Lãi suất mua nhà tăng thêm 1,8%, chu kỳ tiền rẻ để mua nhà đang có sự thay đổi
(DNTO) - Mới đây, một số ngân hàng thương mại bắt đầu rục rịch tăng lãi suất cho vay mua nhà lên 0,5-1%/năm. Đáng chú ý, Ngân hàng Chính sách xã hội bất ngờ "mạnh tay" tăng lãi suất thêm 1,8%/năm. Các chuyên gia đánh giá, đây sẽ là áp lực lớn đối với người mua, lo ngại thời kỳ tiền rẻ sẽ sớm chấm dứt.
Lãi suất đột ngột tăng sốc
CBRE Việt Nam, đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản nhận định, lãi suất cho vay bất động sản hiện đang chịu áp lực tăng trở lại khi lãi suất tiết kiệm tăng. Từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay bất động sản có xu hướng tăng trở lại. Thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng nước ngoài rục rịch tăng lãi suất cho vay mua nhà cố định 1-3 năm đầu và lãi suất thả nổi lên 0,5-1%/năm
Đơn cử, ngân hàng Techcombank vừa thông báo tăng lãi suất thả nổi mua nhà thêm 0,5% so với thời điểm đầu năm. Theo đó, ngân hàng này áp dụng lãi suất cho vay thả nổi sau ưu đãi lên 9,5%/năm. Tương tự, Woori Bank có lãi suất vay cố định 2-3 năm đầu ưu đãi, dao động từ 5,9 - 6,1%/năm. Tuy nhiên, kể từ tháng 7, ngân hàng này cũng tăng lãi suất này lên 6,4 - 6,8%/năm.
Theo khảo sát lãi suất cho vay mua nhà tháng 8 phổ biến khoảng 5 - 7%/năm, áp dụng cho thời gian đầu ưu đãi. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất áp dụng từ 9,5 - 11%/năm.
Đặc biệt, trong công văn vừa gửi ngân hàng chính sách xã hội các tỉnh thành, Ngân hàng Chính sách xã hội nêu rõ, các khoản vay mua nhà ở xã hội trước ngày 1/8 từ 4,8% sẽ tăng thêm thêm 1,8%/năm, tức hiện nay mức lãi suất này sẽ áp dụng là 6,6%/năm.
Theo tính toán, với lãi vay 6,6%/năm, nếu hộ gia đình mua một căn hộ 50m2 với giá khoảng 1 tỷ đồng, nếu vay 800 triệu đồng sẽ phải trả lãi vay khoảng 52,8 triệu đồng/năm. Tổng chi phí chi trả tiền lãi và gốc từ 6,8 - 7,8 triệu đồng/tháng, trong thời gian dài từ 15 - 20 năm.
Đánh giá về động thái này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng việc áp dụng mức lãi suất vay 6,6%/năm là chưa phù hợp với bản chất khoản vay nhà ở xã hội và thậm chí cao hơn lãi suất cho vay của gói 30.000 tỷ đồng đã áp dụng trước đây chỉ là 5%.
Theo ông, lãi suất cho vay thuê, mua nhà ở xã hội ở một số nước phổ biến chỉ trên dưới 3%/năm. Trước đây, Thủ tướng cũng cho biết định hướng kéo giảm lãi suất xuống 4,8 - 5%/năm. Vậy nhưng, nay ngân hàng không những không giảm mà còn tăng. Điều này sẽ khiến nhiều người mua nhà ở xã hội vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội lo lắng.
“Chúng tôi đề nghị xem xét tiếp tục giữ nguyên mức lãi vay 4,8%/năm với khoản vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội để giúp tạo sự ổn định, nhất là trong lúc người mua nhà cũng còn đang gặp nhiều khó khăn”, ông Châu nêu.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản toàn cầu, cho rằng, khi lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến người vay mua nhà, với mức tăng gần 2% trong bối cảnh hiện nay là một gánh nặng rất lớn với những cặp vợ chồng có tổng thu nhập không vượt 30 triệu đồng/tháng.
"Với mức thu nhập này, nếu vay khoảng 1 tỷ đồng để mua nhà thì việc trả lãi là một áp lực lớn, tâm lí thị trường chưa kịp "mở" đã bị chùng xuống. Để thực sự giúp người thu nhập ở khu vực đô thị mua nhà ở xã hội, các ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ riêng. Hỗ trợ lãi vay mua nhà ở xã hội ở mức khoảng 5%/năm sẽ hợp lý hơn để tăng khả năng tiếp cận vốn của người mua nhà", ông Hiệp cho hay.
'Chỉ nên áp dụng cho các khoản vay mới, chưa giải ngân'
Thực tế, dù nhu cầu tìm mua nhà đã tăng lên đáng kể trong quý 2/2024 nhưng tỉ lệ thanh toán thành công vẫn chưa cao. Bởi nhiều lo ngại lãi suất ngân hàng tăng kéo theo mức lãi suất thả nổi cũng tăng mạnh nên chưa dám mạnh dạn vay.
Các chuyên gia đánh giá, lãi suất cho vay sẽ sớm tăng trở lại và thời kỳ tiền rẻ kết thúc. Bởi về lý thuyết, việc tăng lãi suất huy động có thể kéo lãi suất cho vay tăng lên, làm tăng chi phí vốn đối với các doanh nghiệp, tăng áp lực tài chính cho người vay.
"Thẳng thắng nhìn nhận việc giảm thêm lãi suất cho vay là rất khó, khi mà lãi suất huy động đang ngày càng tăng nóng ở hầu hết các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn có thể đưa lãi suất về mức thấp nhất có thể nếu tối ưu được chi phí kinh doanh", ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nhận định.
Đồng thời đề xuất, mức tăng lãi suất cần có lộ trình để tránh gây "sốc" cho người vay (mức tăng từ 4,8%/năm lên 6,6%/năm là tăng tới 38%). Đặc biệt, việc tăng lãi suất trước mắt chỉ nên áp dụng cho các khoản vay mới, chưa giải ngân.
Rõ ràng, trong bối cảnh hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, sự tăng trưởng của thị trường bất động sản được dự báo sẽ có tác động tích cực và hiệu ứng đến những ngành lĩnh vực khác, trong đó có hoạt động tín dụng ngân hàng. Vì vậy tín dụng phân khúc này tăng trưởng không chỉ thúc tăng trưởng tín dụng bất động sản mà còn có ý nghĩa xã hội rất lớn, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân và tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 có đạt được hay không phụ thuộc vào nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, trong đó có chính sách tín dụng. Lãi suất tín dụng cao thì người mua nhà vẫn không thể vay tiền mua nhà, và như thế dù có cải cách thủ tục thì vẫn không đạt mục tiêu.