Thành công ngoạn mục của Bukalapak với mảng kinh doanh quầy hàng trên phố
(DNTO) - Công ty khởi nghiệp bán lẻ Bukalapak đang tận dụng công nghệ 4.0 để vực dậy một phân khúc mang tính biểu tượng của nền kinh tế đất nước Indonesia trong đại dịch: kinh doanh các quầy hàng trên phố.
Đất nước Indonesia nổi tiếng với hàng triệu quầy hàng đường phố truyền thống do gia đình sở hữu, hay còn gọi là “warung”. Cứ khoảng 50 hoặc 100 ngôi nhà, sẽ có một mở cửa hàng trước cửa bày bán những mặt hàng cơ bản sinh hoạt như nước, xà phòng, cà phê hoặc đủ thứ linh tinh khác. Trông nho nhỏ xô bồ là thế, nhưng đằng sau hậu trường chợ phố này thực sự là một doanh nghiệp trị giá hàng tỷ đô la.
Lớp con buôn nhỏ thị dân này đã sinh hoạt kiếm sống như vậy bao đời nay. Đến khi nền kinh tế phát triển theo hướng mới, cơ bản là họ bị bỏ lại phía sau. Với mong muốn giúp các doanh nghiệp nhỏ hiện đại hóa để theo kịp dòng chảy thị trường, công ty khởi nghiệp bán lẻ Bukalapak với các ông chủ trẻ đã ra tay hành động, hy vọng sẽ vực dậy một phân khúc mang tính biểu tượng của nền kinh tế đất nước, trước mắt là chí ít vượt qua được đại dịch.
Một doanh nghiệp mang dáng dấp “người láng giềng”
Hiểu theo góc độ hiện đại, Bukalapak là một thị trường thương mại điện tử của Indonesia được thiết kế để giúp hàng triệu ki-ốt bán lẻ của quốc gia này có mặt và giao dịch trên mạng. Giờ đây công ty tự hào đang có hàng chục triệu khách hàng trên khắp quần đảo rộng lớn. Thế nhưng hồi Bukalapak mới được anh chàng Achmad Zaky thành lập năm 2010, nó chỉ đơn giản là một phương thức kiểu "người láng giềng ra tay giúp đỡ nhà hàng xóm của mình".
Những bạn đồng hành sáng lập công ty với Achmad Zaky là Nugroho Herucahyono và Fajrin Rasyid. Cả ba đều là những người trẻ thuộc Học viện Công nghệ Bandung biết kỹ thuật, rành internet và mọi thứ về mạng, chung nhiệt huyết tìm cách giúp dân đồng hương cải thiện, làm tốt hơn việc buôn bán nhỏ. Từ số vốn rất khiêm tốn ban đầu chỉ chừng 80.000 rupiah, họ khởi sự tấm lòng thành ấy qua nỗ lực tạo ra một trang web hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ bán hàng trực tuyến. Có thể xem đây là hạt giống đã tạo ra Bukalapak.
Hỗ trợ tiểu thương nhỏ lẻ mùa đại dịch
Không lâu sau, Bukalapak đã hoạt động như một bên trung gian thứ ba để hỗ trợ mua hàng giữa người tiêu dùng và người bán. Năm 2017, công ty làm cú đột phá khi ra mắt chuỗi quầy hàng Mitra Bukalapak với mục đích giúp các cửa hàng này cạnh tranh với các nhà bán lẻ hiện đại, bằng cách cung cấp các dịch vụ trực tuyến bổ sung như thanh toán hóa đơn và nạp tiền điện thoại.
Mitra Bukalapak cũng kết nối warung với các nhà phân phối hàng tiêu dùng, thu hẹp chuỗi cung ứng, hạ giá thành sản phẩm và tăng tỷ suất lợi nhuận cho các doanh nghiệp siêu nhỏ. Cũng từ năm đó, công ty bắt đầu kiếm được hoa hồng cho mỗi giao dịch, đến nay đã đạt mức định giá hàng tỷ đô la.
Vào tháng 1 năm 2020, sau một thập kỷ nắm quyền lãnh đạo, Zaky từ chức Giám đốc điều hành nhường chỗ cho Rachmat Kaimuddin, một cựu nhân viên ngân hàng 41 tuổi. Tuy nhiên, trong vòng 100 ngày đầu tiên làm việc của Kaimuddin, đại dịch đã xảy ra. Các đợt phong tỏa liên tiếp sau đó đã ảnh hưởng nặng nề đến hàng triệu warung cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mọi người thực sự cần công ty và Bukalapak đã phải chọn cách duy nhất để đảm bảo các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn có thể giao dịch, đó là thực hiện trực tuyến với một quy trình giới thiệu hiệu quả hơn.
Đến lúc phải phát triển thương mại điện tử
Giờ đây có thể nói chính thương mại điện tử là một trong những vũ khí chiến thắng đại dịch. Vào năm 2020, lệnh phong tỏa giãn cách xã hội khiến thị dân bắt đầu dùng thử các dịch vụ trực tuyến mới nên số người tiêu dùng kỹ thuật số tại Indonesia đã tăng đến 37%, chi tiêu trực tuyến tăng 11%, đạt 44 tỷ USD. Con số này dự kiến sẽ tăng gần gấp ba tính đến năm 2025, tức lên 124 tỷ USD.
Bukalapak đã giúp chèo lái các warung vượt qua làn sóng đó với lượng giao dịch được ghi nhận tăng vọt 130% vào năm 2020. Công ty hiện phục vụ 13,5 triệu doanh nghiệp siêu bé, vừa và nhỏ gồm 100 triệu khách hàng. Sự thành công này đã không ngăn được các nhà đầu tư đổ xô vào doanh nghiệp. Tháng đầu năm 2021, ngân hàng Standard Chartered trở thành tập đoàn mới nhất tham gia vòng tài trợ 200 triệu đô la giúp thúc đẩy sự mở rộng của công ty. Sự hợp tác này sẽ hỗ trợ Bukalapak xây dựng dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, một thỏa thuận riêng với Microsoft cho phép công ty áp dụng nền tảng điện toán đám mây Azure của gã khổng lồ công nghệ này. Ngoài ra còn có các nhà đầu tư khác, bao gồm tập đoàn truyền thông Indonesia Emtek, Ant Group của Alibaba và Quỹ tài sản có chủ quyền Singapore GIC, đẩy giá trị ước tính của Bukalapak lên từ 2,5 tỷ đến 3 tỷ USD.
Với số nhân khẩu 270 triệu người sử dụng điện thoại thông minh tại Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới có lượng người dùng Internet lớn nhất Đông Nam Á, lợi nhuận hàng tỷ đô trong tương lai của Bukalapak là điều dễ đoán. Công ty 11 năm tuổi sẵn sàng cạnh tranh với các ông lớn tại đất nước này như Tokopedia, Gojek hay Traveloka.