‘Ít nhất 2 năm tới không nên ban hành những chính sách làm tăng chi phí cho doanh nghiệp’
(DNTO) - Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng việc cải cách thể chế tạo ra dư địa “vô hạn” để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Không nên thêm gánh nặng cho doanh nghiệp
Kết thúc 1,5 ngày thảo luận trên nghị trường Quốc hội, rất nhiều vấn đề đã được làm rõ như doanh nghiệp đang gặp khó khăn ở đâu, khó khăn như thế nào và tại sao. Rất nhiều những kiến nghị, giải pháp được đưa ra để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong chương trình Đối thoại đầu tuần "Doanh nghiệp đón chờ quyết sách nhanh, đủ mạnh từ nghị trường", ngày 5/6, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết bối cảnh khó khăn bủa vây, rất chia sẻ với Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương trong việc tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp một cách phù hợp, kịp thời. Đây cũng là thách thức chứ không phải công việc dễ dàng khi nhu cầu ngày càng nhiều, nguồn lực hạn chế.
Hiện nay, với những khó khăn của doanh nghiệp, ông Hiếu cũng đồng ý với cử tri là mong muốn Chính phủ suy nghĩ về những giải pháp hỗ trợ dòng tiền, để ít nhất doanh nghiệp có thể cầm cự trong giai đoạn khó khăn, chờ khi thị trường trở lại để phục hồi. Nếu không cầm cự được mà rút lui khỏi thị trường thì cơ hội cũng mất.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho biết ông quan tâm hơn đến những giải pháp không đòi hỏi nguồn lực tài chính. Bởi bên cạnh khó khăn về dòng tiền, doanh nghiệp cảm nhận nhiều vướng mắc về pháp lý, thể chế, khiến một số hoạt động kinh doanh không tiếp tục được triển khai hoặc trì hoãn.
Xuất hiện lo lắng về một số thể chế mới được ban hành có thể tạo ra gánh nặng về chi phí. Ví dụ việc 14 hiệp hội doanh nghiệp mới đây có đơn bày tỏ sự lo ngại về mức chi phí tái chế rất cao, chưa hợp lý trong Dự thảo quy định mức chi phí tái chế.
“Theo cá nhân tôi, ít nhất trong 2 năm tới Chính phủ không nên ban hành những chính sách làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Trong trường hợp phải ban hành vì yêu cầu của Luật và cam kết quốc tế, Chính phủ nên suy nghĩ cơ chế hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp trong tuân thủ các quy định. Tôi cho rằng đây là cách hỗ trợ thiết thực nhất.
Trong nghị trường hiện nay chưa thảo luận đến vấn đề là chúng ta đang gặp những thách thức từ bên ngoài. Ví dụ thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu, thuế carbon… tác động rất lớn đến doanh nghiệp. Tôi rất mong muốn Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định mới để tăng năng lực cạnh tranh, ví dụ hỗ trợ trong việc kiểm đếm CO2 để họ có cơ sở xuất khẩu”, ông Hiếu đề xuất.
Cải cách thể chế là không gian vô hạn để giúp doanh nghiệp
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam cho biết, Chính phủ đã kịp thời ra các chương trình hỗ trợ như giảm thuế VAT hay các chương trình hỗ trợ người lao động, giãn hoãn thuế..., nhưng để doanh nghiệp và người lao động tiếp cận còn thách thức lớn.
Trước hết về nguyên nhân, thủ tục quy định khá rườm rà và rất nhiều thủ tục không cần thiết. Doanh nghiệp để thực hiện thủ tục cũng phải tốn thời gian, nguồn lực mà chưa chắc đã được. Chưa kể, sau khi nhận khoản hỗ trợ đó thì hậu kiểm cũng rất vất vả, trong khi đơn hàng phải lo đủ thứ về thị trường, đơn hàng.
“Học tập kinh nghiệm của các nước, khi đã cứu trợ thì phải nhanh chóng và kịp thời. Đơn giản hóa các thủ tục, sau đó sẽ hậu kiểm. Những doanh nghiệp gian lận, lợi dụng chính sách sẽ phải chịu trách nhiệm như truy thu thuế hay bị phạt… Như thế chúng ta mới có thể cứu ngay được. Giờ lo thủ tục mất rất nhiều thời gian thực hiện, nguồn tiền đó nếu có về doanh nghiệp đã qua thời gian khó khăn thì thực sự không hiệu quả. Doanh nghiệp là người muốn được cứu và họ hiểu hơn ai hết trách nhiệm của họ. Nếu doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, chân chính, có chiến lược dài hơi, không bao giờ họ tìm cách gian lận hay trục lợi cả”, bà Xuân nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu cho biết quá trình vừa qua, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ mà vị này gọi là "những chính sách, thủ tục bằng 0", tức những thủ tục tự động như chính sách hỗ trợ người lao động, giãn hoãn thuế, hầu hết đi vào cuộc sống rất nhanh, doanh nghiệp đánh giá cao. Nhưng những chính sách đòi hỏi làm thêm về thủ tục như tiếp cận lãi suất… thì tốc độ giải ngân hạn chế hơn rất nhiều.
Khảo sát mới đây của Ban Kinh tế Tư nhân với 10.000 doanh nghiệp cho thấy hơn 59% doanh nghiệp khó khăn đơn hàng, hơn 51% khó khăn khi tiếp cận vốn vay, hơn 45% khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính và quy định pháp luật, cùng nỗi lo nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế 31,1%. Đáng chú ý, 84% doanh nghiệp đánh giá sự điều hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương kém hiệu quả.
Ông Phan Đức Hiếu cho biết, nhìn về mặt hành động, cả Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành, địa phương đều đang rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhưng nhìn ở góc độ doanh nghiệp, họ vẫn chưa cảm nhận được sự cải thiện.
Cải cách thể chế luôn là một trong những đột phá chiến lược, trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Đảng. Nhưng cần chương trình hành động cụ thể để thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội
“Có thể chúng ta đang làm nhưng cách làm đã phù hợp chưa. Thước đo là cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp. Chính sách tài khóa còn dư địa nhưng còn phụ thuộc vào các cân đối vĩ mô khác. Nhưng nếu chúng ta tập trung cải thiện môi trường kinh doanh thì nó là vô hạn, tức nếu chúng ta có không gian rất rộng để làm thì thậm chí có thể làm tốt hơn sự mong đợi của doanh nghiệp”, ông Hiếu cho biết.