Tăng thuế giao dịch bất động sản là cần thiết, nhưng không cào bằng
(DNTO) - Theo các chuyên gia, việc tăng thuế giao dịch bất động sản là cần thiết nhằm tránh đầu cơ, song cần phân định rõ từng loại bất động sản, tránh cào bằng.
Tại phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chiều 7/1, về ý kiến cho rằng có nên tăng thuế giao dịch bất động sản, chứng khoán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay mức thuế chuyển nhượng chứng khoán của doanh nghiệp là 20%, đối với doanh nghiệp nước ngoài là 0,1% trên doanh thu bán. Đối với bất động sản thì thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, với cá nhân là 2% trên mỗi lần mua - bán.
Người đứng đầu ngành tài chính cho biết, nên siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản thế chấp. Với chuyển nhượng bất động sản cá nhân, yêu cầu nộp thuế theo đúng giá bán thực tế để tránh thất thu.
Liên quan đến vấn đề này, tại báo cáo thẩm tra Tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế cho rằng, bên cạnh việc cân nhắc quy mô, liều lượng của việc miễn, giảm thuế, cần nghiên cứu tăng thuế đối với giao dịch bất động sản.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam Nguyễn Hoàng Hải đồng tình với đề xuất này. Ông dẫn chứng: "Chúng ta chứng kiến nhiều cơn sốt đất nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp căn cơ. Thu nhập của chúng ta thấp hơn nhiều các nước phát triển như Mỹ, châu Âu…, nhưng giá đất ở những thời điểm nhất định, khu vực nhất định lại cao hơn. Điều này khiến người lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đứng ngoài cuộc trong việc tiếp cận nhà ở hay đất trong khu công nghiệp. Nếu không kiểm soát được giá đất, phát triển kinh tế sẽ chậm đi do doanh nghiệp khó tiếp cận quỹ đất để hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Cũng theo ông Hải, việc đánh thuế này phải nhằm mục đích trước tiên là ngăn chặn đầu cơ chứ không phải là để tăng thu ngân sách. Đồng thời, không áp dụng hồi tố với giao dịch trước khi chính sách mới ban hành. Khi chúng ta ngăn chặn được “sốt đất” sẽ hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, theo đó nguồn thu ngân sách sẽ hiệu quả và bền vững.
Về phần mình, TS. Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế cho hay, trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 mà bất động sản vẫn tăng là điều “cần phải được đánh giá lại”. Theo ông, việc xem xét tăng thuế với giao dịch bất động sản “phù hợp với kinh tế thị trường”, nhất là khi quỹ đất không có. Nhưng cần tuyệt đối tránh việc đầu cơ, tức là phải tăng thuế lên, trả lại cho người dân thứ họ đang cần.
Nhưng bên cạnh đó, ông Nhân lo ngại việc tăng thuế giao dịch bất động sản có thể khiến chủ đầu tư đẩy giá bán lên và người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng, nhất là người thu nhập thấp. Do đó, cần nghiên cứu kỹ để quyết định xem tăng như thế nào, tăng bao nhiêu cho phù hợp.
Theo ông Nhân, nên phân loại theo giá trị bất động sản để tăng thuế. Ví dụ, giao dịch bất động sản dưới 500 triệu đồng sẽ có mức thuế thấp hơn so với bất động sản trên 500 triệu đồng. Tức là, giá trị càng cao thì đánh thuế càng nhiều, như thế sẽ góp phần hạn chế đầu cơ. Điều này cũng áp dụng với cả việc đấu giá đất. Đơn vị nào bỏ giá cao hơn sẽ phải chịu thuế cao hơn, không thể trúng đấu giá ở mức 2 tỷ đồng/m2 mà vẫn chịu thuế như với việc đặt giá 1 tỷ đồng/m2.
Điều khiến các chuyên gia lo ngại là hiện nay, nước ta đang có hai loại giá đất: Giá thị trường và giá do Nhà nước quy định không sát thị trường. Bởi vậy, trong nhiều trường hợp, cùng 1m2 đất nhưng hai giá này có sự vênh nhau rất lớn. Vì thế, để bảo đảm công bằng, hiệu quả của việc tăng thuế bất động sản, phải giải quyết triệt để sự vênh nhau này.