Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu 3 thực trạng khiến tăng trưởng tín dụng thấp
(DNTO) - Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, việc doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn cần phải được mổ xẻ, phân tích rõ nguyên nhân mới ra được giải pháp đúng, song loại trừ nguyên nhân về cơ chế, chính sách.
Phát biểu và giải trình tại phiên họp về kinh tế - xã hội của Quốc hội, ngày 1/6, về điều hành lãi suất và tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, cho biết đối với điều hành lãi suất, nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của doanh nghiệp khi vay vốn. Tuy nhiên, điều hành lãi suất cần được xem xét trong tổng thể điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.
Theo Thống đốc, năm 2022, có hai lý do quan trọng để chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn đó là lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh. Ở trong nước, bình quân lạm phát tăng 3,15%, ở mức thấp nhưng vẫn cao hơn mức 1,84% trong năm 2021. Cuối năm 2022, lạm phát so với mức cùng kỳ đã là 5%. Chính vì vậy điều hành trong nước không thể chủ quan.
"Lý do thứ hai, xuất phát từ áp lực mất giá của VND khi đồng USD tăng giá mạnh, thời điểm tháng 9-10/2022, áp lực mất giá đến 9-10%. Nếu không có giải pháp linh hoạt, đồng bộ thì khó giữ được mức tỷ giá quanh 3,5% trong năm 2022", lãnh đạo NHNN cho biết.
Nếu để VND mất giá trên 10%, Thống đốc cho rằng doanh nghiệp sẽ rất khó khăn vì thâm hụt hàng năm rất lớn và doanh nghiệp hiện vẫn chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài, đẩy chi phí đầu vào tăng cao và kéo theo lạm phát tăng cao. Chưa kể doanh nghiệp Việt cũng vay vốn ở nước ngoài.
"Khi tình hình tỷ giá ổn định trở lại và lạm phát tăng chậm lại, trong những tháng đầu năm 2023, NHNN đã 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất các khoản vay mới giảm bình quân 0,9%/năm so với cuối năm 2021", bà Hồng nói.
Song, mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp song tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn èo uột.
Theo số liệu mới nhất của NHNN, tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 5 mới đạt 2,72% so với cuối năm 2022. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 14-15% của năm 2023. Thậm chí, nếu so với mức tăng trưởng đạt được vào cuối tháng 4 là 2,75% thì quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đang có xu hướng "co hẹp" lại.
Giải trình về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định: Nhìn về cơ chế chính sách cho vay có thể thấy vẫn giữ nguyên, không có gì thay đổi so với trước, do đó tăng trưởng tín dụng chậm trong những tháng đầu năm không thể nói do chính sách.
Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm dư địa tín dụng rất thoải mái không bị chặn và thanh khoản hệ thống được NHNN duy trì ở mức dư thừa. "Không có lý do gì mà ngân hàng huy động tiền gửi trả lãi cho người gửi tiền mà doanh nghiệp cần vốn lại không cho vay", Thống đốc nói và đề xuất cần có các khảo sát toàn diện, tổng thể, mổ xẻ kỹ tình trạng khó khăn của doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Liên quan đến tiếp cận tín dụng, Thống đốc Ngân chỉ ra 3 thực trạng. Thứ nhất, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay không có đầu ra, không có đơn hàng, nên nhu cầu vay vốn thấp.
Minh chứng là chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) ngành Sản xuất của Việt Nam do S&P Global công bố, đã giảm xuống 45,3 trong tháng 5 so với 46,7 trong tháng 4. Suy giảm PMI tháng 5 của Việt Nam là mạnh nhất kể từ tháng 9/2021.
Về giải pháp, bà Hồng cho rằng doanh nghiệp cần hướng đến để khai thác thị trường nội địa với 100 triệu dân để thay thế cho sự suy giảm của cầu nước ngoài. Ngoài ra cần có thêm các giải pháp để cải thiện điều kiện vay vốn, có thể thông qua các chính sách như là bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19 nên không đủ điều kiện vay vốn. Để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này, có thể thông qua chính sách bảo lãnh vay vốn cho SMEs…; NHNN cũng đã chỉ đạo, định hướng các tổ chức tín dụng cho vay doanh nghiệp SMEs trên cơ sở phương án kinh doanh khả thi chứ không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo.
Thứ ba là tín dụng bất động sản tăng chậm, mặc dù vẫn là lĩnh vực có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất. Đối với lĩnh vực bất động sản, 70% khó khăn vướng mắc đến từ pháp lý nên cần tháo gỡ pháp lý cho doanh nghiệp để rút ngắn thời gian, tiết giảm chi phí, sớm mở bán dự án mới có dòng tiền. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần có các giải pháp giảm giá sản phẩm, phát triển các phân khúc phù hợp nhu cầu thực của người dân.
Về gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm, lãnh đạo NHNN cho biết đến nay kết quả giải ngân gói tín dụng này vẫn thấp do tâm lý e ngại của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng khó đánh giá khả năng phục hồi. Trước tình hình đó, Chính phủ đã trình Quốc hội cho chuyển 24.000 tỷ đồng để giảm thuế VAT. Hiện nay NHNN đang trình Chính phủ bỏ từ "có khả năng phục hồi" để tiếp tục triển khai.
Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, đây là gói tín dụng do 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tự nguyện tham gia để hỗ trợ lãi suất cho người thu nhập thấp có thời hạn đến năm 2030. NHNN chỉ hướng dẫn áp dụng lãi suất trong thời gian ưu đãi.
Với gói này, Thống đốc Hồng cho biết nhu cầu mua nhà ở xã hội cao nhưng đó chỉ là một vấn đề, bởi quyết định vay hay không là do người dân. Đăc biệt, trong Luật Nhà ở hiện nay cũng có điểm "cho phép doanh nghiệp mua nhà để bố trí nhà ở cho công nhân, đây là điểm tích cực để gói tín dụng có thể tăng dư nợ giải ngân", bà Hồng thông tin.