Chi phí sản xuất linh kiện của Việt Nam cao gấp 2-3 lần các nước khu vực
(DNTO) - Do phải nhập khẩu nguyên liệu, hạn chế về kinh nghiệm và năng lực quản trị sản xuất nên chi phí sản xuất linh kiện của Việt Nam cao gấp 2-3 lần so với các nước trong khu vực.
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, tại Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ô tô, giữa Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, hai bên mong muốn mở rộng và thiết thực hoá các hoạt động hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong ngành ô tô. Việc hợp tác được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực, góp phần nâng cao năng lực, tăng khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam.
Hiện nay, ngành chế biến chế tạo ở Việt Nam vẫn đang phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI, CNHT trong nước chưa thực sự phát triển, do đó, nguồn cung cho các doanh nghiệp FDI cũng phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu.
Thực trạng này đã được Ngân hàng Thế giới chỉ ra và coi là điểm nghẽn “nền kinh tế kép” của Việt Nam, các doanh nghiệp FDI không tận dụng được nguồn cung trong nước để cắt giảm chi phí sản xuất, và ngược lại các doanh nghiệp trong nước cũng không tận dụng được sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, thực trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng trong dài hạn.
“Phát triển CNHT, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI có chiến lược phát triển lâu dài và hình thành chuỗi cung ứng trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam trong dài hạn”, ông Tuấn Anh chỉ rõ.
Về phía góc nhìn của một trong những doanh nghiệp đầu chuỗi ngành ô tô, Tổng Giám đốc Công ty Ô tô Toyota Việt Nam - Hiroyuki Ueda chia sẻ, Việt Nam có lợi thế của ngành CNHT chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, giá nhân công thấp.
Tuy nhiên, hiện nay ngành CNHT Việt Nam đang gặp khó khăn để phát triển do sản lượng nhỏ; Công nghiệp vật liệu chất lượng cao chưa có nên nguyên liệu phải nhập khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế về mặt kinh nghiệm và năng lực quản trị sản xuất. Do đó, chi phí sản xuất linh kiện của Việt Nam cao hơn nhiều (gấp 2-3 lần) so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, ông Hiroyuki Ueda cũng có những chia sẻ thêm về những hỗ trợ của Toyota đối với các doanh nghiệp CNHT, góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hoá. “Hiểu được những khó khăn của các nhà cung cấp trong việc nâng cao năng lực để tham gia vào chuỗi cung ứng, năm 2018, Toyota đã thành lập bộ phận chức năng chuyên trách, đào tạo và phát triển nhân sự cho nhà cung cấp, tính đến nay chúng tôi đã có 46 nhà cung cấp nội địa, trong đó có 6 nhà cung cấp thuần Việt”, ông Hiroyuki Ueda cho biết.
Nhận thức được sự cần thiết đối với sự phối hợp giữa hai bên, cụ thể là giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, hai bên bày tỏ mong muốn hợp tác tích cực trong việc xây dựng hệ thống các nhà cung cấp, đóng góp vào sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam.
Những kết quả ban đầu đạt được từ việc thực hiện các nội dung thoả thuận trong Biên bản ghi nhớ ký kết năm 2020, giữa Cục Công nghiệp và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam là minh chứng cho nỗ lực của cả hai bên trong việc hình thành và phát triển mạng lưới doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô./.