Thị trường Hoa Kỳ: ‘Miếng phomat’ vẫn khó ăn
(DNTO) - Việc duy trì xuất khẩu sản phẩm tươi sống, gia công khiến doanh nghiệp Việt phụ thuộc lớn vào vấn đề logistics và mùa vụ, gián tiếp đẩy cơ hội cho các nước đối thủ khi tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.
Điểm yếu của hàng Việt vẫn nằm ở khâu chế biến
Với dân số đông hơn 333 triệu người cùng với thói quen chi tiêu mạnh tay ngay cả khi lạm phát leo thang, thị trường tiêu dùng Mỹ đang là mảnh đất màu mỡ được nhiều nước xuất khẩu nhắm tới, trong đó có Việt Nam.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung và sự chuyển dịch chiến lược nhập khẩu của Mỹ về các thị trường mới nổi, nên đã vươn lên thành đối tác nhập khẩu lớn thứ 6 của nước, với gần 86 tỷ USD.
Mặc dù thứ hạng trên của Việt Nam đã cao hơn Hàn Quốc (78 tỷ USD) và Ấn Độ (53 tỷ USD), tuy nhiên, so với các cường quốc hàng đầu thế giới về xuất khẩu vào Hoa Kỳ như Trung Quốc (453 tỷ USD), Mexico (328 tỷ USD), Việt Nam còn bị bỏ lại rất xa.
Ví dụ trong một mặt hàng truyền thống và thế mạnh của Việt Nam là rau củ, mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng dần qua từng năm, từ 126 triệu USD (2018) đến 168 triệu USD (2020) và đến tháng 7/2021 là 134 triệu USD, tăng hơn 49% so với cùng kì; tuy nhiên, so với tổng lượng nhập khẩu rau củ quả của Mỹ trong năm 2020 là 14,1 tỷ USD, lượng xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 1%.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng chi nhánh Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Houston (Texas, Hoa Kỳ) cho biết, vùng phía Nam Hoa Kỳ có khí hậu tương đồng với nhiều vùng ở Việt Nam, vì vậy cũng trồng được một số loại trái cây nhiệt đới. Do vậy, nếu doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tươi vào đúng mùa vụ của các vùng này sẽ gặp một số cản trở, do Liên bang đưa ra quy định hạn chế nhập khẩu để tạo thuận lợi cho nông dân của họ.
“Hiện dây chuyền chế biến sản phẩm đang rất thông dụng ở các nước như Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc. Đó là lý do vì sao họ nhập rất nhiều sản phẩm tươi sống từ các nước, sau đó chế biến, đóng gói và tái xuất sang các nước khác.
Nhưng dây chuyền chế biến lại là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam, nên buộc phải xuất khẩu sản phẩm tươi sống ngay khi thu hoạch, dẫn đến việc phụ thuộc vào các vấn đề logistics và mùa vụ. Ở khu vực phía Nam Hoa Kỳ có hệ thống các nhà hàng, họ tiêu thụ sản phẩm chế biến thay vì sản phẩm tươi. Doanh nghiệp Việt nên nghiên cứu phát triển sản phẩm đóng hộp, chế biến”, ông Quyền cho biết trong Hội nghị kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Âu Mỹ, sáng 12/11.
Tận dụng sức mạnh của cộng đồng
Nói thêm về những thách thức của hàng Việt tại thị trường Hoa Kỳ, ông Nguyễn Đình Phú, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ cho biết, dù quan hệ thương mại hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thị trường Hoa Kỳ là cơ hội cho Việt Nam nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho các thị trường khác như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, những nơi có văn hóa tương đồng với nước ta.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp từ các nước này mạnh về vốn, công nghệ, có chuỗi phân phối rất rộng, ổn định, lâu đời. Đặc biệt, những doanh nghiệp gốc Hoa, Nhật, Hàn, họ có cộng đồng đoàn kết, gắn bó, có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ cho doanh nghiệp của họ, sẽ là lực cản lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập.
“Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập thị trường Hoa Kỳ cũng nương vào các hệ thống phân phối do người Hoa hoặc người Việt gốc Hoa làm chủ”, ông Phú nói.
Cũng theo vị này, sau nhiều năm Việt Nam thúc đẩy giao thương với Hoa Kỳ, ngoài một số mặt hàng truyền thống thì khả năng đa dạng hóa sản phẩm của doanh nghiệp Việt để đáp ứng nhu cầu thị trường còn chưa lớn. Vì vậy, ngoài những mặt hàng đã quen thuộc như hoa quả tươi, đồ chế biến khô, thủy sản, doanh nghiệp cần tập trung khai thác những đặc sản chế biến mang tính vùng miền, nhất là đặc sản khu vực phía Bắc, miền Trung.
Ngoài ra, cần đa dạng hóa các mặt hàng y tế, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp…; các nhóm hàng phục vụ thể thao, văn hóa, học tập, du lịch… cần được nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số trẻ trong cộng đồng gốc Á tại Mỹ.
Bên cạnh khai thác thị trường gốc Á, ông Phú cũng khuyến nghị doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu khai thác thị hiếu của người gốc Latinh, đặc biệt là người Mexico vì đây là cộng đồng lớn, có nhu cầu tiêu dùng cao và khá dễ tính so với các người tiêu dùng da trắng.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ cũng cho biết, hiện cộng đồng thương nhân gốc Việt tại Mỹ đang ngày càng lớn mạnh, là cầu nối giao thương giữa Việt Nam và Mỹ. Theo thống kê, người Việt đứng thứ 3 về số doanh nghiệp trong nhóm gốc Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ, với 310.000 cơ sở kinh doanh, tạo ra 35 tỷ USD/năm.
Đặc biệt, ngày càng có nhiều doanh nhân gốc Việt về Việt Nam đầu tư, hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực chế biến nông sản, dệt may, đầu tư công nghệ cao, phần mềm; nhiều quỹ đầu tư khởi nghiệp do doanh nhân người Việt điều hành cũng chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên tích cực tận dụng các kênh xúc tiến thương mại hiện có, trong đó, kết nối với các hiệp hội doanh nhân gốc Việt tại Hoa Kỳ trong các hoạt động xúc tiến giao thương, triển lãm.