Chuyên gia: Làm sao để khuyến khích người Việt lập càng nhiều doanh nghiệp càng tốt
(DNTO) - TS. Nguyễn Tú Anh, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần giảm chi phí thành lập và hoạt động doanh nghiệp, đặc biệt là giảm rủi ro cho hoạt động doanh nghiệp để khuyến khích người Việt Nam thành lập doanh nghiệp.
Quan ngại về mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp
5 tháng đầu năm, cả nước có 95.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới giảm 25,3% so với cùng kỳ năm. Đây là mức thấp nhất trong giai đoạn 5 tháng đầu năm kể từ 2019 đến nay. Song song với đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 88.000, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, theo Tổng cục Thống kê.
Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, cả nước có khoảng hơn 857.000 doanh nghiệp. Với tình hình kinh tế khó khăn kéo dài cả bên trong và bên ngoài, theo TS. Nguyễn Tú Anh, Chuyên gia kinh tế, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương,với tốc độ như vậy, khả năng đạt 1.5 triệu doanh nghiệp vào 2025 là vô cùng khó, nếu không muốn nói là bất khả thi.
Bởi điểm nghẽn của các doanh nghiệp hiện nay là chi phí tiếp cận vốn cao hay việc tiếp cận các nguồn lực như đất đai khó khăn. Khi chi phí cao thì rủi ro cũng cao. Đó là những điều các chuyên gia luôn trăn trở để đạt mục tiêu phát triển 1,5 triệu doanh nghiệp.
Ông Tú Anh so sánh, Thái Lan dân số 70 triệu người nhưng có hơn 3,2 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Trong khi Việt Nam gần 100 triệu người nhưng chưa đạt được 1 triệu doanh nghiệp. Rõ ràng, để tạo ra giá trị cho nền kinh tế, doanh nghiệp là động lực chủ đạo. Nhưng cần nhìn ở góc độ hệ thống khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam hoạt động đang có vấn đề.
“Người Việt không phải không có mong muốn làm giàu. Tinh thần doanh nhân của Việt Nam được World Bank đánh giá là khá cao, nhưng tại sao doanh nghiệp của chúng ta ít. Rõ ràng nếu tôi có tiền, tôi có để vào những chỗ an toàn, mức lợi nhuận có thể chấp nhận được thì tôi sẽ lựa chọn đầu tư an toàn, hơn là đầu tư doanh nghiệp mà rủi ro có thể khiến tài sản bị mất hết.
Vì vậy, làm sao để giảm chi phí thành lập và hoạt động doanh nghiệp, đặc biệt là giảm rủi ro cho hoạt động doanh nghiệp. Làm được vậy mới khuyến khích người Việt Nam thành lập doanh nghiệp. Càng nhiều doanh nghiệp thì cơ hội phát triển kinh tế của ta càng cao”, ông Tú Anh nhấn mạnh.
Kinh tế sẽ thiết lập lại ở mức cân bằng thấp
TS. Nguyễn Tú Anh cho biết ngay từ quý 1, những dấu hiệu khó khăn của nền kinh tế đã xuất hiện và sang tháng 4, tình hình cũng không cải thiện nhiều. Chỉ số đầu tiên có thể nhìn thấy là Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI luôn dưới ngưỡng 50 điểm từ tháng 11 năm ngoái. Điều này cho thấy ngành chế biến chế tạo sụt giảm mạnh. Chỉ số này tương đương với chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm chỉ bằng 98% cùng kì năm trước.
Trong nước, khó khăn bộc lộ ở ở các mảng. Nhu cầu đầu tư – tiêu dùng thường biểu hiện lớn ở nhu cầu tín dụng. Nhưng trong 4 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,04%, chưa bằng một nửa của cùng kì năm trước 7,24%. Điều này cho thấy cầu rất yếu ở thời điểm hiện nay. Các doanh nghiệp thâm dụng lao động đang gặp khó khăn rất lớn về đơn hàng dẫn đến sa thải lao động.
“Liệu đây có phải một cú sốc sau đó sẽ quay trở lại trạng thái bình thường, hay là cú sốc để tạo lập trạng thái cân bằng mới ở mức thấp hơn cho kỳ vọng của chúng ta. Điều này chúng ta phải theo dõi”, ông Tú Anh nói.
Vị chuyên gia kinh tế cũng cho biết, so với giai đoạn 2019-2011, khi nội tại nền kinh tế, hệ thống tổ chức tín dụng suy yếu, có nguy cơ đổ vỡ, cần tập trung xử lý. Nhưng thời điểm này, Việt Nam may mắn khi các yếu tố bên ngoài như xuất khẩu tăng trưởng trên 2 con số và đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng khá. Điều này tạo nên trụ đỡ để cơ cấu lại nền kinh tế trong nước.
Nhưng rõ ràng hiện nay, chúng ta gặp khó khăn trong nước. Thị trường vốn, bất động sản vẫn còn những khó khăn chưa giải quyết được, ảnh hưởng đến niềm tin. Bên ngoài, vốn FDI cam kết đầu tư giảm 17%, xuất khẩu giảm 13%, nhập khẩu giảm 17,7%, trong đó các doanh nghiệp FDI nhập khẩu giảm 18,3%, đây là nhóm doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu để sản xuất, khi nhập khẩu nguyên liệu giảm cho thấy nguồn cung ứng của nền kinh tế thời gian tới sẽ khó khăn.
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết sẽ xuất hiện những yếu tố mới và cần được đánh giá rất kĩ lưỡng về môi trường chuyển biến bên ngoài, đặt ra những môi trường hoạt động có thể sẽ hoàn toàn khác so với những gì chúng ta đã biết.
“Trong giai đoạn tới, nền kinh tế Việt Nam phải đối diện với nhiều vấn đề cả bên trong và bên ngoài. Sự xấu đi của bên ngoài hiện nay không phải là một cú sốc ngắn hạn mà thiết lập cân bằng thấp trong một giai đoạn kéo dài. Vì nó liên quan đến sự xung đột địa chính trị, xung đột giữa các nước lớn và thay đổi trật tự kinh tế thế giới hiện nay. Không nên đánh giá rằng đây là cú sốc tạm thời, rồi chúng ta sẽ trở lại bình thường và tăng trưởng nhanh GDP 6,5-7%”, ông Tú Anh nhấn mạnh.