68% doanh nghiệp giảm đơn hàng và 23% chưa dự đoán được tình hình sắp tới
(DNTO) - Khảo sát nhanh của VCCI về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phía Nam ghi nhận, 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất thời gian tới. Thực tế này đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp cần nhận diện đúng, trúng các thách thức, để có các kịch bản ứng phó ngay từ bây giờ.
Tại tọa đàm “Dự báo Kinh tế - Vượt cơn gió ngược 2023”, ngày 27/12, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho hay, theo khảo sát nhanh của VCCI về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam vừa qua, kết quả ghi nhận có 9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tăng đơn hàng, 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới.
“Với những số liệu trên, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được khả quan trong tháng cuối năm 2022 và dự báo sẽ kéo dài đến ít nhất hết quý I năm sau. Những biến động khó đoán định của thị trường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động”, ông Võ Tân Thành chia sẻ.
Chỉ rõ những "cơn gió ngược" mà doanh nghiệp phải đối diện trong năm 2023, theo ông Thành đó là sự tái đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, sự bất ổn của giá hàng hóa, đặc biệt là giá hàng hóa đầu vào của mọi nền kinh tế, năng lượng - giá xăng dầu, kéo theo nguy cơ bất ổn về đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu...kéo theo bất ổn của các nền kinh tế lớn khi phải ứng phó với lạm phát tăng cao, hệ quả từ các vấn đề nêu trên, cộng hưởng cùng chính sách tiền rẻ và các gói hỗ trợ khổng lồ trong đại dịch, dẫn đến sự thắt chặt tiền tệ quá mức làm “đảo chiều” các dòng vốn đầu tư.
Nêu thêm những rào cản, ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI TP.HCM cho hay, dự báo tình hình xuất khẩu năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn khi gặp tác động của một số yếu tố như giảm cầu của thị trường thế giới, tỷ giá đồng ngoại tệ giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam. Đồng NDT được nới lỏng khiến hàng hoát xuất khẩu của Trung Quốc sẽ rẻ hơn và cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam...
Theo đó, để chủ động đối phó với những khó khăn trong năm 2023, doanh nghiệp cần phải nhận diện đúng, trúng các yếu tố thách thức, khó khăn, thực hiện các kịch bản ứng phó linh hoạt ngay từ bây giờ để thay đổi thị trường xuất khẩu, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới. Doanh nghiệp cần khai thác tốt các FTA hơn bởi hiện nay, việc tận dụng, khai thác các FTA vẫn còn kém.
Các cơ quan chức năng nên có định hướng cho doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới có lợi thế hơn. Phân tích về các thị trường cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam để doanh nghiệp có thêm thông tin để có thể khai thác tốt hơn, tạo thêm ưu thế. Qua các FTA thế hệ mới, đòi hỏi các doanh nghiệp có sự phát triển cao hơn như phát triển xanh, phát triển bền vững.
Ông Liêm kiến nghị, cần tận dụng các chương trình kích cầu nội địa và xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, do Việt Nam là nền kinh tế mở, kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP, để bù đắp cho sự thiếu hụt từ giảm cầu xuất nhập khẩu, chúng ta cũng cần hướng tới thị trường nội địa bằng cách tăng cường tiếp thị quảng bá cho các hội chợ…
“Nhà nước và doanh nghiệp cần quan tâm hơn về thị trường lao động. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực, sự ổn định nguồn lao động cũng là yếu tố quan trọng của sự phát triển của doanh nghiệp. Hiện VCCI đã có kiến nghị các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt là cần phải có nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ.
Ở góc độ vĩ mô, chính sách cần có dự báo để doanh nghiệp có thể lường trước được, tránh những chính sách giật cục, không kịp thời, không có tính thực tế, khả thi. Chính phủ và Quốc hội tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong năm 2023”, ông Liêm cho hay.
Còn theo ông Lâm Minh Chánh, chuyên gia Tài chính, Chủ tịch Học viện Kinh doanh & Tài chính BizUni, về vấn đề vốn năm tới đây, các doanh nghiệp muốn phát hành thêm cổ phiếu rất khó. Về phía ngân hàng, đến nay vẫn còn siết nhưng có thể nửa năm sau sẽ nhẹ nhàng hơn.
“Về quản trị tài chính cũng là bài toán cũ. Doanh nghiệp phải hết sức tiết kiệm, luôn phải có “lương khô” và quan trọng trong tài chính là giảm chi phí cố định, tăng chi phí biến động. Đơn cử như rủi ro đến từ dịch bệnh Covid-19, hay chiến tranh Nga-Ukraine, rủi ro lạm phát..., khi không bán hàng được thì chi phí cố định sẽ trở thành gánh nặng. Doanh nghiệp nên tập trung vào những gì mình có thể làm chuẩn nhất, còn lại là chuyển sang thuê mượn”, ông Chánh gợi mở.