Thấy gì từ chỉ số CPI tháng 8 chỉ 'nhích' nhẹ 0,005%?
(DNTO) - Theo báo cáo do Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước. Điều này cho thấy, lạm phát đã được kiểm soát khá tốt và khó có thể cao hơn mức mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra.
Số liệu ước tính từ Tổng cục Thống kê công bố sáng nay, 29/8, cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 chỉ tăng 0,005% so với tháng trước. Bình quân 8 tháng năm 2022 ước tính tăng khoảng 2,58%-2,6% so với cùng kỳ năm 2021 và dự báo CPI bình quân cả năm trong khoảng 3,4-3,7%.
Trong mức tăng 0.005% của CPI tháng 8/2022 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Cụ thể, các nhóm hàng tăng giá gồm nhóm giao thông tháng 8/2022 tăng cao nhất với 8,94% so với cùng kỳ năm trước; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,48% chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống và chi phí vận chuyển tăng.
Ngoài ra, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,8% do giá tour và khách sạn, nhà hàng tăng khi nhu cầu du lịch trong nước đang mùa cao điểm; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,4% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,3%, chủ yếu do dịch Covid-19 được kiểm soát, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 6,26%; giá lương thực tăng 2,31% và thực phẩm tăng 2,3%.
Bên cạnh đó, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 8 tăng 2,05% so với cùng kỳ năm trước; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,47%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,47%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,86%.
Ở chiều ngược lại, có 2 nhóm hàng giảm giá là nhóm giáo dục tháng 8 giảm 0,57% so với cùng kỳ năm trước; nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,16% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.
Theo Tổng cục Thống kê, có một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 8 tháng năm 2022. Cụ thể, trong 8 tháng năm nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 22 đợt, trong đó có 8 đợt giảm giá, làm cho giá xăng A95 tăng 1.370 đồng/lít; xăng E5 tăng 1.170 7 đồng/lít và dầu diezen tăng 6.180 đồng/lít. Bình quân 8 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 45,33% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.
Dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 8 tháng tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm.
Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 8 tháng tăng 7,86% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.
Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu làm cho giá gạo 8 tháng đầu năm 2022 tăng 1,15% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thực phẩm 8 tháng năm 2022 tăng 0,23% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI tăng 0,05 điểm phần trăm.
Một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 8 tháng năm 2022 phải kể đến là giá dịch vụ giáo dục giảm 3,14%, làm CPI chung giảm 0,17 điểm phần trăm; giá bưu chính viễn thông giảm 0,46% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát đã được kiểm soát an toàn ngưỡng 4%?
Với chỉ số CPI tháng 8 chỉ "nhích" nhẹ 0,005%, điều này cho thấy, lạm phát đã được kiểm soát khá tốt và khó có thể cao hơn mức mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra, tạo dư địa cho phát triển kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,37-3,87%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng dự báo lạm phát bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,7% (dao động khoảng 0,3%).
Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định, phần lớn các hàng hoá và dịch vụ thiết yếu của nền kinh tế chúng ta chủ động được nguồn cung như: lương thực, thực phẩm; dịch vụ giáo dục, y tế, điện và các loại hàng hoá, dịch vụ quan trọng khác. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp luôn chủ động, linh hoạt tìm kiếm và đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá và dịch vụ cho nhu cầu của nền kinh tế.
Giai đoạn từ đầu năm đến nay, Việt Nam luôn chủ động được nguồn cung lương thực, thực phẩm nên hạn chế được tốc độ tăng giá của mặt hàng này trong bối cảnh lạm phát gia tăng tại hầu hết các nền kinh tế, nhất là sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraina.
Các chuyên gia cũng cho rằng nền kinh tế đang phục hồi tương đối tốt, các lĩnh vực chính, như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… đang trở về trạng thái trước dịch. Xuất khẩu tăng trưởng tích cực khoảng 15%. Đầu tư trong nước và nước ngoài tăng trưởng tích cực 6-8%, trong đó đầu tư FDI cũng ghi nhận sự tích cực.
"Lạm phát của Việt Nam chủ yếu từ nhập khẩu, lạm phát từ nội tại không nhiều khi chính sách tài khoá và tiền tệ rất linh hoạt. Các dự báo hiện nay cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng 6,5-7% với lạm phát ở khoảng 4% trong năm nay và năm tới", TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia nhìn nhận.