Thị trường hàng hóa tháng cuối năm: Sức mua liệu có như mong đợi?
(DNTO) - Từ mức “đáy” của cùng kỳ năm trước, sức mua của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm nay đã bật tăng mạnh mẽ. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp, ngành hàng trong mảng bán lẻ, tiêu dùng kỳ vọng sẽ có tăng trưởng “nóng” khi bước vào quý 4 - được xem là "mùa cao điểm" tiêu dùng cuối năm.
Ngành hàng "thay áo" mới
Bức tranh thị trường hàng hóa 9 tháng năm 2022, mặc dù chịu tác động bất lợi của thị trường thế giới, song nhìn chung đã được vẽ bằng những gam màu lạc quan khi gây ấn tượng mạnh về chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 9 ước đạt hơn 493 nghìn tỷ đồng, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 1,9%, tập trung chủ yếu vào nhóm lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, phương tiện đi lại (tăng 2,2-2,6%); nhóm dịch vụ lưu trú ăn uống tăng nhẹ (1,3%), nhóm du lịch lữ hành giảm 0,3% do nhu cầu giảm khi hết thời gian nghỉ hè và thời tiết mưa bão tại nhiều nơi; riêng nhóm các dịch vụ khác có mức tăng khá 12,6%.
Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 5%), trong đó, quý 1 tăng 5%, quý 2 tăng 20,1% và quý 3 tăng 41,7%.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã đạt hiệu quả kinh doanh vượt giai đoạn trước đại dịch trong khi những doanh nghiệp bán lẻ quy mô lớn có tốc độ phục hồi, tăng trưởng đáng kể. Đây là dư địa để các nhà bán lẻ tăng khuyến mãi, hỗ trợ người tiêu dùng khi vật giá leo thang.
Như vậy, sau 2 năm "nằm đáy" sức mua của nền kinh tế đã lột xác mạnh. Đây là một động lực quan trọng cho sản xuất - kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nổi bật là doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2022 của một số địa phương tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Khánh Hòa tăng 60,8%; TP.HCM tăng 57,2%, Bình Dương tăng 43,0%; Cần Thơ tăng 41,1%; Hà Nội tăng 40,4%; Đà Nẵng tăng 39,5%; Hải Phòng tăng 31,2%; Quảng Ninh tăng 27,3%...
Đánh giá về sự phục hồi của doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, những chính sách mở cửa, các gói kích cầu cũng như trợ lực cho doanh nghiệp, người tiêu dùng như giảm thuế VAT đã giúp cho doanh nghiệp và nền kinh tế lấy lại cân bằng nhanh chóng.
Từ những triển vọng "sáng" trên, có thể dự báo cả năm nay mức tăng trưởng của bán lẻ dịch vụ sẽ dao động trong khoảng 14 đến 17%. Trong đó, sức mua của người tiêu dùng 3 tháng còn lại của năm nay sẽ tăng cao hơn những tháng của quý 2, quý 3/2022.
Nhiều cơ sở để khẳng định điều đó, bởi bối cảnh những tháng cuối năm sẽ là "cao điểm nóng" mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm, là dịp để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Điểm thuận lợi lúc này là giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng giảm, vì vậy nhiều doanh nghiệp đã tăng thu mua nguyên liệu, bằng cách đa dạng thêm nhà cung cấp và tối ưu hóa chi phí để sẵn sàng đón đầu nhu cầu tiêu dùng trong giai đoạn nước rút.
Đơn cử, từ tháng 9, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh đã chủ động làm việc với nhà cung cấp, tích trữ hơn 1.000 tấn gạo và nhập khẩu gần 500 tấn lúa mì. Việc chủ động tích trữ sớm giúp doanh nghiệp tránh được biến động về giá nguyên, vật liệu, biến động tỷ giá.
Sản lượng bún, phở, bánh tráng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu cuối năm dự báo tăng khoảng 30%, do đó theo đại diện doanh nghiệp, chuẩn bị nguồn nguyên liệu như thế nào để tham gia bình ổn, đối với doanh nghiệp là không lỗ, còn người tiêu dùng thì giá không biến động cao.
"Nếu không ổn định sản xuất về nguồn nguyên liệu thì sẽ khó bán được hàng, nhưng hiện tại mình tăng thêm số lượng nhà cung cấp, chủ động được nguồn nguyên liệu", ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh, cho biết.
Còn theo nhận định vừa đưa ra từ Công ty nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield (C&W), trong 3 tháng cuối năm, với nhiều sự kiện lễ hội nối đuôi chương trình khuyến mãi hấp dẫn như Black Friday, Lễ độc thân 11/11, Giáng Sinh, Tết sẽ tạo ra “làn sóng mua sắm” với dự kiến số lượng đơn hàng về phụ kiện trang trí, thời trang, thực phẩm cho tiệc như bánh kẹo và nước uống, mỹ phẩm, điện tử, công nghệ, hàng tiêu dùng… sẽ tăng trưởng nóng.
Kỳ vọng tăng trưởng 'nóng' có như mong đợi?
Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc C&W Việt Nam, dịp cuối năm âm lịch là thời điểm tăng trưởng bứt phá của ngành dịch vụ bán lẻ, thông thường có thể chiếm đến 30% doanh số cả năm.
"Nên nhớ, thời điểm khách hàng "chốt đơn" chính là lúc cuộc đua giao hàng của các nhà bán lẻ và sàn thương mại điện tử (TMĐT) bắt đầu. Theo đó, để tối đa hiệu quả sức mua, các nhà bán lẻ và vận hành sàn TMĐT sẽ phải cực kỳ linh hoạt trong chuỗi hậu cần để đáp ứng nhu cầu theo lịch các dịp lễ hội, khuyến mại vào cuối năm", bà Trang nhấn mạnh.
Nêu quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, cho rằng, điều quan trọng là hệ thống phân phối quốc gia, các kênh bán lẻ, các nhà sản xuất nhập khẩu hàng hoá có chuẩn bị hàng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hay không? Có tổ chức phục vụ bán ra, nhất là các thời điểm sức mua tăng cao?
"Để bắt trúng sức mua trong dân, mấu chốt ở chỗ các nhà kinh doanh bán lẻ có dự báo được nhu cầu thực sự có khả năng thanh toán trong các tầng lớp dân cư hay không? Từ nay đến cuối năm nếu giá xăng dầu tương đối ổn định như trong tháng 9, giá điện chưa thay đổi, cung cầu hàng hoá nhất là hàng nông sản thực phẩm duy trì ở một mức giá hợp lý, lưu thông được thông suốt và thị trường không có những đột biến lớn thì khả năng CPI cả năm nay sẽ ở mức 3,7 đến 3,8% so với năm 2021", ông Phú nhận định.
Ngoài ra, cơ hội sẽ đến nhiều hơn với những doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu, hay các sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ cao theo mùa vụ cuối năm, nhưng doanh nghiệp cần tạo sự hiệu quả trong kênh phân phối của mình. Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng, nên rất cần sự hỗ trợ từ phía ngân hàng nhằm giúp doanh nghiệp khai thác vốn vay để mạnh dạn đầu tư cho quý cuối năm.
"Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối chính của nền kinh tế, thực hiện tốt chính sách tài khoá và tiền tệ, đẩy mạnh đầu tư công cải cách hành chính...tất cả suy nghĩ và hành động tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp, chắc chắn chúng ta sẽ đạt mức tăng trưởng như mong đợi, làm tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ hơn những năm tiếp theo", ông Phú nhìn nhận.