PMI: Ngành sản xuất Việt Nam tháng 5 tăng trưởng yếu nhất trong 3 tháng do Covid-19
(DNTO) - Có những dấu hiệu cho thấy đợt bùng phát Covid-19 mới nhất ở Việt Nam đã kìm hãm tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất trong tháng 5.
Tốc độ tăng trưởng sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều chậm lại so với tháng trước, trong khi các công ty cho biết họ gặp khó khăn trong việc đáp ứng các đơn đặt hàng và mua nguyên vật liệu. Chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh đã làm giá bán hàng tăng ở mức mạnh nhất trong hơn một thập kỷ.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (Purchasing Managers’ Index PMI), ngành sản xuất Việt Nam đạt 53,1 trong tháng 5, giảm so với mức 54,7 điểm của tháng 4. Kết quả chỉ số mới nhất cho thấy các điều kiện kinh doanh cải thiện lần thứ sáu liên tiếp, và đây là mức cải thiện tốt mặc dù đã yếu hơn so với tháng trước.
Dữ liệu mới nhất và các số liệu thống kê chưa đầy đủ từ những người trả lời khảo sát cho thấy, đợt bùng phát trở lại mới đây của đại dịch Covid-19 đã kìm hãm tăng trưởng của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tại thời điểm giữa quý 2.
Tốc độ tăng sản lượng chậm lại thành mức thấp của ba tháng nhưng vẫn là mạnh khi số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng.
Tình trạng tương tự diễn ra với số lượng đơn đặt hàng mới, khi chỉ số này đã tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 2, nhưng đã là tháng tăng thứ chín liên tiếp. Số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài cũng tăng mạnh khi một số thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Bình luận về kết quả khảo sát mới đây, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, nói: “Những thách thức liên quan đến đại dịch Covid-19 đã trở lại với lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 5, khi một đợt bùng phát mới đã cản trở hoạt động sản xuất. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều tăng chậm hơn, trong khi những khó khăn trong việc giải quyết các đơn đặt hàng dẫn đến lượng công việc tồn đọng tăng với một trong những tốc độ cao nhất trong hơn mười năm thu thập dữ liệu”.