.
Cụ thể, NHNN đề xuất nâng mức giảm lãi suất cho vay đối với người mua nhà lên 3%/năm, từ đó tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với người mua NƠXH, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất thấp cần được cố định trong nhiều năm. Dẫn ví dụ ở Mỹ, ông Hiếu cho biết lãi suất vay mua nhà tại quốc gia này có thể lên đến 7,5%/năm nhưng được cố định trong suốt 30 năm. Điều này mang lại sự an tâm cho người mua nhà vì họ có thể sắp xếp kế hoạch tài chính dài hạn để trả nợ gốc và lãi. Nếu lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng trong 1 thời gian đầu và sau đó thả nổi thì sẽ không còn ý nghĩa, người vay sẽ đối diện với rủi ro về tài chính khi lãi suất biến động.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia kinh tế cũng kiến nghị thêm: "Tôi nghĩ rằng, 1 tỷ đồng để hỗ trợ vay mua NƠXH là quá thấp. Cần phải tăng mức từ 1 tỷ đồng lên 3 tỷ đồng đễ hỗ trợ vay mua NƠXH thì mới đáp ứng được môi trường hiện tại, cả về giá trị bất động sản cũng như là mức sinh sống của người lao động".
Bởi ông Hiếu đánh giá, một căn hộ chung cư tại Hà Nội phải có giá từ 3-5 tỷ đồng mới có diện tích tương đối là vừa phải để ở, đầy đủ tiện nghi. Còn nếu có chăng tìm được một căn hộ có mức giá 1 tỷ đồng, thì chắc chắn điều kiện vật chất đi kèm sẽ rất là èo uột, đời sống của người lao động sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Đồng thời, trước những khó khăn cản trở việc tiếp cận NƠXH của người lao động hiện nay, ông Hiếu kiến nghị cần phải cải thiện, nâng cao mức thu nhập của người dân. Mặc dù, từ 1/7/2024, Nhà nước đã ban hành chính sách tăng lương cho các cán bộ, công chức, viên chức, tuy nhiên đối với những người lao động tự do, làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Mặt khác, đối với họ, việc tăng lương tại thời điểm này rất khó để thực hiện được, bởi lẽ nhiều doanh nghiệp hiện vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu giải quyết được vấn đề về thu nhập này, người lao động có thể chạm tay tới NƠXH và thực hiện được giấc mơ an cư.