Số hóa du lịch: Đà Nẵng tập trung nâng cấp công nghệ thực tế ảo VR360
(DNTO) - Thời gian gần đây, chuyển đổi số gần như đã trở thành một vấn đề sống còn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Để có thể đạt được chuyển đổi thành công, đòi hỏi nhiều chính sách ban hành đến từ Nhà nước, đặc biệt phải kể đến định hướng phát triển bền vững và chuyển đổi số trong du lịch.
Để hướng tới phát triển du lịch bền vững
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mà sự phát triển của nó ảnh hưởng tới sự tăng trưởng rộng khắp các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa, đặc biệt gắn liền với sự tồn tại, phát triển của tài nguyên và môi trường. Do đó việc phát triển du lịch theo hướng bền vững là xu hướng tất yếu mà Việt Nam cần phải chú trọng.
Trên thực tế, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về ngành du lịch, cũng như là phát triển du lịch bền vững. Việt Nam có hệ thống 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận và hơn 30 vườn quốc gia, trong đó có 10 vườn di sản ASEAN nổi tiếng với hệ sinh thái gần như nguyên vẹn cùng sự đa dạng và giá trị nổi bật quần thể, có tầm quan trọng đặc biệt.
Theo chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, đã nêu rõ du lịch là một trong những ngành được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là định hướng chính sách quan trọng để Việt Nam phát triển du lịch thông minh trên nền tảng số hóa.
Với tinh thần trên, Tổng cục Du lịch đã tập trung tạo dựng nền tảng cho chuyển đổi số trong ngành. Đến nay đã hình thành cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch và hệ thống dữ liệu thống kê du lịch. Phối hợp với các bên liên quan phát triển các ứng dụng kết nối liên thông hệ thống thông tin quản lý từ Trung ương đến cơ sở và các ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ khách du lịch.
Tổng cục Du lịch đang xây dựng chính sách có tính đột phá trong phát triển du lịch thông minh, du lịch số, kiến nghị với các bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai các chính sách, đáp ứng yêu cầu đồng bộ để phát triển du lịch thông minh, du lịch số trên phạm vi cả nước. Đồng thời sẽ xây dựng và triển khai đề án phát triển du lịch số, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn và đến năm 2045 thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch số.
Đà Nẵng số hóa các điểm đến du lịch
Ngày 15/9, Sở Du lịch TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình "Trải nghiệm du lịch Đà Nẵng trên không gian số" giới thiệu phiên bản nâng cấp "Một chạm đến Đà Nẵng" trên công nghệ VR360 và vũ trụ ảo (mertaverse).
Theo đó, sau 1 năm triển khai giai đoạn 1 với hơn 18.000 lượt trải nghiệm, năm 2022, dự án "Một chạm đến Đà Nẵng" phiên bản nâng cấp là sự tích hợp hoàn hảo giữa công nghệ VR360 và không gian metaverse với độ chính xác như ngoài đời thực, tiếp cận khách hàng trên toàn cầu, không giới hạn số lượng, thời gian và tối ưu ngân sách sẽ mang đến một trải nghiệm toàn diện dành cho người dùng.
Năm 2022, với mục tiêu số hoá điểm đến, du lịch Đà Nẵng sẽ tập trung triển khai các nhóm hoạt động: Nâng cấp, bổ sung giai đoạn 2 công nghệ thực tế ảo VR360 các điểm tham quan, du lịch tại Đà Nẵng, phát triển video định dạng 360 các hoạt động trải nghiệm dù lượn tại bán đảo Sơn Trà, cầu rồng phun lửa và nước; ra mắt không gian vũ trụ ảo "Metaverse Đà Nẵng"...
Là doanh nghiệp lữ hành, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Omega Tour đánh giá rất cao ứng dựng công nghệ số vào lĩnh vực du lịch, việc đưa hình ảnh, sản phẩm du lịch lên nền tảng công nghệ số để tiếp cận với thế giới nhanh hơn và toàn diện hơn. Đây là thời kỳ các công ty làm trong lĩnh vực du lịch cần phải số hóa, ứng dụng công nghệ. Để bắt kịp với xu thế, công ty cũng đã thuê một đơn vị viết về phần mềm; chuẩn bị ứng dụng phần mềm công nghệ số trong vận hành cũng như kinh doanh.
"Ngành du lịch cần hỗ trợ, gắn kết giữa các công ty công nghệ số và các doanh nghiệp, làm cho các doanh nghiệp ứng dụng được công nghệ số ở mức độ phù hợp. Trên nền tảng công nghệ số chúng ta mới mở rộng quảng bá, tiếp cận khách hàng cũng như giảm được chi phí quản lý, vận hành", ông Nguyễn Ngọc Anh cho hay.