'Thúc' PMI từ lực kéo tại 'sân nhà'
(DNTO) - S&P Global vừa công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 4, khi giảm về mức 46,7 do 'lực kéo yếu' từ các thị trường xuất khẩu chủ lực. Bài toán trước mắt cần tập trung "đánh" vào thị trường trong nước để vực dậy chỉ số này.
Số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh
Ngày 4/5, báo cáo Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 4/2023, S&P Global đã công bố 3 điểm nhấn nổi bật là sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh hơn; việc làm giảm tháng thứ hai liên tiếp; chi phí đầu vào tăng chậm lại thành mức thấp của 35 tháng.
Cụ thể, theo dữ liệu của tháng 4, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm khi nhu cầu khách hàng vẫn yếu. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục suy giảm tháng thứ hai liên tiếp, và các công ty cắt giảm đáng kể việc làm cũng như hoạt động mua hàng.
Ở một diễn biến khác, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 4, khi giảm về mức 46,7 điểm so với 47,7 điểm của tháng 3. Chỉ số cho thấy các điều kiện kinh doanh giảm lần thứ năm trong sáu tháng qua, và lần giảm này là mạnh nhất trong năm tính đến thời điểm này.
Sản lượng ngành sản xuất giảm tháng thứ hai liên tiếp và tốc độ giảm được đánh giá là khá nhanh và mạnh so với tháng 3. Các công ty cho biết họ đã gặp khó khăn trong việc thu hút đơn đặt hàng mới trong tháng 4, đặc biệt là trong tình hình nhu cầu giảm sâu so với trước.
Những khó khăn trong việc thu hút đơn đặt hàng mới thể hiện ở tình trạng tiếp tục giảm của cả tổng số lượng đơn đặt mới và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới vào đầu quý 2. Tốc độ giảm tổng số lượng đơn đặt hàng mới đã nhanh hơn so với kỳ khảo sát trước, trong khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm với tốc độ chậm hơn.
Xu hướng cắt giảm nhân sự cũng đã thể hiện rõ hơn trong tháng 4. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng các nhà sản xuất tiếp tục giảm số lượng nhân viên, xuất phát từ cả tình trạng nghỉ việc không có người thay thế và việc cắt giảm việc làm do giảm khối lượng công việc. Hơn nữa, tốc độ giảm là mạnh nhất trong thời gian một năm rưỡi.
Thực tế, các doanh nghiệp cũng giảm mua hàng hóa đầu vào trong tháng 4, và đây là lần giảm thứ hai liên tiếp. Một số công ty cũng cho biết hoạt động vận tải cải thiện đã giúp nâng cao hiệu suất hoạt động của người bán hàng.
Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, đơn hàng tháng 4 vẫn khó, khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng đã giảm 7,3% so với tháng 3/2023 đạt 27,54 tỷ USD. Lũy kế 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 108,5 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ 2022 (tương đương mức giảm 14,5 tỷ USD).
Khan hiếm đơn hàng xuất khẩu, nên cả 5 nhóm hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD của nước ta đều ghi nhận mức sụt giảm từ 5,9 - 19,3% so với cùng kỳ.
Điện thoại và linh kiện giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 17,425 tỷ USD; Điện tử, máy tính và linh kiện 16,134 tỷ USD, giảm 8,9%; Máy móc thiết bị, dụng cụ PT khác 13 tỷ USD, giảm 5,9%; hàng dệt may 9,571 tỷ USD, giảm 19,3%; giày dép 6,13 tỷ USD, giảm 16,3%.
Với hoạt động mua hàng hóa đầu vào giảm, tồn kho hàng mua đã giảm lần thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, kỳ vọng tích cực về tương lai đã khuyến khích một số công ty tăng thêm hàng tồn kho, từ đó tốc độ giảm tổng thể chỉ là nhẹ. Tâm lý tích cực phản ánh hy vọng rằng tình trạng nhu cầu yếu kém hiện nay sẽ chỉ là tạm thời, và việc phục hồi sẽ diễn ra trong năm tới. Mặc dù vậy, mức độ lạc quan là thấp nhất trong năm tính đến thời điểm này.
"Ngành sản xuất của Việt Nam hiện có vẻ như đang đi qua một giai đoạn trì trệ khi các công ty gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn đặt hàng mới. Các nhà sản xuất đã bắt đầu hạ giá bán hàng để cố gắng kích thích nhu cầu, và áp lực chi phí giảm đã giúp họ giảm giá dễ dàng hơn. Trên thực tế, giá cả đầu vào đã tăng với tốc độ chậm nhất trong gần ba năm", ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận định.
'Lực kéo' từ thị trường nội địa
Các chuyên gia cho rằng, sự tụt giảm của PMI trong những tháng vừa qua có nguyên nhân phần lớn từ yếu tố ngoại cảnh. Còn ở trong nước, các chỉ số vĩ mô vẫn tốt và đảm bảo hỗ trợ cho sản xuất.
Cụ thể, thời gian qua, mặc dù xảy ra một số bất ổn trên thị trường vốn và thị trường bất động sản nhưng những bất ổn này không liên quan nhiều đến lĩnh vực sản xuất. Sự đứt gãy thanh khoản mặc dù có tác động nhất định nhưng không phải yếu tố lớn nhất và trực tiếp nhất tác động đến sản xuất.
"PMI có khởi sắc hay không chủ yếu trông chờ vào sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu. Ngoài ra, để cải thiện chỉ số này, Việt Nam cần chú trọng thị trường nội địa, đồng thời mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, hay nói cách khác là đa dạng hoá thị trường cho sản xuất", TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, nhận định.
Cụ thể, ông Bình cho rằng, để khắc phục sự giảm tốc của những thị trường xuất khẩu truyền thống thì cần thúc đẩy mở rộng các thị trường của các hiệp định thương mại mới ký kết. Từ khi hiệp định CTPPP có hiệu lực, chúng ta đã xuất khẩu mạnh sang một số thị trường mới như Canada, Peru, Mexico, Chi lê...
Hay đối với thị trường EVFTA, xuất khẩu của một số mặt hàng như sắt thép, cơ khí, điện tử vào thị trường này tăng từ 200 - 700% trong vòng 2 năm. Các nỗ lực đa dạng hóa thị trường sẽ hỗ trợ cho nền sản xuất và giảm bớt "độ xóc" của những biến động có tính chu kỳ hay có tính nhất thời về đơn đặt hàng mới, sản lượng, thời gian giao hàng, tồn kho và việc làm như thể hiện qua chỉ số PMI hiện nay.
"Chúng ta cần có biện pháp kích sức mua và thu nhập khả dụng của người dân, để về lâu dài thị trường trong nước trở thành thị trường trụ cột. Hiện "sân nhà" đã mang lại 220 tỷ USD, gần tiệm cận mức hơn 336 tỷ USD của thị trường xuất khẩu (năm 2021), do đó cần phải được đăc biệt chú trọng", ông Bình cho hay.