Quỹ bảo lãnh tín dụng: Đã đến lúc phải 'thiết kế' lại?
(DNTO) - Sau gần 4 năm triển khai, bảo lãnh tín dụng liên tục được các doanh nghiệp than phiền khi gặp khó khăn trong tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng ngân hàng. Đã đến lúc phải rà soát, đánh giá lại để có những điều chỉnh hiệu quả, tránh đặt ra tổ chức, xây kỳ vọng và rồi... để đó.
Chia sẻ tại Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh Tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngày 12/9, ông Nguyễn Việt Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, cho hay, để hoạt động Bảo lãnh Tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34 quy định việc thành lập tổ chức và hoạt động của quỹ này tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hiện nay có 25 Quỹ Bảo lãnh Tín dụng đang hoạt động, thực hiện chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vay vốn. Nguồn lực tài chính của các quỹ Bảo lãnh Tín dụng chủ yếu là hỗ trợ từ ngân sách địa phương, bên cạnh đó, được bổ sung thêm từ nguồn thu lãi tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, nguồn vốn ủy thác của các cơ quan, tổ chức kinh tế hoặc từ hoạt động đầu tư.
Doanh số bảo lãnh của các quỹ Bảo lãnh Tín dụng từ năm 2002 lũy kế đến 31/12/2021 ước khoảng trên 4.768,31 tỷ đồng với khoảng trên 2.450 doanh nghiệp nhỏ và vừa được bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực trong triển khai hoạt động Bảo lãnh Tín dụng, thời gian qua, Bảo lãnh Tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại các tổ chức cho vay vẫn còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc, khiến doanh nghiệp bức xúc.
Cụ thể, bộ máy năng lực tài chính, quy mô nguồn vốn dành cho hoạt động Bảo lãnh Tín dụng của các tổ chức bảo lãnh còn nhỏ; hoạt động vẫn chưa tập trung về một đầu mối..., không những thế, hầu hết các ngân hàng thương mại không thu được lợi nhuận từ hoạt động cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn.
"Đến nay, sau gần 4 năm triển khai, thời gian đủ dài để các cơ quan, đơn vị rà soát, đánh giá lại, qua đó làm rõ những tồn tại, hạn chế nhằm đề xuất giải pháp phù hợp để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách Bảo lãnh Tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cơ chế, chính sách cần phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung phù hợp với yêu cầu thực tiễn, mô hình tổ chức...", ông Hưng nhấn mạnh.
Đề cập đến kết quả hoạt động huy động vốn của quỹ Bảo lãnh Tín dụng, TS. Phạm Phan Dũng – Chuyên gia dự án USAID LinkSME, nhấn mạnh, thời gian qua, một số quỹ cũng đã tích cực tìm kiếm, huy động các nguồn lực khác ngoài khoản ngân sách cấp để bổ sung vốn điều lệ, tuy nhiên, kết quả chưa đạt như mong muốn.
Đưa ra kiến nghị về giải pháp đẩy mạnh hoạt động quỹ Bảo lãnh Tín dụng trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, cần có quy định cụ thể về việc trích lập dự phòng, xây dựng quỹ bù đắp dự phòng rủi ro. Ngoài ra, có thể cho phép quỹ huy động vốn từ các quỹ nước ngoài để tăng vốn điều lệ, qua đó tạo nguồn lực cho quỹ phát triển và hỗ trợ một cách thiết thực đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (thông qua ủy thác).
Đồng thời, xem xét điều chỉnh lại thẩm quyền trong việc xóa nợ lãi đối với các khoản nhận nợ vay bắt buộc khi phải xử lý rủi ro theo hướng giao cho Chủ tịch Quỹ được xem xét xóa nợ lãi nợ vay bắt buộc khi khách hàng đáp ứng đủ các điều kiện do quỹ hiện nay đang hoạt động theo tiêu chí không vì mục tiêu lợi nhuận.
Mở rộng thêm tiêu chí để được xem xét xóa nợ lãi như: Khách hàng đã xử lý hết tài sản bảo đảm, không có hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp không hoạt động trong vòng 3 năm liên tiếp trước thời điểm xem xét xóa nợ lãi...