Sẽ sửa những quy định lạc hậu về quảng cáo trên báo chí
(DNTO) - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết sẽ nghiên cứu sửa những quy định bất cập tại Luật Quảng cáo.
Thông tin này được bà Trịnh Thị Thu Thuỷ - Thứ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch nêu tại cuộc họp giao ban báo chí ngày 1/6. Bà Thuỷ nói, việc sửa đổi này sẽ được tiến hành vào năm 2022 khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn.
Cơ quan quản lý nói sẽ sửa quy định bất cập tại Luật Quảng cáo, song theo đại diện báo Người lao động, quy định tại Nghị định 38 khiến báo chí rất khó khăn, nhất là với tờ báo vừa phải làm nhiệm vụ chính trị tuyên truyền, tự chủ về tài chính. Vị này kiến nghị, bỏ quy định thời gian tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định trên báo điện tử là 1,5 giây; gỡ bỏ quy định cấm thiết kế quảng cáo lẫn với nội dung tin bài...
"Trong khi chờ sửa Luật Quảng cáo, chúng tôi đề nghị tạm hoãn thi hành các quy định nêu trên tại Nghị định 38", ông nói.
Ông Phùng Sưởng - Phó tổng biên tập báo Tiền Phong cũng đề nghị, khi chưa sửa luật thì tạm hoãn áp dụng quy định về thời gian tắt hoặc mở quảng cáo không quá 1,5 giây ở vùng không cố định trên báo điện tử.
Tuy nhiên, bà Thuỷ cho biết, không thể tạm hoãn thực thi Nghị định 38, bởi "quá trình soạn thảo nghị định này đã tuân thủ quy định Luật Ban hành văn bản pháp luật".
Thực tế, thực thi Luật Quảng cáo gần 10 năm qua và gần đây là Nghị định 38 ban hành ngày 29/3 xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo, có hiệu lực từ hôm nay (1/6) được giới phân tích, báo chí và doanh nghiệp cho rằng có nhiều điểm bất cập.
Một trong số đó là quy định "thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định hiển thị trên báo và trang tin điện tử không được phép quá 1,5 giây".
Bình luận điều này, ông Lê Quang Tự Do - Cục phó Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, thừa nhận quy định khống chế thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây trong Luật Quảng cáo đã "lạc hậu, không còn phù hợp".
Ông Lê Quang Tự Do nói, cơ quan này sẽ phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nghiên cứu sửa Luật Quảng cáo, bởi "đã thực thi 10 năm rồi thì luật có những điểm đã không còn sát thực tế".
Các chuyên gia truyền thông cho rằng, quy định tại Nghị định 38 đang khiến báo chí thêm khó khăn, dẫn đến bị triệt tiêu sức cạnh tranh, đặc biệt khi ở nền báo chí vẫn miễn phí như hiện nay.
Siết quảng cáo xuyên biên giới, mạng xã hội
Trong khi báo chí bị khống chế thời gian tắt hoặc mở 1,5 giây thì quảng cáo của các nền tảng như YouTube được kéo dài 5 giây hoặc hơn, thậm chí có thể "bắt" người dùng xem hết với những video quảng cáo ngắn. Hay với các nền tảng OTT hoặc game, quảng cáo đang không bị các quy định pháp lý theo luật Việt Nam khống chế. Người bị thiệt là báo chí và nhà quảng cáo, doanh nghiệp trong nước. Người hưởng lợi là các ông lớn như Google, Facebook, nhà phát hành game và ứng dụng OTT.
Ở góc độ này, ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông thừa nhận, quy định quảng cáo xuyên biên giới, mạng xã hội... đang không công bằng với báo chí. Ông cho biết, Bộ đang sửa đổi Nghị định 72, Nghị định 181 để "siết" lại quảng cáo trên các kênh này. Theo ông, các quy định quảng cáo trước đây đã "chưa tính hết tác động, cạnh tranh của mạng xã hội, nên khi xu thế thay đổi, phát triển thì phải cập nhật, sửa đổi cho phù hợp".
"Chúng tôi sẽ bổ sung hành vi xử phạt quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội để đảm bảo sự công bằng giữa mạng xã hội và báo chí", ông nhấn mạnh.
Bổ sung, Cục phó Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử thông tin Lê Quang Tự Do thông tin, nghị định sửa đổi Nghị định 181 siết quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới như Youtube, Facebook dự kiến được Chính phủ ban hành trong tháng 6 này. "Quy định mới này sẽ đem lại lợi thế mới cho các cơ quan báo chí truyền thông", ông Lê Quang Tự Do nói.
Hai quy định "rất mới và cứng rắn", theo ông Tự Do, là các doanh nghiệp, nhãn hàng hay đại lý quảng cáo sẽ không được quảng cáo nội dung trên các nền tảng mà Bộ Thông tin & Truyền thông công bố là có nội dung vi phạm pháp luật.
Mặt khác, các nền tảng xuyên biên giới sẽ phải chịu trách nhiệm, ngăn các quảng cáo trên các nội dung vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, một video clip đăng tải trên Youtube vi phạm pháp luật thì Youtube sẽ không được gắn quảng cáo hợp pháp của các nhãn hàng, doanh nghiệp vào clip này.