Tiền dồi dào nhưng chứng khoán vẫn khó hút
(DNTO) - Điểm khó là làm có được yếu tố tích cực kích hoạt dòng tiền chứng khoán trong bối cảnh phần lớn nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý nghe ngóng và mùa báo cáo tài chính, đại hội cổ đông đang dần qua đi.
Dòng tiền lớn chờ gia nhập thị trường
Theo FiinTrade, số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán đạt hơn 100 ngàn tỷ đồng ở thời điểm cuối quý 1, tăng hơn 21 ngàn tỉ đồng so với cuối năm 2023, tương đương mức tăng 26%.
Soi vào báo cáo tài chính của Top 10 công ty chứng khoán dẫn đầu thị trường, theo tính toán của SSI Research, tổng số dư tiền gửi của nhà đầu tư tăng trên 32 so với quý 4/2023, vượt trội so với mức tăng trưởng 5,6% tiền gửi trung bình cả năm 2023.
Dẫn đầu như TCBS, tăng trưởng tiền gửi quý 1 tăng trên 55% so với cuối quý 4/2023 từ mức trên 5,7 ngàn tỷ đồng lên trên 8,9 ngàn tỷ đồng, tiếp đó là SSI với mức tăng gần 55%, VPS gần 52%. Dù vậy, không tránh khỏi một số công ty ghi nhận giảm, nhiều nhất như VND với tỷ lệ 9%, HCM hay Vietcap với mức giảm lần lượt 3% và 1,4%.
Trong khi đó, tăng trưởng dư nợ cho vay margin lại khá khiêm tốn khi 10 công ty dẫn đầu thị phần chỉ ghi nhận mức tăng trung bình 11% so với quý 4/2023, xấp xỉ mức tăng trung bình cả 4 quý của năm ngoái. Ở top dẫn đầu, TCBS chỉ đạt 19%, tăng nhẹ với mức 16% trung bình cả năm 2023; SSI là 16%, trong khi trung bình cả năm 2023 là 8,5%.
Tăng trưởng dư nợ margin trong tầm kiểm soát và đang yếu hơn so với tăng trưởng tiền gửi, cho thấy rủi ro khoản vay là ít. Đồng thời, dữ liệu cũng cho thấy, dòng tiền chưa thực sự hào hứng với thị trường. Có thể thấy rõ, một bộ phận lớn nhà đầu tư dù sẵn tiền nhưng vẫn trong tâm thế nghe ngóng chờ đợi, chỉ cần cơ hội sẽ nhanh chóng tham gia thị trường.
Điều này cũng được phản ánh tại diễn biến thanh khoản toàn thị trường trong tháng 4, khi giá trị giao dịch trên HoSE hạ nhiệt với mức trung bình 21,6 ngàn tỷ đồng mỗi phiên, giảm 19% so với trung bình tháng 3.
Tháng 4 cũng ghi nhận tình trạng rút ròng của các dòng vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam tiếp diễn. Các quỹ ETF rút gần 3 ngàn tỷ đồng, trong khi đó các quỹ chủ động rút khoảng 1,1 ngàn tỷ đồng.
Yếu tố nào sẽ khơi dòng tiền?
Hàng chục ngàn tỷ đồng đang chờ đợi cho thấy tiềm năng của thị trường tương đối lớn. Tuy nhiên để kéo được dòng tiền ấy gia nhập không phải dễ khi nhiều yếu tố vĩ mô, tiền tệ trong nước còn biến động, hệ thống KTX chưa đi vào hoạt động như kỳ vọng của nhà đầu tư, lực bán ròng khối ngoại tiếp diễn, giá vàng gia tăng và căng thẳng địa chính trị từ bên ngoài.
Chỉ số VN-Index cuối tháng 4 dừng tại mốc 1.209 điểm, giảm 5,8%. Câu chuyện từ kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp niêm yết hồi phục rõ nét và mùa đại hội cổ đông sôi động chưa thực sự kích hoạt mạnh dòng tiền, nhất là khi kỳ vọng của nhà đầu tư còn chưa rõ nét.
Sang tháng 5, tháng được mệnh danh Hiệu ứng Sell in May (bán vào tháng 5), SSI điểm mặt một vài yếu tố có thể kích hoạt dòng tiền chứng khoán bao gồm biến động về lãi suất, lạm phát và các thông tin chính sách từ Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khai mạc vào ngày 20/5 tới đây.
Hay với Agriseco, xu hướng phục hồi đang tiếp diễn trong quý 2, các chỉ số vĩ mô thuận lợi, tổng vốn FDI tăng và thương mại xuất khẩu tốt... được nhận định là những yếu tố thúc đẩy chứng khoán trong nước.
Về cơ bản, thanh khoản thị trường cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào xu hướng của chỉ số VN-Index, trong trường hợp chỉ số này tăng thì thanh khoản theo đó đi lên và ngược lại, nếu chỉ số này lình xình thì thanh khoản tiếp tục chững lại, trường vẫn khó phục hồi mạnh mẽ.
Tính từ đầu tháng 5 đến nay, chỉ số này bước đầu ghi nhận xu hướng tăng. Các chuyên gia đều kỳ vọng thị trường đang bước vào pha cuối của chu kỳ điều chỉnh, trước khi bước sang một giai đoạn tăng trưởng mới.