Thể chế tốt sẽ khai thông nguồn lực, giúp tiền đẻ ra tiền

(DNTO) - "Để phục hồi và phát triển nền kinh tế thì tiền bạc là quan trọng. Nhưng điều còn quan trọng hơn tiền bạc là thể chế. Thể chế tốt có thể khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn thể chế tồi thì “có tiền cũng không tiêu được”, Đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ quan điểm.

PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore, cho rằng cải cách thể chế là yểm trợ cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Bàn về câu chuyện cải cách thể chế nhằm tạo lực đẩy cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tại Tọa đàm Kinh tế việt Nam vượt những "cơn gió ngược", diễn ra hồi tháng 10 mới đây, ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, cho hay chúng ta đã và đang nỗ lực rất nhiều trong việc cải cách thể chế. Tuy nhiên, yêu cầu, đòi hỏi về cải cách thể chế hiện nay phải cao hơn, quyết liệt hơn bởi chúng ta đang ở trong bối cảnh mới.
"Ví dụ như trong bối cảnh hiện nay, việc cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh đòi hỏi phải nhanh hơn, hiệu quả hơn, thì những vấn đề về thủ tục phải khác để đáp ứng với sự thay đổi, linh hoạt, chuyển biến trong kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phải cải cách thể chế một cách phù hợp, bởi nếu như cải cách không phù hợp, chúng ta đặt ra một điều kiện, yêu cầu quá cao khiến cho doanh nghiệp không thể thực hiện, đáp ứng được thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và không đạt được hiệu quả, kết quả như chúng ta mong muốn", ông Hiếu phân tích.
Nêu quan điểm của mình, PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore, cho rằng cải cách thể chế là yểm trợ cho doanh nghiệp, tức là xem doanh nghiệp có vấn đề gì để yểm trợ doanh nghiệp đi lên. Ngoài ra, là nâng cao sức cạnh tranh, không phải chỉ từng doanh nghiệp hạ giá thành mà cả hệ thống mới cạnh tranh được…
Đóng góp ý kiến để phục hồi và phát triển kinh tế, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 1/11, Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay vẫn là phải tiếp tục đẩy mạnh những cải cách thể chế, để đơn giản hoá các thủ tục hành chính, khắc phục những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập và nhất là thiếu minh bạch đang gây rủi ro cho người thực hiện.
Ông cũng đề nghị cần nghiên cứu và đặt ra giới hạn để tần suất, phạm vi các cuộc thanh tra, kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể yên tâm tập trung nỗ lực để giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, ông Vũ Tiến Lộc cho biết thêm, cần bổ sung ngay chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, đồng thời phải triển khai thiết thực, tận tâm các biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ đang làm vì lợi ích chung, trong đó có yêu cầu phải luật hóa qua các quy định về vấn đề này. Trong thời điểm khủng hoảng thì giải pháp kinh điển trực diện có thể phát huy hiệu quả trực tiếp, nhanh nhất là hoạt động "bơm" tiền của nền kinh tế.
“Nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay mà chúng ta cần quan tâm giải quyết chính là tình trạng “có tiền mà không tiêu được”. Chừng nào vẫn còn tình trạng này, thì chừng đó chúng ta khó có thể hy vọng vào sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế trong thời gian tới”, Đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ.
Đặc biệt, ông Lộc đặt vấn đề thể chế trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước cơ hội có thể trở thành điểm đến tin cậy cho các cuộc đối thoại hòa bình và các dòng chảy thương mại và đầu tư có chất lượng cao trong nền kinh tế toàn cầu. Không chỉ ngành công nghiệp chip bán dẫn, mà nhiều ngành kinh tế khác như nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, thương mại, du lịch, dịch vụ và an sinh xã hội… cũng đều có cơ hội phát triển bùng nổ.
Theo vị Đại biểu Quốc hội, để tận dụng tốt cơ hội này, sự chuẩn bị của chúng ta về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực giữ vai trò quyết định...
Về thể chế, ông Lộc cho rằng bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chúng ta cần có chiến lược và chính sách đột phá để phát triển các ngành kinh tế trong bối cảnh mới, để không lặp lại tình trạng sau mấy chục năm mở cửa và hội nhập, mà các ngành công nghiệp chủ lực của chúng ta như ô tô, điện tử, dệt may, da giày, thậm chí cả nền nông nghiệp… của chúng ta về cơ bản, vẫn chỉ dừng lại ở công đoạn lắp ráp, gia công”, đại biểu nhấn mạnh.
"Thực tế cho thấy, nếu tham gia vào các chuỗi giá trị thế giới, ngay cả trong những ngành công nghiệp đỉnh cao và có tiềm năng, như chip bán dẫn, mà trong thời gian 10-15 năm tới Việt Nam vẫn chỉ đảm nhận khâu gia công, đóng gói… thì đất nước không thể vượt bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia phát triển...", ông Lộc thẳng thắn chỉ ra.