Nhà đầu tư tìm ‘bến đỗ’ tài sản để 'né' rủi ro lạm phát
(DNTO) - Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2022, nền kinh tế sẽ đối mặt với áp lực lạm phát lớn. Không chỉ vậy, với tâm lý sợ đồng tiền mất giá, nhiều nhà đầu tư đã tìm bến đỗ cho tài sản của mình bằng cách đầu tư vào bất động sản, chứng khoán…, để ‘né’ rủi ro lạm phát.
Trước bối cảnh lạm phát đang có nguy cơ diễn ra và dự báo thị trường bất động sản sẽ lập mặt bằng giá mới vào năm 2022, thì nhiều nhà đầu tư cũng đã lên kế hoạch để đón đầu cơ hội và bảo toàn dòng tiền.
Chị Ngọc Lan, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội, ngay từ khi đợt dịch thứ 2 xảy ra, chị đã rút 1,5 tỷ đồng tiết kiệm của mình về đầu tư 1 mảnh đất ở Bắc Giang, và 200 triệu đồng đầu tư vào chứng khoán. Đến nay, chị Lan đã có lợi nhuận từ mảnh đất và chứng khoán lên tới gần 30%.
Cũng vì lo sợ lạm phát, chị Tú Anh, ở Hoàng Mai, Hà Nội, có khoản tiền nhàn rỗi, thay bằng gửi tiết kiệm ngân hàng, chị đã đầu tư vào một căn hộ ở vị trí trung tâm thành phố bởi sản phẩm này có tính thanh khoản tốt, lợi nhuận vượt trội so với kênh ngân hàng.
Đầu tư bất động sản, sở hữu bất động sản vốn là kênh đầu tư được ưa chuộng tại các quốc gia châu Á, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Chịu ảnh hưởng bởi tâm lý thích sở hữu đất đai và xu hướng tăng giá về dài hạn củabất động sản, đây là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn khi có nguồn tài chính lớn.
Ưu điểm của kênh đầu tư này chính là khả năng sinh lời dài hạn. Với quan niệm “tấc đất tấc vàng” của người Việt Nam, thì bất động sản được xem là mảnh đất màu mỡ được rất nhiều người quan tâm. Đặc thù của thị trường bất động sản Việt Nam trong những năm vừa qua là quá trình đô thị hóa vô cùng mạnh mẽ xung quanh những thành phố, khu kinh tế trọng điểm cùng với sự phát triển của hạ tầng cơ sở đã và sẽ tiếp tục tạo nền tảng cho sự tăng trưởng của thị trường nói chung trong dài hạn.
Nếu lạm phát tăng cao vào năm 2022, áp lực tăng giá bất động sản là rất lớn. Nhiều chuyên gia cho rằng, từ quý 2/2022 trở đi, khi kinh tế hồi phục trở lại, Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân cho cả trẻ em thì bất động sản sẽ càng có đà tăng giá. Trong khi đó, cầu tăng mà nguồn cung chưa phục hồi thì việc tăng giá là điều hiển nhiên.
Hai năm gần đây, thị trường bất động sản phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung trầm trọng. Nguyên nhân chính là do quỹ đất phát triển nhà ở tại các đô thị lớn hạn chế, chi phí tài chính về đất tăng cao, thời gian cấp phép dự án kéo dài. Đặc biệt, các cuộc thanh, kiểm tra pháp lý các dự án đã được cấp phép khiến cho nguồn cung mới bị siết chặt.
Ngoài ra đại dịch Covid-19 đã làm đứt gẫy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, làm trì trệ quá trình thi công, xây dựng dự án. Đây cũng chính là những yếu tố đẩy giá nhà đất tại nhiều tỉnh thành tăng cục bộ.
Bên cạnh ưu điểm thì kênh đầu tư bất động sản có khuyết điểm là cần vốn đầu tư rất lớn, mất nhiều thời gian để thực hiện giao dịch mua bán và đặc biệt, tính thanh khoản của bất động sản là thấp nhất so với các loại hình đầu tư thông thường khác.
Trái với quan điểm truyền thống của nhiều người trước đây rằng đầu tư bất động sản sẽ chắc chắn sinh lời, diễn biến thị trường bất động sản từ cuối 2007, đầu 2008 cho thấy đầu tư bất động sản, đặc biệt là hoạt động đầu cơ dựa trên nguồn vốn vay sẽ dẫn đến những rủi ro lớn.
Thị trường bất động sản thông thường có chu kỳ tương đối dài và dự đoán sẽ vẫn tiếp tục khó khăn trong vài năm tới do giá bất động sản ở Việt Nam vẫn đang rất cao so với mức thu nhập trung bình của người dân và nguồn cung vẫn còn dư thừa, đặc biệt là đối với sản phẩm chung cư.
Ở góc độ chuyên gia, PGS. TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nếu lượng tiền được bơm ra, tác động đến thị trường bất động sản cũng sẽ rất mạnh. Tuy nhiên, thị trường còn phụ thuộc vào việc tháo gỡ các nút thắt về thủ tục pháp lý. “Tất nhiên, những lúc tất cả mọi thứ bùng dậy như hiện nay thì rủi ro cũng rất lớn. Điều này phục thuộc vào khả năng ra quyết định của các nhà đầu tư”, ông Thiên nói.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lạm phát, nhà đầu tư nên cần cân đối và đặt lại mục tiêu cho danh mục đầu tư của mình. Rủi ro lạm phát dễ khiến tài sản “bốc hơi” nếu kênh đầu tư không may mất giá. Yếu tố lợi nhuận cần đặt lùi về sau, và hướng đến việc bảo vệ tài sản trước tiên.